Là một trong những nghề truyền thống lâu đời, gốm Biên Hòa trải qua thời gian dài hình thành và phát triển, có những lúc thăng trầm khác nhau, nhưng vẫn tồn tại cho đến hôm nay.
Là một trong những nghề truyền thống lâu đời, gốm Biên Hòa trải qua thời gian dài hình thành và phát triển, có những lúc thăng trầm khác nhau, nhưng vẫn tồn tại cho đến hôm nay.
Bộ sưu tập gốm Phố thời dịch của nghệ nhân Hoàng Ngọc Hiến (Đồng Nai) được Hội Mỹ thuật TP.HCM xét chọn đầu tư giải A sáng tác năm 2022. Ảnh: L.Na |
Sản phẩm gốm Biên Hòa đa hình, đa dạng, không chỉ đáp ứng nhu cầu cuộc sống mà còn thể hiện đời sống văn hóa của vùng đất và con người Đồng Nai, đóng góp không nhỏ trong sự phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh.
* Từ bộ sưu tập gốm cổ sông Đồng Nai
Người cổ ở Đồng Nai biết làm gốm từ rất sớm. Sản phẩm gốm của họ hết sức đa dạng, từ đồ dùng sinh hoạt trong gia đình đến dùng để sản xuất, thờ cúng, chôn cất. Năm 1977, ngư dân đã phát hiện một số tượng đá cổ, đồ gốm, đồ đồng ở lòng sông Đồng Nai, mở ra nhiều hướng nghiên cứu khoa học trong và ngoài tỉnh về nền văn hóa cổ vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai.
Phó chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai, TS Nguyễn Thị Nguyệt cho biết, tháng 11-1994, một ngư dân địa phương tình cờ vớt được một số đồ gốm không men, thuộc loại hình bình, hũ, ghè… tương đối còn nguyên vẹn trong khi đánh bắt thủy sản ở sông Đồng Nai, đoạn cù lao Rùa. Liên tiếp trong 4 năm (1994-1998), những ngư dân ven sông Đồng Nai đã trục vớt được vô số đồ gốm cũng tương ứng với loại hình gốm phát hiện ban đầu nhưng phong phú và đa dạng hơn.
Hiện nay, bộ sưu tập gốm cổ sông Đồng Nai đang được Bảo tàng Đồng Nai bảo quản, trưng bày và phục vụ nhu cầu tham quan của người dân và du khách. Trong năm 2022, Bảo tàng Đồng Nai còn thực hiện phim tư liệu trong Hành trình di sản về bộ sưu tập gốm mỹ nghệ Biên Hòa, phát sóng trên Đài PT-TH Đồng Nai, quảng bá sản phẩm gốm của vùng đất, con người hơn 320 năm hình thành và phát triển. |
Đây cũng là quãng thời gian các đơn vị chuyên môn, ngư dân tổ chức trục vớt, thu thập và đưa về kho cơ sở của Bảo tàng Đồng Nai bộ sưu tập gần 1,2 ngàn hiện vật. Trong đó, có hơn 1 ngàn hiện vật là đồ gốm, đủ loại hình có men, không men, đồ sành sứ; trên 50 hiện vật đồ đồng, đá, chủ yếu được khai thác từ đoạn cù lao Rùa đến Bến Gỗ. Bộ sưu tập gốm cổ này được xác định mang phong cách sản xuất khác nhau như: truyền thống gốm tiền Ăng Co và gốm Ăng Co (gồm các loại trách, âu, lọ, cối); truyền thống gốm sứ Trung Quốc (đèn, chân đèn, ấm có quai vòi hình trụ thẳng); truyền thống gốm Đại Việt, gốm Nam bộ…
“Sưu tập gốm lòng sông Đồng Nai thực sự là một kho tàng cổ vật vô giá, là bằng chứng hùng hồn cho truyền thống làm gốm lâu đời của cư dân Đồng Nai. Bộ hiện vật giúp cho giới nghiên cứu khoa học những cứ liệu quan trọng về một nền văn minh cổ lưu vực sông Đồng Nai thời kỳ sơ sử đến cận đại cần được khám phá, bảo tồn. Đặc biệt, vai trò quan trọng của sông Đồng Nai, trong đó có cảng cổ Biên Hòa - nơi giao lưu hàng hóa địa phương và các nước trong vùng vào nhiều thế kỷ trước” - TS Nguyễn Thị Nguyệt cho hay.
* Đến những bộ sưu tập gốm đương đại
Những năm gần đây, với xu thế hội nhập và phát triển cùng với quá trình đô thị hóa, nhiều cơ sở gốm sứ truyền thống đã ngừng hoạt động, di dời cơ sở vào Cụm công nghiệp Gốm sứ Tân Hạnh (P.Tân Hạnh, TP.Biên Hòa). Song nghề gốm sứ truyền thống của Biên Hòa vẫn tiếp tục phát triển với việc phát huy những tinh hoa truyền thống và ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, thay đổi quy mô sản xuất, mở rộng thị trường và đã đạt được nhiều kết quả đáng kể.
Tác phẩm Mắt thuyền của họa sĩ Nguyễn Quang Hoàng tham gia triển lãm sáng tác mới năm 2022 tại TP.HCM |
Cùng với đó, các thế hệ nghệ nhân, họa sĩ, nghệ sĩ yêu gốm Biên Hòa đã và đang chung tay gìn giữ, phát huy, cho ra đời những bộ sưu tập mới phù hợp với đời sống đương đại. Trong đó, có những bộ sưu tập tranh ghép gốm của các họa sĩ trong tỉnh như: Mai Văn Nhơn, Nguyễn Quang Hoàng, Đào Tấn Hưng, Đinh Công Việt Khôi, nghệ nhân Đinh Công Lai… đã đến với đông đảo công chúng trong và ngoài tỉnh, đến với bạn bè thế giới.
Đặc biệt, từ ngày 26-8 đến 4-9, họa sĩ Nguyễn Quang Hoàng, nghệ nhân Hoàng Ngọc Hiến (P.Hóa An, TP.Biên Hòa) đã mang các bộ sưu tập gốm là những sáng tác mới trong năm 2022 tham gia các triển lãm tại TP.HCM. Trong đó, bộ sưu tập chủ đề Phố thời dịch của nghệ nhân Hoàng Ngọc Hiến đã vinh dự được Hội Mỹ thuật TP.HCM xét chọn đầu tư loại A. Phố thời dịch (chất liệu gốm men) là bộ sưu tập gồm 3 tác phẩm.
“Đây là 3 trong số hàng chục tác phẩm gốm chủ đề dịch bệnh Covid-19 được tôi đầu tư thời gian, công sức hoàn thành và mang đến triển lãm sáng tác mới tại TP.HCM. Sau triển lãm này, tôi dự kiến sẽ tập hợp các tác phẩm gốm chủ đề đại dịch do chính mình sáng tác, cũng như những tác phẩm gốm do các con tôi thực hiện trong đợt dịch bùng phát mạnh năm 2021 để tổ chức triển lãm cá nhân. Tôi kỳ vọng rằng, bộ sưu tập gốm này sẽ góp phần lan tỏa gốm Biên Hòa cũng như thông điệp phòng, chống dịch trong giai đoạn hiện nay” - nghệ nhân Hoàng Ngọc Hiến nói.
Ly Na