Đề tài thương binh, liệt sĩ (TBLS) và người có công với đất nước là một trong những mảng sáng tác nhận được sự quan tâm của các thế hệ văn nghệ sĩ.
Đề tài thương binh, liệt sĩ (TBLS) và người có công với đất nước là một trong những mảng sáng tác nhận được sự quan tâm của các thế hệ văn nghệ sĩ.
Các tác phẩm: Ba lần tiễn con đi, Máu và hoa, Cửa mở về đề tài thương binh, liệt sĩ của họa sĩ Đào Tấn Hưng |
Dòng chảy đó ngày hôm nay vẫn lặng lẽ, kiên trì và bền bỉ như một cách tri ân thế hệ đi trước đã anh dũng hy sinh xương máu để bảo vệ độc lập Tổ quốc.
* Ghi dấu ở nhiều lĩnh vực
Với tác giả Đào Sỹ Quang (Ban Văn học, Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) Đồng Nai), được tham gia vào lực lượng chiến đấu, được ra chiến trường là niềm vinh dự, tự hào. Những ký ức không thể nào quên của thời chiến được ông ghi lại trong nhiều tác phẩm, trong đó có những truyện ngắn viết về đồng đội, những người lính trở về sau chiến tranh, những TBLS… Nhiều tác phẩm của ông đã xuất bản thành sách, được giới thiệu rộng rãi đến bạn bè và bạn đọc gần xa.
Tác giả Đào Sỹ Quang bộc bạch: “Cuộc chiến tranh bảo vệ độc lập dân tộc phải được miêu tả bằng những áng văn chương, phải được kể lại một cách chân thật, xúc động để các thế hệ hôm nay hiểu được những khó khăn, vất vả nhưng cũng đầy hào hùng. Đó là lý do tôi mới nghĩ đến là viết, viết về kỷ niệm của mình, về đời lính, về những anh giải phóng quân, những người phục vụ chiến đấu, những thương binh trong thời bình, họ đang ngày đêm tiếp nối truyền thống, lao động, cống hiến…”.
Phát huy phẩm chất người lính Cụ Hồ, họa sĩ Đào Tấn Hưng (Ban Mỹ thuật, Hội VHNT Đồng Nai) luôn cháy hết mình sáng tạo nghệ thuật, mang đến nhiều tác phẩm độc đáo, từ ký họa, điêu khắc, tranh sơn dầu, tranh ghép gốm.
Tối 24-7, Trung tâm Văn hóa - điện ảnh tỉnh phối hợp với Trung đoàn Không quân 935 tổ chức chương trình văn nghệ: Đồng đội ơi - những năm tháng bất tử. Chương trình gồm 10 tiết mục ca múa nhạc tri ân, tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh trong 2 cuộc kháng chiến của dân tộc. Cũng trong chương trình, có nhiều phần quà đã được trao đến tận tay thân nhân các gia đình liệt sĩ. |
Sáng tác của ông hướng tới nhiều đề tài, nổi bật là đề tài về người lính, về chiến tranh cách mạng, TBLS, mẹ Việt Nam anh hùng. Tiêu biểu như tác phẩm: Máu và hoa, Cửa mở, Ba lần tiễn con đi… tất cả đều xuất phát từ “mệnh lệnh” trái tim của người lính, từ tình yêu với nghệ thuật, với hội họa.
Họa sĩ Đào Tấn Hưng kể, ông sinh ra và lớn lên tại vùng quê nghèo tỉnh Hưng Yên. Giữa lúc kháng chiến chống Mỹ đang vào giai đoạn ác liệt (1971-1972), ông cũng như bao người con của đất nước “xếp bút nghiên”, nhập ngũ theo đoàn quân giải phóng vào Nam, hoạt động tại đơn vị Đoàn 10 đặc công rừng Sác đóng tại Nhơn Trạch. Ông bước vào chiến trường với tâm thế là người lính chứ không phải là họa sĩ.
Năm 1973, trong khi dưỡng thương sau một trận chiến, ông lấy giấy bút ra vẽ. Nhận thấy ông có khả năng hội họa, đồng đội đã giới thiệu ông với cấp trên. Sau đó, ông được điều về hoạt động tại Phòng Tuyên huấn Cục Chính trị Quân khu miền Đông, làm nhiệm vụ vẽ tranh cổ động, ký họa hiện trường. Nhiều tác phẩm của ông đã để lại dấu ấn đẹp và được đón nhận.
* Khuyến khích sáng tác, công bố
Mảng nhiếp ảnh, âm nhạc, múa và sân khấu về đề tài TBLS ở Đồng Nai thời gian qua khá sôi nổi. Đã có hàng chục tác phẩm ra đời, đáp ứng được nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân. Điều này góp phần thể hiện tinh thần công dân, trách nhiệm của văn nghệ sĩ Đồng Nai và ý thức hướng về cội nguồn của đất nước, của dân tộc.
Theo nghệ sĩ Huỳnh Thanh Tùng (Ban Múa, Hội VHNT Đồng Nai), để chuyển tải hình ảnh các anh hùng, liệt sĩ, thương binh trên sân khấu múa là điều không phải dễ dàng. Với mỗi bài múa, anh đều cố gắng gấp đôi sức lực, luôn lắng nghe những câu chuyện kể từ những người đã đi qua chiến tranh để thấy thấm thía, xúc động. Từ đó chắt lọc các chi tiết bằng cảm nhận riêng của mình, sáng tạo tác phẩm sao cho người xem dễ cảm, dễ hiểu nhất.
Anh Tùng chia sẻ: “Tôi luôn trăn trở khi sáng tạo về đề tài TBLS. Tôi cảm thấy mình phải có trách nhiệm giữ gìn, kết nối sợi dây thiêng liêng ấy đến công chúng qua nghệ thuật”.
Đề tài TBLS trong VHNT Đồng Nai ngày hôm nay, dù được thể hiện ở nhiều loại hình như: văn học, âm nhạc, sân khấu, nhiếp ảnh… với nhiều góc nhìn khác nhau, song cốt yếu chỉ để tôn vinh sự hy sinh cao cả của các anh hùng, liệt sĩ. Sự hy sinh, mất mát trong chiến tranh trở thành động lực, điển hình, tấm gương tiêu biểu của thời đại, của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Nhiều vấn đề của xã hội đương đại liên quan đến TBLS đã và đang được văn nghệ sĩ tái hiện sống động qua từng tác phẩm.
Bên cạnh hoạt động sáng tác, Đồng Nai luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để khuyến khích văn nghệ sĩ sáng tác và công bố những tác phẩm liên quan đến đề tài này. Nhiều đợt thực tế sáng tác, những chương trình công diễn nghệ thuật, giao lưu tác phẩm văn học, triển lãm ảnh mỹ thuật, nhiếp ảnh… thu hút sự tham gia của đông đảo văn nghệ sĩ tỉnh nhà.
Nhà văn Minh Hạ (Ban Văn học, Hội VHNT Đồng Nai) cho hay, hiện tư liệu viết về mảng đề tài TBLS khá phong phú và phổ biến trên internet, mạng xã hội. Người đọc, người xem cũng cởi mở hơn nên người viết gặp nhiều thuận lợi. Nhờ có mạng xã hội, các tác phẩm đến nhanh với công chúng, tác giả có thể trao đổi, phản hồi trực tiếp với bạn đọc, nhất là có những chiêm nghiệm nhân sinh thời hậu chiến.
Ly Na