Báo Đồng Nai điện tử
En

Nơi lửa nghề… vẫn cháy

07:09, 20/09/2022

Mặc dù ra đời muộn hơn so với nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, song Quốc doanh Chiếu bóng Đồng Nai được thành lập vào tháng 9-1975 (nay là Trung tâm Văn hóa - điện ảnh tỉnh) được xây dựng, ngày càng phát triển và lan tỏa mạng lưới chiếu phim lưu động trong cộng đồng.

Mặc dù ra đời muộn hơn so với nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, song Quốc doanh Chiếu bóng Đồng Nai được thành lập vào tháng 9-1975 (nay là Trung tâm Văn hóa - điện ảnh tỉnh) được xây dựng, ngày càng phát triển và lan tỏa mạng lưới chiếu phim lưu động trong cộng đồng.

Đội chiếu phim lưu động số 3 của Trung tâm Văn hóa - điện ảnh tỉnh phục vụ chiếu phim tại Cơ sở điều trị nghiện ma túy Đồng Nai (xã Suối Cao, H.Xuân Lộc)
Đội chiếu phim lưu động số 3 của Trung tâm Văn hóa - điện ảnh tỉnh phục vụ chiếu phim tại Cơ sở điều trị nghiện ma túy Đồng Nai (xã Suối Cao, H.Xuân Lộc). Ảnh: L.Na

Với phương châm mang đến những bộ phim hay, những thông tin tuyên truyền khán giả cần, các đội chiếu phim lưu động thuộc Trung tâm Văn hóa - điện ảnh tỉnh nhiều năm qua đã và đang nỗ lực nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho các tầng lớp nhân dân.

* Bám sát nhiệm vụ chính trị

Giám đốc Trung tâm Văn hóa - điện ảnh tỉnh Tôn Thị Thanh Tình cho biết, 5 đội (7 tổ) chiếu phim lưu động của Trung tâm Văn hóa - điện ảnh tỉnh thời gian qua đã đưa hàng trăm bộ phim vào phục vụ các tầng lớp nhân dân. Hiện nay, mặc dù phim ảnh tràn ngập trên các phương tiện thông tin và mạng xã hội nhưng với nhiệm vụ của mình, từng thước phim hay, bám sát yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị vẫn theo chân các đội chiếu phim lưu động của trung tâm đi đến từng ấp, khu phố trên địa bàn tỉnh.

“Trước và sau mỗi buổi chiếu, các đội chiếu phim sẽ phát loa tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị, ngày lễ lớn của tỉnh, của đất nước. Cùng với các phim do Bộ VH-TTDL phát hành, chúng tôi còn mua thêm bản quyền các phim mới, hấp dẫn phục vụ bà con. Chẳng hạn, với công nhân ở khu nhà trọ, chúng tôi chọn các phim có nội dung hài có tính giải trí cao hay các phim đề tài gia đình. Với các ngày lễ, Tết, chúng tôi chọn phim về Đảng, Bác Hồ; về xây dựng đời sống văn hóa mới; hay chọn phim thiếu nhi công chiếu cho học sinh trong dịp hè” - bà Tôn Thị Thanh Tình chia sẻ.

Đổi mới trang thiết bị (màn hình 300 inch, âm thanh, ánh sáng, loa kết nối internet…) và đặc biệt là mang đến những thông tin, những bộ phim hay, khán giả cần chứ không phải cái có sẵn là cách tốt nhất để các đội chiếu phim lưu động thu hút được người dân đến xem trong thời buổi bùng nổ các chương trình vui chơi, giải trí hiện nay. Trung bình mỗi năm, các đội chiếu phim lưu động của Trung tâm Văn hóa - điện ảnh tỉnh công chiếu từ 2-3 ngàn buổi/11 huyện thành phố, phục vụ hàng trăm ngàn lượt khán giả đến xem.

