Không chỉ thực hiện các nhiệm vụ chính trị, đồng hành cùng sự phát triển của tỉnh nhà, 15 năm qua, văn học nghệ thuật (VHNT) Đồng Nai còn là "món ăn" tinh thần bổ ích cho người dân, góp phần hướng con người đến giá trị chân - thiện - mỹ.
Không chỉ thực hiện các nhiệm vụ chính trị, đồng hành cùng sự phát triển của tỉnh nhà, 15 năm qua, văn học nghệ thuật (VHNT) Đồng Nai còn là “món ăn” tinh thần bổ ích cho người dân, góp phần hướng con người đến giá trị chân - thiện - mỹ.
Tiết mục Đồng Nai tỏa sáng tương lai do các nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai biểu diễn trong Ngày thơ Việt Nam năm 2023. Ảnh: My Ny |
Trước những yêu cầu mới hiện nay, VHNT tỉnh nhà đã và đang tiếp tục được sự quan tâm, đầu tư, có sự thay đổi mạnh mẽ nhằm tạo thêm động lực, đột phá, phát triển tương xứng với vai trò, vị trí cũng như bề dày truyền thống của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai 325 năm hình thành và phát triển.
* Đưa nghị quyết đi vào cuộc sống
Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16-6-2008 của Bộ Chính trị (khóa X) và Chương trình hành động số 78-CTr/TU ngày 29-5-2009 của Ban TVTU về Tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới trên địa bàn tỉnh đã khẳng định vai trò, vị trí của VHNT trong xây dựng, phát triển đất nước, con người Việt Nam nói chung, Đồng Nai nói riêng. Trên quan điểm, đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để VHNT phát triển, văn nghệ sĩ sáng tạo nhiều tác phẩm tốt, đáp ứng nhu cầu văn hóa, tinh thần của nhân dân.
Sáng nay 13-4, tại hội trường Tỉnh ủy diễn ra Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16-6-2008 của Bộ Chính trị (khóa X) và Chương trình hành động số 78-CTr/TU ngày 29-5-2009 của Ban TVTU về Tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới trên địa bàn tỉnh. Ngoài công chiếu phim phóng sự, hội nghị còn lắng nghe các sở, ngành, địa phương báo cáo tham luận kết quả 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23, những giải pháp để tiếp tục phát triển VHNT Đồng Nai trong thời gian tới. Dịp này, các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23 được tuyên dương, khen thưởng. |
Theo NSND Giang Mạnh Hà, Chủ tịch Hội VHNT Đồng Nai, 15 năm qua, văn nghệ sĩ Đồng Nai đã sáng tác hàng chục ngàn tác phẩm VHNT với các thể loại: Văn học, mỹ thuật, nhiếp ảnh, âm nhạc, sân khấu điện ảnh, văn nghệ dân gian, lý luận phê bình và múa. Nhiều tác phẩm ca ngợi Đảng, Bác Hồ, vẻ đẹp của đất nước, con người Việt Nam, Đồng Nai; tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống, lịch sử dân tộc; cổ vũ những tấm gương người tốt, việc tốt. Cũng có những tác phẩm đã thẳng thắn đấu tranh, phê phán cái xấu, cái ác, những tệ nạn xã hội, sự sai trái về tư tưởng, đạo đức, lối sống; bảo vệ những giá trị đạo đức, nhân văn.
“Đội ngũ văn nghệ sĩ và những người tham gia hoạt động trên lĩnh vực VHNT ở Đồng Nai được bổ sung và phát triển khá nhanh. Đến nay, Hội có khoảng 300 hội viên, sinh hoạt ở 8 ban chuyên môn. Đặc biệt, văn nghệ sĩ thường xuyên ứng dụng công nghệ để giới thiệu, quảng bá về tiềm năng của vùng đất và con người Đồng Nai đến bạn bè trong và ngoài nước. Nhiều tác phẩm được giới chuyên môn đánh giá cao về chất lượng và giá trị nghệ thuật qua các giải thưởng, cuộc thi, hội diễn, liên hoan khu vực, toàn quốc và quốc tế” - NSND Giang Mạnh Hà nhấn mạnh.
Hoạt động mở rộng hợp tác khu vực và quốc tế về VHNT trên địa bàn tỉnh từng bước được quan tâm. Hội VHNT Đồng Nai đã tổ chức nhiều hội thi, liên hoan, giao lưu văn hóa, nghệ thuật với các tỉnh trong, ngoài khu vực và quốc tế. Trong đó phải kể đến việc ký kết hoạt động VHNT với các tỉnh Đông Nam bộ; mở rộng hoạt động giao lưu với văn nghệ sĩ tỉnh Jeollabuk (Hàn Quốc). Hoạt động sáng tác, nghiên cứu lý luận, phê bình VHNT có chuyển biến tích cực. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ, kiến thức cho văn nghệ sĩ, hội viên, nhất là các tài năng trẻ, văn nghệ sĩ dân tộc thiểu số được quan tâm.
