Báo Đồng Nai điện tử
En

Sáng tác lời mới cho đờn ca tài tử

07:08, 13/08/2022

Ngoài hoạt động biểu diễn nghệ thuật, triển lãm, hội diễn Tiếng hát miền Đông lần thứ 20-2022 tại tỉnh Tây Ninh (từ ngày 16 đến 18-8), Trung tâm Văn hóa - điện ảnh tỉnh còn tham gia hội thi Sáng tác lời mới cho đờn ca tài tử (ĐCTT).

Ngoài hoạt động biểu diễn nghệ thuật, triển lãm, hội diễn Tiếng hát miền Đông lần thứ 20-2022 tại tỉnh Tây Ninh (từ ngày 16 đến 18-8), Trung tâm Văn hóa - điện ảnh tỉnh còn tham gia hội thi Sáng tác lời mới cho đờn ca tài tử (ĐCTT).

Nghệ nhân dân gian Phạm Lơ (bìa phải) và nghệ nhân Năm Lợi biểu diễn tại nhà những bài bản mới của đờn ca tài tử. Ảnh: L.Na
Nghệ nhân dân gian Phạm Lơ (bìa phải) và nghệ nhân Năm Lợi biểu diễn tại nhà những bài bản mới của đờn ca tài tử. Ảnh: L.Na

Đã có nhiều tài tử trên địa bàn tỉnh tham gia với các tác phẩm mới ra đời, hình thành một sân chơi nghệ thuật ĐCTT đầy thú vị. Qua đó, đưa những tác phẩm ĐCTT mới về vùng đất, con người miền Đông Nam bộ và Đồng Nai đến với bạn bè gần xa.

* Nhiều tài tử tham gia

Các sáng tác tham gia hội thi Sáng tác lời mới cho ĐCTT tại hội diễn Tiếng hát miền Đông lần thứ 20-2022 có nội dung giới thiệu những nét đẹp của con người Nam bộ nói chung, Đồng Nai nói riêng. Bên cạnh đó, lời mới cho 29 bài bản tổ còn phản ánh quá trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa, phát triển du lịch ở địa phương.

Anh Trần Việt Liêm (thành viên CLB ĐCTT tỉnh Đồng Nai) là một trong số những tác giả có hàng chục tác phẩm, từ vọng cổ đến ĐCTT đoạt giải tại nhiều hội thi sáng tác lời mới trong và ngoài tỉnh. Mặc dù không trực tiếp biểu diễn, song phần lớn các lời mới của anh đều được ghi hình, phổ biến trên phương tiện thông tin đại chúng, biểu diễn trên các sân chơi, giao lưu ĐCTT.

Theo anh Liêm, so với vọng cổ, việc sáng tác lời mới cho ĐCTT khó hơn rất nhiều. Cũng bởi độ khó này đã tạo nên cảm hứng để anh tập trung sáng tác những bài bản có cảm xúc, chiều sâu và mang hơi thở hiện đại. Trong bài Tây Ninh - đêm hội ngộ (liên nam) anh viết: “Đêm Tây Ninh/ Tiếng  đàn kìm da diết du dương/ Say đắm khách muôn phương/ Quay về với quê hương/ Trao nhau yêu thương, son sắt giữ gìn/ Câu ca, tiếng hát ân tình/ Tây Ninh lộng lẫy dáng hình/ Một góc trời đẹp xinh…”.

Ở Đồng Nai hiện có gần 40 CLB, nhóm ĐCTT với hơn 300 nghệ nhân đang hoạt động thường xuyên ở các địa phương. Các CLB thường xuyên biểu diễn đầy đủ 20 bản tổ nghệ thuật ĐCTT và cả những bài bản tài tử, vọng cổ mới được viết lời mới, góp phần cổ vũ, động viên tinh thần thi đua, xây dựng quê hương Đồng Nai giàu đẹp, văn minh.

“Bảo tồn, phát triển ĐCTT mà không có lời mới thì cũng khó thành công. Những lời mới cho ĐCTT hôm nay đã và đang đi sâu vào quan điểm của xã hội, của Đảng, của Nhà nước, của nhân dân. Từ những bài bản mới này, các nghệ nhân sẽ sử dụng đi biểu diễn trong các hoạt động phong trào. Nhờ đó, ĐCTT thấm sâu vào đời sống, nhắc nhở cộng đồng dân cư không quên loại hình nghệ thuật đã tồn tại trong suốt thời gian dài ở Nam bộ” - anh Liêm chia sẻ.

