Trong đợt khai quật khảo cổ cuối năm 2021 tại các di tích ở TP.Long Khánh, các nhà khoa học đã phát hiện hơn 6,3 ngàn hiện vật bằng đá, mảnh gốm, đồ đất nung có niên đại hàng trăm năm.
Trong đợt khai quật khảo cổ cuối năm 2021 tại các di tích ở TP.Long Khánh, các nhà khoa học đã phát hiện hơn 6,3 ngàn hiện vật bằng đá, mảnh gốm, đồ đất nung có niên đại hàng trăm năm.
Khu vực khai quật di tích Suối Chồn, P.Bảo Vinh, TP.Long Khánh. Ảnh: Bảo tàng Đồng Nai |
Các nhà khoa học, nhà quản lý đã có nhiều phương án đưa ra dựa trên kết quả khai quật với mục đích bảo đảm sự hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, vừa phục vụ bảo tồn, nghiên cứu, phát huy giá trị di sản.
* Khẳng định giá trị di tích, hiện vật khảo cổ
Hai di tích được Viện Khảo cổ học phối hợp với Bảo tàng Đồng Nai tiến hành khai quật vào cuối năm 2021 tại TP.Long Khánh gồm: di tích Cầu Sắt (xã Bình Lộc) và di tích Suối Chồn (P.Bảo Vinh). Mặc dù cả 2 di tích đã được khai quật nhiều lần nhưng đến thời điểm khai quật hiện tại vẫn phát hiện ra nhiều hiện vật có niên đại hàng ngàn năm.
Di tích Cầu Sắt nằm trong khu vườn nhà ông Trần Quốc Hùng, xã Bình Lộc, được ông Trịnh Tuấn (ấp Lạc Sơn, xã Gia Kiệm, H.Thống Nhất) phát hiện vào năm 1975. Trong đợt khai quật vào năm 1976, các nhà khoa học đã khai quật 4 hố và thu được hơn 32 ngàn hiện vật bằng đá, gốm và mảnh gốm. Đến năm 2021, di tích tiếp tục được mở 3 hố khai quật, thu được hơn 4,8 ngàn hiện vật đá và mảnh gốm.
Trưởng phòng Văn hóa - thông tin TP.Long Khánh TRƯƠNG THỊ HƯƠNG cho hay: “Thực hiện phân cấp quản lý di tích, thời gian qua, TP.Long Khánh đã quan tâm trùng tu, tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Riêng với di tích Suối Chồn và Cầu Sắt, TP.Long Khánh sẽ nghiên cứu để đưa vào danh mục xếp hạng di tích cấp tỉnh; đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan để tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị di tích khảo cổ học”. |
Có quan điểm cho rằng, di tích Cầu Sắt thuộc giai đoạn văn hóa sơ kỳ thời đại đồng thau. Cầu Sắt biểu thị một giai đoạn sớm nhất trong truyền thống văn hóa Đồng Nai. Mặc dù chưa có niên đại tuyệt đối được phân tích bằng khoa học tự nhiên nhưng theo các nhà khảo cổ thì di tích có niên đại 5.000-4.500 năm cách ngày nay. Phạm vi phân bố tập trung ở khu vực cao của dải đất, cách bờ suối Săng Dốc (suối Ba Gió) khoảng 20-30m.
Di tích Suối Chồn được phát hiện trước năm 1975, các nhà khoa học đã tiến hành khai quật khảo cổ vào các năm 1978, 1979, 2010, 2021 với tổng diện tích khai quật 390m2. Hàng ngàn hiện vật bằng đá, đồ đất nung, mảnh gốm đã được phát hiện, trong đó xuất lộ mộ vò đã vỡ. Trong mộ vò có đồ tùy táng gồm: nồi gốm nhỏ, nồi miệng loe, cổ thắt tạo eo, đáy nồi hình cầu… Các hiện vật cho thấy niên đại di tích vào khoảng 2.200-2.000 năm cách ngày nay.