Các hoạt động VHNT quần chúng diễn ra sôi nổi, thiết thực từ tỉnh đến cơ sở, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân. 100% các huyện, thành phố có đội, nhóm, CLB hoạt động thường xuyên trên các lĩnh vực VHNT. Hoạt động văn nghệ quần chúng ngày càng phát triển rộng rãi, phong phú, đa dạng tại hệ thống các thiết chế văn hóa. Nhờ vậy, nghệ nhân dân gian trên địa bàn tỉnh có điều kiện truyền dạy cho thế hệ trẻ các loại hình văn hóa, nghệ thuật truyền thống đang dần có nguy cơ bị mai một. Qua đó, gìn giữ, phát huy, giới thiệu, quảng bá về các loại hình nghệ thuật độc đáo của các dân tộc đến với công chúng.
Tiết mục Đồng Nai tỏa sáng tương lai do các nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai biểu diễn trong Ngày Thơ Việt Nam năm 2023 |
Trưởng phòng Văn hóa - thông tin H.Long Thành Lê Khắc Toàn cho biết: “Thời gian qua, H.Long Thành chú trọng phát huy các nguồn lực, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động phát triển sâu rộng VHNT quần chúng. Long Thành xác định loại hình CLB văn hóa nghệ thuật là lực lượng nòng cốt để phát huy, phát triển phong trào VHNT ở địa phương. Hàng năm, huyện phối hợp với các CLB, đội nhóm, tổ chức nhiều hoạt động biểu diễn, phát hiện các nhân tố mới, tạo điều kiện thuận lợi để họ sinh hoạt, chung sức xây dựng phong trào”.
* Sáng tạo tác phẩm đáp ứng yêu cầu mới
VHNT Đồng Nai thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang phát triển và hội nhập mạnh mẽ với nhiều thời cơ, thuận lợi, khó khăn và cả thách thức đan xen. Vì vậy, để tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW và Chương trình hành động số 78 CTr/TU rất cần sự chuyển động mạnh mẽ của văn nghệ sĩ, các cấp quản lý, cấp hội và sự quan tâm, đầu tư từ các nguồn lực xã hội.
NSND Giang Mạnh Hà cho rằng, cùng với thực hiện Nghị quyết, hiện nay, Kết luận của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021; Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai… là những nội dung định hướng tư tưởng, kim chỉ nam cho VHNT sáng tạo, phục vụ công chúng trong thời đại mới.
Đặc biệt, chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng là tạo đột phá phát triển nguồn nhân lực lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, chuyển đổi số. Hiện nay, không chỉ các trường nghệ thuật chú trọng công tác đào tạo nhân lực VHNT mà ngay cả các trường học trên địa bàn tỉnh cũng đẩy mạnh dạy học nghệ thuật cho học sinh. Hàng năm, Sở
GD-ĐT phối hợp với Hội VHNT, Nhà Thiếu nhi Đồng Nai, thư viện, bảo tàng tổ chức các trại sáng tác; tạo điều kiện cho học sinh tham gia các hoạt động văn hóa, về nguồn, giúp các em phát huy năng khiếu, khả năng sáng tác trên tất cả các lĩnh vực.
Để VHNT đi vào chiều sâu và có chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chung của đất nước và của tỉnh, trong các buổi làm việc với Đảng đoàn Hội VHNT Đồng Nai, gặp gỡ, giao lưu với văn nghệ sĩ tỉnh nhà, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng đề nghị Hội duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động, tăng cường tuyên truyền đến hội viên nhằm trau dồi bản lĩnh, phẩm chất chính trị, nâng cao đạo đức lối sống. Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng khẳng định, lãnh đạo tỉnh luôn đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi nhất để văn nghệ sĩ tỉnh nhà, văn nghệ sĩ trong nước luôn yêu quý Đồng Nai, phát triển tài năng, sáng tạo nhiều tác phẩm tốt, đáp ứng nhu cầu văn hóa, tinh thần của nhân dân.
Việc triển khai, thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW và Chương trình hành động số 78 CTr/TU trên địa bàn tỉnh đã góp phần động viên, khơi dậy lòng nhiệt huyết, khát khao sáng tạo và công hiến của đội ngũ văn nghệ sĩ. VHNT đã góp phần khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng trong xây dựng văn hóa, con người Đồng Nai đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, đưa VHNT của tỉnh nhà ngày càng phát triển, có chỗ đứng vững chắc, xứng tầm với bề dày truyền thống văn hóa lịch sử vùng đất 325 năm hình thành và phát triển. |
My Ny