Cũng như hầu hết người dân Nam bộ, rất nhiều người yêu thích và đam mê ĐCTT ở Đồng Nai xem ĐCTT là món ăn tinh thần phong phú. Những bản đờn ca mới thể hiện cuộc sống, tâm tình của chính người dân nên rất gần gũi. Với sáng tác mới Đồng Nai di cảo (điệu Phụng hoàng lai nghi 12 câu), tác giả Huỳnh Khải đã đưa người nghe về với vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai hơn 320 năm, với công đức của các bậc tiền nhân được thờ phụng tại Văn miếu: “Cảo thơm/ Ghi công đức thiêng liêng, từ Biên Hòa là một trấn/ Lưu dân khai khẩn, lập điền phạt thảo/ An dân định thần, xây Văn miếu Trấn Biên”.

Một trong những tác giả nữ có nhiều lời mới cho ĐCTT tại Đồng Nai phải kể đến bà Nguyễn Trâm Oanh (từng công tác tại Trung tâm Văn hóa - điện ảnh tỉnh, nay đã nghỉ hưu). Sáng tác mới nhất của tác giả là viết về mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Rành (20 câu xàng xê nhịp tư). Tác phẩm đã kể lại cuộc đời, những đóng góp, sự hy sinh của mẹ Rành cho đất nước: “Nuôi giấu (từ) cán bộ, du kích (cống)/ Thằng hai đi (rồi) giờ lại tới thằng (ba) (xê)/ Mẹ đã hiến dâng (xê)/ Tám con (trai) núm ruột thâm (tình) (xự)/ Ngoài các (anh) mẹ còn tiễn hai cháu (mình) (xự)/ Chiến đấu nhà (nhà) thoát ách lầm (than) (xê)”.

* Phát huy giá trị ĐCTT

Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa - điện ảnh tỉnh Đỗ Thị Hồng cho hay, sáng tác lời mới cho ĐCTT là hoạt động được trung tâm chú trọng trong nhiều năm nay. Trung tâm đã tổ chức các hội thi sáng tác để tài tử, nghệ nhân trong và ngoài tỉnh tham gia. Sau mỗi đợt phát động, trung tâm đã đưa sáng tác mới về các CLB trên địa bàn tỉnh để tổ chức luyện tập và biểu diễn. Hằng năm, trung tâm tổ chức các lớp tập huấn, tạo điều kiện cho những người yêu thích nghệ thuật tài tử, cải lương nâng cao kiến thức, kỹ năng biên soạn ĐCTT, góp phần đưa di sản văn hóa vào cuộc sống cộng đồng.

Nghệ nhân Phạm Lơ, Chủ nhiệm CLB ĐCTT tỉnh Đồng Nai phấn khởi cho rằng, hội thi Sáng tác lời mới cho ĐCTT tại hội diễn Tiếng hát miền Đông lần thứ 20-2022 là việc làm rất ý nghĩa. Từ hội thi, sẽ có hàng trăm bài bản mới về Đồng Nai, vùng đất miền Đông được giới thiệu và lan tỏa trong cộng đồng.

“Tham gia hội diễn lần này, CLB ĐCTT tỉnh Đồng Nai mang đến 2 tiết mục. Đó đều là những bài bản mới do các tài tử, nghệ nhân trên địa bàn tỉnh biên soạn. Tôi kỳ vọng rằng, cùng với hội diễn Tiếng hát miền Đông, thời gian tới các địa phương trong khu vực sẽ tổ chức xen kẽ liên hoan ĐCTT của khu vực. Qua đó, tạo điều kiện cho các CLB ĐCTT giao lưu, phát huy và lan tỏa sáng tác mới” - nghệ nhân Phạm Lơ nói.

Cũng theo nghệ nhân Phạm Lơ, mặc dù có nhiều tác giả tham gia viết lời cho ĐCTT nhưng lực lượng trẻ tham gia sáng tác chưa nhiều, chủ yếu là những người lớn tuổi. Do vậy, việc đào tạo đội ngũ kế thừa nhằm khoác những “chiếc áo mới” cho ĐCTT, tạo sự hấp dẫn, gần gũi với công chúng là điều rất cần thiết. Qua đó, bảo tồn, phát huy những giá trị nghệ thuật ĐCTT nói riêng, nghệ thuật dân tộc nói chung tại Đồng Nai.

Ly Na

Tin xem nhiều