Tư vấn những hoạt động cụ thể và các giải pháp để bảo vệ phụ nữ và trẻ em trước tình trạng bạo lực, xâm hại gia tăng trong gia đình và cộng đồng là việc làm cấp thiết, được các cấp, các ngành quan tâm, nhất là trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp.
Tư vấn những hoạt động cụ thể và các giải pháp để bảo vệ phụ nữ và trẻ em trước tình trạng bạo lực, xâm hại gia tăng trong gia đình và cộng đồng là việc làm cấp thiết, được các cấp, các ngành quan tâm, nhất là trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp.
Sở VH-TTDL phối hợp với Đài PT-TH Đồng Nai tổ chức talkshow Chăm sóc, bảo vệ phụ nữ và trẻ em trong đại dịch Covid-19. Ảnh: L.Na |
Mới đây, Sở VH-TTDL đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức talkshow Chăm sóc, bảo vệ phụ nữ và trẻ em trong đại dịch Covid-19.
* Bạo lực gia đình vẫn gia tăng
Chuyên gia tâm lý, TS Nguyễn Thanh Tùng, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Quốc tế Tuệ Đức - Vabis (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, tình trạng bạo lực gia đình (BLGĐ) đối với phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 này đang có xu hướng gia tăng. Không chỉ ở trên thế giới mà cả ở Việt Nam cũng vậy, tỷ lệ BLGĐ gia tăng gần 30%. Đây không phải là con số nhỏ mà là vấn đề lớn, rất cần được xã hội, cộng đồng quan tâm. Bởi trong thời dịch bệnh, thực hiện quy định giãn cách xã hội, người dân ít ra ngoài để giao lưu, tương tác…, từ đó nảy sinh các vấn đề tâm lý.
“Hiện cuộc sống đã trở lại trạng thái “bình thường mới”, song mỗi ngày mọi người vẫn hạn chế tiếp xúc, hạn chế ra đường để phòng, chống dịch. Người đàn ông ở nhà nhiều hơn, vì thế áp lực chăm sóc gia đình trên vai người phụ nữ cũng nặng hơn. Học sinh gần như ở nhà học trực tuyến, các em gái gần như có bổn phận như mẹ, phải chăm sóc những người em của mình. Nhiều vụ BLGĐ đã xảy ra, đã và đang tạo nên những sang chấn tâm lý cho phụ nữ và trẻ em” - TS Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ.
Talkshow Chăm sóc, bảo vệ phụ nữ và trẻ em trong đại dịch Covid-19 được ghi hình và phát sóng trên Đài PT-TH Đồng Nai, fanpage, Facebook Tỉnh đoàn, Hội LHPN tỉnh. Qua đó, giúp phụ nữ, trẻ em tiếp cận với những giải pháp nhằm bảo vệ bản thân từ hướng dẫn của các chuyên gia tâm lý mà vẫn bảo đảm công tác phòng, chống dịch. |
Em Hoàng Ngọc Thanh Trúc, học sinh lớp 9, Trường THCS Thạnh Phú (xã Thạnh Phú, H.Vĩnh Cửu), Phó chủ tịch Hội đồng Trẻ em tỉnh cho rằng, trong thời gian dịch bệnh bùng phát, em đã có thời gian quan sát cuộc sống của những người xung quanh nơi mình sống và bạn bè cùng trang lứa. Đã có nhiều bạn bè kể rằng bị bạo lực tinh thần, áp lực học tập… trong chính gia đình của mình. “Với bản thân em, trong gia đình không xảy ra bạo lực nhưng nhiều bạn xung quanh em đã gặp phải tình trạng này. Bạo lực ở đây không phải bạo lực thân thể hay tai nạn thương tích mà các bạn đang trong tuổi dậy thì, tuổi mới lớn nên việc bạo lực về tinh thần diễn ra rất nhiều. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần. Em kỳ vọng sẽ có nhiều biện pháp để giảm thiểu tình trạng bạo lực đối với trẻ em” - Trúc nói.
Theo báo cáo của Vụ Gia đình (Bộ VH-TTDL), dịch bệnh bùng phát khiến số lượng cuộc gọi đến đường dây nóng Ngôi nhà bình yên của Trung tâm Phụ nữ và phát triển, Hội LHPN Việt Nam phản ảnh tình trạng bạo lực tăng gấp đôi. Từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, 30% các cuộc gọi yêu cầu giải cứu khẩn cấp do bị BLGĐ của phụ nữ các tỉnh khu vực miền Nam. Tại Hà Nội, Ngôi nhà bình yên đã tiếp nhận, hỗ trợ 74 trường hợp, tăng 120% so với cùng kỳ năm 2020. Ngôi nhà bình yên tại TP.Cần Thơ hỗ trợ 12 người tạm trú, tăng 266% so với năm 2020.
* Tăng cường các biện pháp bảo vệ…
Cũng theo TS Nguyễn Thanh Tùng, để giảm thiểu tình trạng bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái, hơn lúc nào hết từ trong mỗi gia đình, mọi người phải hiểu được giá trị của gia đình, tình yêu thương, sự sẻ chia để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng bạo lực. Đặc biệt, nhà trường đang dạy online cho học sinh nên lồng ghép giáo dục, bảo vệ trẻ em thông qua các môn học, không chỉ khoa học xã hội mà cả các môn học tự nhiên. Ngoài ra, xã hội cần có sự quan tâm hơn, nhất là chính quyền ở cơ sở, ở địa phương cần gần gũi hơn để tìm ra các giải pháp, giải quyết vấn đề.
Ngay sau khi thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội, cùng với công tác phòng, chống dịch, ngành Văn hóa đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm tuyên truyền công tác gia đình, phòng chống BLGĐ đến các tầng lớp nhân dân. Trong đó, phải kể đến triển lãm ảnh gia đình bình an, xã hội hạnh phúc; talkshow chăm sóc, bảo vệ phụ nữ và trẻ em trong đại dịch Covid-19; cuộc thi viết truyện ngắn chủ đề gia đình. Đồng thời, ngành tổ chức tuyên truyền, cổ động trực quan trên các tuyến đường của TP.Biên Hòa 200 cờ nội dung với nhiều thông điệp: Đừng im lặng, hãy chia sẻ khi bạn bị BLGĐ; BLGĐ làm suy giảm khả năng học tập và phát triển toàn diện của trẻ em…
Phó giám đốc Sở VH-TTDL Nguyễn Thị Mộng Bình cho biết, các hoạt động đã và đang tạo hiệu ứng lan tỏa nhằm nâng cao nhận thức của xã hội về các vấn đề gia đình và phòng, chống BLGĐ, bình đẳng giới, nhất là trong thời gian dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Các hoạt động góp phần làm thay đổi hành vi, kỹ năng ứng xử trong gia đình, tăng cường phòng ngừa, ngăn chặn các tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình, nhất là việc giữ gìn, phát huy các giá trị đạo đức, lối sống, cách ứng xử tốt đẹp của giới trẻ trong gia đình.
“Trong thời gian tới, Sở VH-TTDL sẽ tiếp tục tổ chức thêm nhiều hoạt động phù hợp, có độ phủ sóng và hiệu ứng lan tỏa tốt nhằm tuyên truyền, tôn vinh những giá trị nhân văn sâu sắc của gia đình Việt Nam, phòng, chống BLGĐ… Từ đó nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng, vị trí, vai trò của gia đình và xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững” - bà Mộng Bình nhấn mạnh.
Ly Na