Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở thông qua việc phát triển phong trào văn nghệ quần chúng (VNQC) thời gian qua được ngành Văn hóa, các địa phương trong tỉnh chú trọng nâng cao chất lượng và mở rộng quy mô.
Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở thông qua việc phát triển phong trào văn nghệ quần chúng (VNQC) thời gian qua được ngành Văn hóa, các địa phương trong tỉnh chú trọng nâng cao chất lượng và mở rộng quy mô.
Các thành viên trong CLB Dân ca và nhạc cổ truyền P.An Bình, TP.Biên Hòa luyện tập nhạc cụ truyền thống. Ảnh: L.Na |
Nhiều cách thức xây dựng, phát huy thế mạnh hạt nhân văn nghệ, tổ chức các sân chơi, hội thi, thành lập CLB… đã góp phần thúc đẩy phong trào cơ sở, trở thành món ăn tinh thần thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.
* Hoạt động sôi nổi
Từ đầu năm đến nay, các địa phương trong tỉnh đồng loạt tổ chức hàng chục chương trình văn nghệ, hội thi, hội diễn, triển lãm… thu hút sự tham gia của nhiều cá nhân, đơn vị. Ngoài duy trì các CLB, đội, nhóm văn nghệ, hoạt động VNQC còn tập trung theo hướng bảo tồn, phát huy các bộ môn nghệ thuật truyền thống có thế mạnh như: đờn ca tài tử, dân ca quan họ…
Theo trưởng phòng Văn hóa - thông tin H.Thống Nhất Nguyễn Thị Tuyết Minh, trong 6 tháng đầu năm 2023, huyện đã tổ chức nhiều hội thi, liên hoan như: Liên hoan trung tâm văn hóa - thể thao và học tập cộng đồng; kể chuyện, vẽ tranh theo sách hè; giai điệu tuổi hồng; tiếng hát người cao tuổi…
Đồng thời, còn tổ chức hàng chục buổi văn nghệ lưu động phục vụ bà con tại các xã, thị trấn. Các hoạt động văn nghệ gắn với phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, từng bước thu hẹp khoảng cách hưởng thụ văn hóa tinh thần của các địa phương.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Trung tâm Văn hóa - điện ảnh tỉnh đã tổ chức 60 buổi biểu diễn văn nghệ lưu động về cơ sở, phục vụ gần 16 ngàn lượt người xem; tổ chức 952 buổi chiếu phim và lồng ghép tuyên truyền, thu hút hơn 85,6 ngàn lượt người tham gia. Ngoài ra, trung tâm phát sóng trực tuyến chương trình văn nghệ với chủ đề Tổ quốc nhìn từ biển. |
Anh Phạm Văn Đức, cán bộ Trung tâm Văn hóa - thông tin và thể thao H.Long Thành cho hay, phong trào VNQC trên địa bàn huyện thời gian qua phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, thu hút sự tham gia của các cấp, ngành, cán bộ, đảng viên và đông đảo người dân. Đặc biệt, H.Long Thành chú trọng thành lập mô hình CLB văn hóa văn nghệ tại hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao; thành lập các đội, nhóm VNQC trong các cơ quan, trường học và tại cộng đồng dân cư.
Đến nay, H.Long Thành đã thành lập 2 CLB thơ ca, 5 CLB văn hóa văn nghệ và đờn ca tài tử cấp huyện và 15 CLB văn nghệ cấp xã, thị trấn. Ngoài nguồn kinh phí từ ngân sách, địa phương đã huy động nhiều nguồn lực, xã hội hóa hoạt động văn hóa, văn nghệ với số tiền 500 triệu đồng/năm.
Địa phương có gần 120 ngàn công nhân đang làm việc và sinh sống, bên cạnh tổ chức đa dạng sinh hoạt VNQC, H.Nhơn Trạch còn duy trì hàng chục mô hình CLB đờn ca tài tử, thơ ca; tổ chức hoạt động ngâm thơ, viết câu đối, thư pháp tại các cơ sở tín ngưỡng như: đình Phước Thiền, đình Mỹ Khoan, đình Phước Khánh. Hiện H.Nhơn Trạch đã thành lập 7 đội lân sư rồng, luyện tập thường xuyên, góp phần không nhỏ trong phục vụ nhu cầu giải trí và các hoạt động lễ hội của địa phương. Đặc biệt, 13 đội thông tin lưu động của các xã, thị trấn thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền, biểu diễn văn nghệ, phục vụ bà con ở cơ sở.
Theo Phó trưởng phòng Văn hóa - thông tin H.Cẩm Mỹ Đoàn Văn Hùng, từ đầu năm đến nay, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã tổ chức được 50 buổi giao lưu văn hóa văn nghệ; phối hợp với Đội chiếu phim lưu động số 4 của Trung tâm Văn hóa - điện ảnh tỉnh tổ chức 52 buổi chiếu phim phục vụ gần 3,1 ngàn lượt người xem. Ngoài ra, H.Cẩm Mỹ tích cực tham gia các sân chơi VNQC như: Liên hoan các nhóm nhảy hiện đại và Liên hoan tuyên truyền lưu động tỉnh Đồng Nai 2023; hội thi Tiếng hát mãi xanh H.Cẩm Mỹ…
* Phát triển phong trào ở cơ sở
Mặc dù phong trào VNQC phát triển sôi nổi song nhiều địa phương cũng thẳng thắn nhìn nhận, hoạt động VNQC ở cơ sở vẫn còn gặp nhiều khó khăn như: Nguồn kinh phí còn hạn chế, các mô hình CLB, đội nhóm hoạt động chủ yếu trên tinh thần tự nguyện, tự đóng góp để trang bị dụng cụ, trang phục để biểu diễn. Ở các nhà văn hóa, cơ sở vật chất, trang thiết bị như: âm thanh, ánh sáng… phục vụ cho hoạt động biểu diễn văn nghệ còn thiếu và yếu.
Theo lãnh đạo H.Long Thành, phong trào văn hóa, VNQC trên địa bàn huyện đã góp phần tích cực bài trừ các tệ nạn xã hội, xóa bỏ dần hủ tục lạc hậu, giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của từng dân tộc. Trong thời gian tới, huyện sẽ đẩy mạnh công tác xã hội hóa phong trào VNQC, huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho các hoạt động ở cơ sở. Đồng thời, tăng cường đầu tư kinh phí hoạt động cho phát triển sự nghiệp văn hóa VNQC ở cơ sở, coi đây là một trong những giải pháp quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Nhằm duy trì và phát triển phong trào VNQC ở cơ sở, Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa - điện ảnh tỉnh Đỗ Thị Hồng cho biết, thời gian tới, trung tâm sẽ tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình, khuyến khích người dân tham gia sáng tạo, bảo tồn, truyền dạy nghệ thuật truyền thống. Bên cạnh đó, tổ chức các hội thi, hội diễn VNQC, mở các lớp bồi dưỡng, phát huy vai trò và đóng góp của các hạt nhân, nghệ nhân văn hóa dân gian để phong trào VNQC thực sự có sức sống lâu bền trong nhân dân, nhất là công tác bảo tồn và phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ.
Ly Na