* Góp phần nâng cao đời sống văn hóa

Có gần 30 năm gắn bó với nghề chiếu phim lưu động, anh Nguyễn Lợi, Đội trưởng Đội chiếu phim lưu động số 3 gồm H.Xuân Lộc, TP.Long Khánh và một số xã của H.Định Quán như Suối Nho, Phú Cường nói rằng, anh không nhớ hết bao nhiều lần đi chiếu phim và tuyên truyền lưu động. Chỉ nhớ rằng đến với các địa phương, nhiều thế hệ trưởng ấp, khu phố, cán bộ văn hóa xã, thị trấn và bà con đều thuộc tên anh, quý mến đội chiếu phim như người thân trong gia đình.

Giám đốc Trung tâm Văn hóa - điện ảnh tỉnh TÔN THỊ THANH TÌNH cho biết: “Để đưa các chủ trương, chính sách đến gần với người dân, thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động chiếu phim và tuyên truyền lưu động. Trong đó, chú trọng những thước phim về các vấn đề xã hội quan tâm nhằm giúp bà con xem và hiểu về mọi mặt đời sống, học tập, áp dụng những mô hình hay, tiếp thêm động lực phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa mới”.

“Mấy chục năm về trước, chiếu phim lưu động rất vất vả nhưng số lượng người xem thực sự rất đông. Mỗi buổi chiếu có khi người dân cả ấp, cả khu phố đều đến xem. Đời sống ngày càng phát triển, chiếu phim lưu động ngày nay có nhiều thuận lợi hơn bởi trang thiết bị đã hiện đại, đường giao thông nông thôn mới khá sạch, đẹp, các điểm chiếu phim đã có điện. Tuy nhiên, việc thu hút khán giả có phần khó khăn hơn. Do đó, chúng tôi thường đi vào từng chuyên đề, hướng vào từng đối tượng xem cụ thể. Đặc biệt, tập trung vào công tác tuyên truyền kết hợp với nghệ thuật, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân” - anh Lợi bộc bạch.

Đội chiếu phim lưu động số 2 của Trung tâm Văn hóa - điện ảnh tỉnh hiện có 5 người (chia làm 2 tổ) phục vụ tại H.Định Quán và H.Tân Phú. Anh Đỗ Thành Nam, Đội trưởng Đội chiếu phim số 3 cho hay, trung bình mỗi tháng, 2 tổ thực hiện từ 40-50 buổi chiếu phim kết hợp tuyên truyền lưu động. Do đây là 2 địa phương tập trung đông đồng bào dân tộc sinh sống nên đội chủ yếu chiếu ở vùng dân tộc, các xã nông thôn mới và vùng có đông công nhân lao động sinh sống. Riêng với những khu vực trung tâm của từng huyện, đội ít tổ chức chiếu phim, chủ yếu chạy xe loa để tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Đội chiếu phim lưu động số 2, Trung tâm Văn hóa - điện ảnh tỉnh mở karaoke phục vụ người dân xã Suối Nho, H.Định Quán trước khi chiếu phim
Đội chiếu phim lưu động số 2, Trung tâm Văn hóa - điện ảnh tỉnh mở karaoke phục vụ người dân xã Suối Nho, H.Định Quán trước khi chiếu phim

Anh Nam chia sẻ: “Từ năm 2019, khi trung tâm sáp nhập đơn vị, đội chiếu phim tại Định Quán và Tân Phú nhập lại thành Đội chiếu phim lưu động số 2. Ngoài chiếu phim, chúng tôi còn phối hợp với UBND các xã, thị trấn, các trường học và đơn vị để hỗ trợ tuyên truyền về phòng, chống đuối nước, dịch bệnh, an toàn giao thông, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội... Người dân ở Tân Phú, Định Quán vẫn thích xem chiếu phim lưu động, bởi chúng tôi chọn những điểm chiếu là không gian sinh hoạt cộng đồng của bà con. Trước khi chiếu phim, chúng tôi còn mở karaoke để bà con cùng hát, cùng xem văn nghệ. Nhờ bà con tin yêu và ủng hộ, chúng tôi có thêm động lực, tiếp tục cố gắng, phục vụ chiếu phim có hiệu quả”.

Ly Na

Tin xem nhiều
Tìm hiểu genz là gì Phương pháp chạy deadline hiệu quả