TS Trịnh Hoàng Hiệp, Trưởng phòng Nghiên cứu khảo cổ học tiền sử Viện Khảo cổ học cho biết, di tích Suối Chồn được chia làm 2 khu vực (I và II). Những hố khai quật năm 2021 thuộc khu vực I theo cách phân chia của các nhà khảo cổ đã khai quật trước đây. Suối Chồn I cùng với các địa điểm: Phú Hòa, Dầu Giây, Hàng Gòn đã tạo thành nhóm di tích văn hóa Sa Huỳnh tại lưu vực sông Đồng Nai. Mỗi hiện vật tìm được đều có nét riêng, thể hiện sự đa dạng, phong phú.
Địa tầng vách Bắc, hố khai quật 1, di tích Suối Chồn năm 2021. Ảnh: Bảo tàng Đồng Nai |
* Đề xuất phương án bảo tồn
Cũng theo TS Trịnh Hoàng Hiệp, thực hiện Luật Di sản văn hóa, Viện Khảo cổ học kiến nghị Bảo tàng Đồng Nai làm tờ trình Sở VH-TTDL về việc khai quật khẩn cấp, giải phóng mặt bằng công trường đang thi công hai bên bờ Suối Chồn. Bởi hiện nay, lòng suối đang được nạo vét, kè và mở đường theo dự án chống ngập úng khu vực suối Cải, TP.Long Khánh với diện tích 800m2. Bên cạnh đó, Bảo tàng Đồng Nai cần tiếp tục xây dựng kế hoạch khai quật di chỉ Cầu Sắt; điều tra, khảo sát, mở rộng xung quanh di tích Cầu Sắt và Suối Chồn với mục tiêu sưu tầm hiện vật của địa điểm này phục vụ nghiên cứu, trưng bày và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa
Một số hiện vật khai quật được từ di tích Cầu Sắt, xã Bình Lộc, TP.Long Khánh. Ảnh: M.My |
“Về các địa điểm khảo cổ học: Cầu Sắt, Suối Chồn sau khai quật sẽ tiến hành lấp hố, trả lại mặt bằng như ban đầu thì Đồng Nai cần phải có biển cảnh báo để người dân biết và có ý thức bảo vệ di tích. Trong tương lai, Đồng Nai cần tiếp tục xây dựng lộ trình khai quật dài hơi các di tích khảo cổ. Quá trình xây dựng (nhà, làm đường…) trong khu vực có cảnh báo có khảo cổ học, nếu người dân phát hiện được hiện vật cần báo cho các cơ quan chức năng nhằm kịp thời có biện pháp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa” - TS Trịnh Hoàng Hiệp nói.
Theo Phó giám đốc Sở VH-TTDL Nguyễn Hồng Ân, Đồng Nai có tốc độ phát triển và đô thị hóa cao, nhiều dự án trọng điểm đang được triển khai trên địa bàn tỉnh. Nhiều dự án vô tình đi ngang qua các di tích, nhiều di tích bị xóa sổ bởi một vài phong trào đào ao nuôi tôm ở H.Nhơn Trạch đã làm cho di tích Cái Vạn, Cái Lăng hay toàn bộ di tích nằm dưới lòng hồ Trị An hiện không còn khả năng nghiên cứu. Nhiều con đường đi ngang các di tích đã làm phá vỡ không gian, tính ổn định của di tích.
Một số hiện vật khai quật được từ di tích Suối Chồn, P.Bảo Vinh, TP.Long Khánh |
“Chúng tôi mong muốn rằng, khi có những dự án đi qua các di tích, cần thiết để cho những người làm văn hóa tìm hiểu, nghiên cứu văn hóa dưới lòng đất. Nếu có khảo cổ học, các hiện vật xuất hiện, ngành Văn hóa sẽ xử lý khẩn cấp để nghiên cứu, bảo tồn. Sau khi nghiên cứu xong các dự án sẽ tiếp tục triển khai. Đây là cách ứng xử văn hóa theo xu thế văn minh” - ông Ân nhấn mạnh.
Đối với các hiện vật khảo cổ được khai quật trong năm 2021, Giám đốc Bảo tàng Đồng Nai Nguyễn Việt Sơn cho biết: “Những hiện vật là đồ đá, đồ đất nung, mảnh gốm… tại di tích Suối Chồn và Cầu Sắt, Bảo tàng Đồng Nai sẽ tiến hành nhập kho, nghiên cứu, trưng bày và giới thiệu đến công chúng. Qua đó, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản, di tích trong đời sống hiện đại”.
Ly Na