Hệ thống các công trình văn hóa, thể thao còn thiếu; công tác quản lý, khai thác còn chưa hiệu quả…, là những bất cập, hạn chế trong đầu tư, khai thác, quản lý và sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh.
Hệ thống các công trình văn hóa, thể thao còn thiếu; công tác quản lý, khai thác còn chưa hiệu quả…, là những bất cập, hạn chế trong đầu tư, khai thác, quản lý và sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh.
Cơ sở vật chất Trung tâm Văn hóa thể thao - học tập cộng đồng xã Thanh Bình (H.Trảng Bom) xuống cấp nghiêm trọng, chưa được duy tu, sửa chữa. Ảnh: L.Na |
Để tháo gỡ khó khăn, nâng cao chất lượng hoạt động, đưa thiết chế văn hóa trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút người dân, rất cần sự chung tay của các ngành, các cấp, các tầng lớp nhân dân.
* Cơ sở xuống cấp và hoạt động chưa hiệu quả
Xã Thanh Bình (H.Trảng Bom) hiện có 4 nhà văn hóa (NVH) ấp, 1 trung tâm văn hóa thể thao - học tập cộng đồng (trung tâm). Trong đó, trung tâm được xây dựng và đưa vào hoạt động từ năm 2006 gồm có: hội trường đa năng, các phòng chức năng, sân bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, âm thanh… đạt chuẩn. Trung tâm có thư viện với trên 30 đầu sách pháp luật, khoa học kỹ thuật thu hút người dân đến đọc sách, nghiên cứu ứng dụng vào đời sống.
Tuy nhiên, hiện nay cơ sở vật chất trung tâm xuống cấp khá nghiêm trọng, nhất là phần trần nhà đã bị bong tróc, nứt gãy; nhiều phòng chức năng không thể hoạt động. Điều này khiến cho các sinh hoạt tại trung tâm gặp nhiều khó khăn.
Không chỉ tại trung tâm, tại các NVH trên địa bàn xã Thanh Bình thiếu các trang thiết bị phục vụ cho sinh hoạt hội họp và rèn luyện sức khỏe.
Trưởng ấp Trường An (xã Thanh Bình) Lê Đình Quang chia sẻ: “Do xây dựng đã lâu, hoạt động liên tục nên hệ thống bàn ghế trong NVH hiện đã hư hỏng, xiêu vẹo; thiết bị luyện tập thể dục - thể thao còn thiếu. Vì vậy, ban ấp mong muốn được hỗ trợ cấp lại bàn ghế cũng như lắp đặt các thiết bị phục vụ nhu cầu của nhân dân”.
Tại TP.Biên Hòa, nhiều thiết chế hoạt động chưa hiệu quả, chưa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Trong đó phải kể đến NVH KP.Cầu Hang, P.Hóa An do xây dựng ở hẻm cụt, chạy dọc theo tuyến đường sắt nên không thuận lợi cho việc đi lại của người dân; NVH KP.4, P.An Hòa hiện đã bị quy hoạch, tháo dỡ để thi công hương lộ 2 hay NVH KP.1B, P.Tân Hạnh được đặt tại một cơ sở tín ngưỡng lâu đời bị thu hồi do xuống cấp trầm trọng, chủ yếu chỉ sử dụng để tổ chức hội họp.
Phó chủ tịch UBND P.Hố Nai (TP.Biên Hòa) Nguyễn Quang Tuyến cho biết, trên địa bàn phường hiện có 9 văn phòng khu phố/13 khu phố được nâng cấp thành NVH; do quỹ đất không có nên việc xây dựng văn phòng khu phố gặp khó khăn. Phường đành chỉ đạo thực hiện sinh hoạt lồng ghép 2 khu phố vào một NVH.
“P.Hố Nai có 9 NVH song thực chất chỉ có 3 NVH có diện tích để người dân sinh hoạt hiệu quả; còn lại 6 NVH chỉ có diện tích 100m2. Các NVH trên địa bàn thiếu trang thiết bị, cơ sở vật chất như bộ âm ly, loa… Một số khu phố đã kêu gọi xã hội hóa, tự trang bị để sử dụng. Về kinh phí, NVH ấp được cấp kinh phí hoạt động song ở NVH khu phố lại không có, khiến việc duy trì hoạt động rất khó khăn. Đối với trung tâm của phường hiện nay đã xuống cấp, bàn ghế, tủ sách thiếu, huy động từ xã hội hóa để tổ chức hoạt động” - ông Tuyến nói.
Không chỉ ở H.Trảng Bom hay TP.Biên Hòa mà rất nhiều địa phương khác trong tỉnh, còn nhiều thiết chế văn hóa hoạt động chưa hiệu quả. Trong đó phải kể đến H.Xuân Lộc có 14/15 trung tâm cấp xã, 35/92 NVH ấp, khu phố chưa hoạt động hiệu quả; H.Định Quán có 12/96 NVH ấp, khu phố chưa hoạt động hiệu quả; H.Cẩm Mỹ có 5/13 trung tâm cấp xã chưa hoạt động tốt; H.Nhơn Trạch có 4/12 trung tâm cấp xã có cơ sở vật chất xuống cấp, thiếu kinh phí hoạt động
* Để thiết chế văn hóa trở thành điểm đến…
Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Nguyễn Xuân Thanh cho biết, để khắc phục khó khăn, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống các thiết chế văn hóa, TP.Biên Hòa đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và phổ biến sâu rộng chủ trương, chính sách về xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa, thể thao. Bổ sung các chỉ tiêu cụ thể về xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao vào nội dung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của thành phố; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật, trang bị phương tiện chuyên dùng. Tổ chức nhiều loại hình CLB văn hóa, thể thao thu hút nhân dân tham gia.
“Trong năm 2023, TP.Biên Hòa tiếp tục vận động xã hội hóa để phát huy hết công năng, hiệu quả của hệ thống các thiết chế. Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục khảo sát tình hình cơ sở vật chất của hệ thống này để thực hiện cải tạo, sửa chữa các thiết chế văn hóa, thể thao đã cũ, xuống cấp nặng, phục vụ cho các hoạt động; đồng thời, lên phương án cải tạo các thiết chế chưa đủ phòng chức năng, bổ sung các công năng, mua sắm trang thiết bị, đáp ứng nhu cầu của nhân dân” - ông Thanh cho hay.
Tham gia đoàn kiểm tra phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa năm 2022 và khảo sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở mới đây, Giám đốc Sở VH-TTDL Lê Thị Ngọc Loan đề nghị các địa phương cần rà soát, đánh giá tổng thể hiện trạng, hoạt động của các thiết chế văn hóa; có báo cáo, đề xuất cụ thể cho địa phương để đầu tư, sửa chữa, bổ sung trang thiết bị… nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, để thiết chế văn hóa trở thành điểm đến sinh hoạt văn hóa tinh thần của cộng đồng dân cư.
Ly Na