Báo Đồng Nai điện tử
En

Hành trình hát bội trên đất phương Nam

08:04, 16/04/2022

Vừa qua, tại Nhà hát TP.HCM, Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP.HCM đã giới thiệu đến công chúng chương trình nghệ thuật Sắc - Ấn ngọc Nam phương (kịch bản: Quỳnh Xuân, đạo diễn: Tấn Lộc).

Vừa qua, tại Nhà hát TP.HCM, Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP.HCM đã giới thiệu đến công chúng chương trình nghệ thuật Sắc - Ấn ngọc Nam phương (kịch bản: Quỳnh Xuân, đạo diễn: Tấn Lộc).

Cảnh trong chương trình Sắc - Ấn ngọc Nam phương. Ảnh: Trí Trọng
Cảnh trong chương trình Sắc - Ấn ngọc Nam phương. Ảnh: Trí Trọng

Sắc - Ấn ngọc Nam phương được Sở VH-TT TP.HCM định hướng cho Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP.HCM thực hiện một chương trình nghệ thuật truyền thống có thể thu hút, chinh phục được người trẻ, những người chưa bao giờ xem hát bội và hướng đến du khách trong và ngoài nước. Từ định hướng này, nhà hát đã bắt tay chuẩn bị từ năm 2021, nhưng vì vướng dịch bệnh Covid-19 nên kế hoạch tập dượt bị gián đoạn. Cuối năm 2021, khi tình hình dịch bệnh tạm ổn, các nghệ sĩ mới ráo riết tập luyện để kịp ra mắt đợt này.

* Lần đầu tiên hát bội kết hợp với múa, xiếc…

Chương trình dài khoảng 60 phút, khởi đầu với hình ảnh cô gái trẻ rất hiện đại chỉ thích lướt điện thoại di động thông minh, thích nghe, xem những gì sôi động, nhưng thỉnh thoảng bị gián đoạn bởi tiếng đờn, tiếng ca từ băng đĩa hát bội của ông nội. Rồi cô bất ngờ lạc vào một giấc mơ. Giấc mơ đó đưa cô trở về quá khứ với khởi đầu của nghệ thuật hát bội. Nơi có những người nông dân chân lấm tay bùn mê mẩn chờ coi những đêm hát ở đình làng. Gánh hát rời đi mà bà con vẫn luyến tiếc ngóng theo hình ảnh nghệ sĩ với áo mão, cân đai nhập nhoạng phía xa tắp con đường mòn.

Cơn mê đó đã cuốn cô gái đi mãi, đi mãi theo lịch sử của hát bội ở vùng đất phương Nam. Đó là khi hát bội rời đình làng để sang Pháp biểu diễn trong hội chợ đấu xảo Paris với tiết mục Tạ Ôn Đình chém đầu Khương Linh Tá. Trong hoàn cảnh chiến tranh, hát bội cũng trầm luân theo thời cuộc. Vậy mà bộ môn nghệ thuật đó vẫn không tàn lụi. Cho đến hôm nay, cuộc sống phát triển với nhiều loại hình giải trí sôi động, hát bội vẫn như mạch ngầm, vẫn giữ giá trị truyền thống và âm thầm lưu truyền. Như ông nội của cô gái, nghệ nhân hát bội của ngày trước vẫn gìn giữ và trao truyền cho cháu gái tinh túy của bộ môn nghệ thuật truyền thống dân tộc.

Để tôn vinh và kể câu chuyện lịch sử hát bội ở phương Nam một cách hấp dẫn, mới lạ, Sắc - Ấn ngọc Nam phương đã kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật như: múa, âm nhạc, xiếc, mỹ thuật… Chính vì lần đầu tiên có sự kết hợp các bộ môn này mà ê-kíp sáng tạo có một đội ngũ cố vấn khá hùng hậu như: TS Mai Mỹ Duyên - cố vấn nội dung, NSƯT Xuân Quan, NSƯT Hữu Danh - cố vấn nghệ thuật hát bội, NSƯT Hoàng Vinh - cố vấn nghệ thuật xiếc…

* Lắng nghe góp ý và hoàn thiện từng giai đoạn

Ông Hoàng Vũ, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP.HCM cho biết, để làm một chương trình về nghệ thuật hát bội thu hút người trẻ và du khách là điều không dễ dàng. Vì vậy, với dự án trọng điểm lần này, nhà hát đã tin tưởng mời biên đạo múa Tấn Lộc, vốn là người đã tạo nên thành công cho một số chương trình du lịch như: À ố show, Sương sớm… làm đạo diễn.

Ê-kíp thực hiện Sắc - Ấn ngọc Nam phương đang cố gắng hoàn thiện chương trình, khi cảm thấy ổn sẽ nghiên cứu tình hình khán giả để quyết định diễn định kỳ hằng tháng tại Nhà hát thành phố.

 

Ông Hoàng Vũ chia sẻ, đây là lần đầu tiên Tấn Lộc hợp tác với nhà hát nên ban đầu có một số khó khăn. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của các nghệ sĩ: Xuân Quan, Hữu Danh, đạo diễn Tấn Lộc đã lĩnh hội rất nhanh những tinh túy của hát bội để đưa vào chương trình.

Sắc - Ấn ngọc Nam phương tập trung khoảng 60 diễn viên và nhạc công, bao gồm các diễn viên, nhạc công của nhà hát; các diễn viên múa đương đại Arabesque; các diễn viên xiếc từ Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam… Cảnh trí, đạo cụ, trang phục, âm nhạc… được chăm chút. Múa tái hiện sinh hoạt, đời sống của người dân từ quá khứ đến hôm nay, xiếc là những cú bay lên của nhân vật để lạc vào giấc mơ và tái hiện quang cảnh hội chợ đấu xảo, thời lượng nhiều nhất vẫn là dành cho hát bội với những tiết mục như: Tạ Ôn Đình chém đầu Khương Linh Tá, Đức thánh Trần Hưng Đạo ra quân…

Sau một mùa dịch bệnh căng thẳng kéo dài, sự nỗ lực của các nghệ sĩ với một chương trình kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật nhằm tôn vinh và đưa hát bội đến gần cuộc sống hôm nay là điều đáng quý. Chương trình này rất phù hợp và vừa vặn phục vụ cho đối tượng học sinh, sinh viên như một buổi học ngoại khóa để tìm hiểu nghệ thuật dân tộc, hát bội. Tuy nhiên, nếu Sắc - Ấn ngọc Nam phương muốn hướng đến du khách, đặc biệt là khách du lịch quốc tế thì chương trình cần trau chuốt hơn để tạo ấn tượng mạnh mẽ với người xem.

Ông Hoàng Vũ bày tỏ: “Khi làm chương trình này, chúng tôi đã xác định không phải ra mắt là hoàn chỉnh liền mà chúng tôi sẽ lắng nghe ý kiến đóng góp, chỉnh sửa từ từ qua nhiều giai đoạn với mong muốn có một show diễn hấp dẫn nhất với người xem. Sau khi ra mắt cũng phải chỉnh sửa tới lui mới được như hôm nay”.

Trí Trọng

 

Tin xem nhiều