Cùng với dạy học văn hóa, nhiều cá nhân, đơn vị, trường học dạy năng khiếu, nghệ thuật trên địa bàn tỉnh đã và đang nỗ lực duy trì hoạt động bằng cách tổ chức những lớp học online.
Cùng với dạy học văn hóa, nhiều cá nhân, đơn vị, trường học dạy năng khiếu, nghệ thuật trên địa bàn tỉnh đã và đang nỗ lực duy trì hoạt động bằng cách tổ chức những lớp học online.
Chị Phạm Quỳnh đang sửa lại bài tập online trong mùa dịch cho học viên trên điện thoại di động. Ảnh: My Ny |
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn song với những ai theo đuổi các bộ môn nghệ thuật, việc dạy và học online thể hiện sự chủ động, tìm ra lối đi, thích ứng cho riêng mình.
* Linh hoạt thích ứng
Trong những ngày giãn cách xã hội phòng, chống dịch Covid-19, thay vì tổ chức các lớp học nghệ thuật và luyện viết chữ đẹp trực tiếp tại nhà, chị Phạm Quỳnh (ngụ KP.3, P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) đã chuyển sang hình thức dạy học online. Khác với hình dung về các khóa học chuyên nghiệp cầu kỳ, những lớp dạy học trực tuyến của chị Quỳnh thường sử dụng các dụng cụ đơn giản, vẽ ký họa hoặc tạo hình trang trí trên các vật dụng: đá, giấy, gỗ...
Chị Quỳnh cho biết, đối với dạy vẽ và luyện chữ đẹp, chị quay các clip, video hướng dẫn cách thực hiện các bước vẽ, luyện chữ, sau đó chỉnh sửa sao cho gọn và dễ hiểu nhất. Mỗi clip hoàn thành được chị đăng vào nhóm học riêng (chỉ những người trong nhóm mới nhìn thấy bài học). Học viên có thể theo dõi và thực hành bất cứ thời gian nào rảnh rỗi, những bài tập học viên gửi lại sẽ được chị sửa và góp ý trực tiếp trên bài.
“Hằng tháng, tôi tổ chức 2 khóa (mỗi khóa 18-20 buổi) online về dạy vẽ và luyện chữ đẹp, học phí dao động dưới 1 triệu đồng/khóa. Tham gia khóa học, các học viên thường xuyên chia sẻ tác phẩm, tương tác với nhau và với người hướng dẫn về các đề tài, chất liệu… Qua đó, giúp học viên thỏa mãn đam mê vẽ tranh, luyện chữ; đồng thời, sử dụng hữu ích thời gian rảnh rỗi khi ở nhà, nhất là trong thời điểm dịch bệnh bùng phát này” - chị Quỳnh nói.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật (VHNT) Đồng Nai hiện đã chủ động ứng dụng công nghệ 4.0 vào tuyển sinh các môn năng khiếu và dạy học.
Tính đến tháng 9-2021, nhà trường có 243 em đang theo học (trong đó có 112 em theo chuyên ngành âm nhạc phương Tây, 69 em học âm nhạc truyền thống, 27 em học thanh nhạc và 35 em học múa). Song song với công tác dạy học, nhà trường đang tiếp tục tổ chức tuyển sinh với hình thức trực tuyến, hiện đã đạt 75,7% chỉ tiêu được giao (53/70 học sinh) cho năm học 2021-2022.
Bắt đầu dạy học trực tuyến từ khi dịch Covid-19 bùng phát, Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai đã sử dụng phần mềm Google Meet để giảng dạy cho sinh viên các chuyên ngành. Theo ThS Phạm Thị Duyên, Phó trưởng phòng Đào tạo của trường, phần mềm giảng dạy online được nhà trường tổ chức tập huấn cho giảng viên từ năm 2020. Phần mềm giúp giảng viên thực hiện bài giảng trực tuyến sinh động, tương tác giữa thầy và trò đạt hiệu quả; đồng thời, giúp sinh viên của nhà trường chủ động hơn trong quá trình tự học, tự nghiên cứu, làm việc nhóm.
“Việc dạy học trực tuyến đang được Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai triển khai thực hiện. Bước đầu có những kết quả nhất định, hỗ trợ tích cực cho việc dạy và học của nhà trường” - ThS Phạm Thị Duyên chia sẻ.
* Đảm bảo an toàn phòng, chống dịch
So với những năm học trước, năm nay chị Nguyễn Phương Uyên (ngụ KP.4, P.Bửu Long, TP.Biên Hòa, sinh viên Khoa Piano Nhạc viện TP.HCM) phải thích nghi với việc học online tại nhà. Thay vì đến trường, chị Uyên tập luyện đàn thông qua máy tính và điện thoại thông minh. Mỗi bài học piano chị Uyên đều có thầy cô theo dõi kỹ thuật, cách đệm theo điệu nhạc, sau đó sửa những thiếu sót trong phần thực hành.
Giảng viên Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai dạy học trực tuyến trong mùa dịch Covid-19. Ảnh: CTV |
“Từ nhỏ tôi đã học piano, do đó lên đại học và theo học online trong đại dịch có phần thuận lợi hơn. Trong quá trình học, tôi cũng gặp phải một số khó khăn, nhất là khi đang thực hành thì đường truyền internet bỗng dưng bị gián đoạn, phải làm đi làm lại nhiều lần; hay sự tương tác trực tiếp giữa thầy cô và sinh viên không nhiều dẫn đến “độ chênh” nhất định trong luyện tập. Bởi vậy, tôi thấy học nghệ thuật online cần phải được kết hợp cùng với sự kiên trì, bền bỉ và quyết tâm theo đuổi niềm đam mê” - chị Uyên bộc bạch.
Theo ThS Nguyễn Trường Giang, phụ trách Khoa Gốm Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai, đặc thù của một số ngành học mỹ thuật ứng dụng đòi hỏi phải thực hành trực tiếp. Trong thời điểm dịch bệnh bùng phát, để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, nhà trường đã chủ động khắc phục khó khăn bằng cách ứng dụng công nghệ vào dạy và học. Tuy nhiên, cái khó của học trực tuyến là cơ hội thực hành sụt giảm ở một số bộ môn mỹ thuật. Điều này đòi hỏi cả thầy và trò đều phải nỗ lực, cố gắng nhiều hơn. Trong đó, khuyến khích các sinh viên có những sản phẩm sáng tạo.
Với sự trợ giúp của công nghệ, việc dạy và học các bộ môn đàn guitar, piano hay học nhảy, vẽ tranh, luyện chữ đẹp… trở nên thuận lợi hơn trong mùa dịch. Không chỉ đảm bảo an toàn, chung tay phòng, chống dịch Covid-19, tham gia học trực tuyến còn xóa nhòa khoảng cách địa lý, giúp người học hòa nhập các cộng đồng với những người bạn có chung đam mê, sở trường. Điều này khiến những ngày ở nhà tuân thủ giãn cách xã hội hay ở trong các khu cách ly y tế, phong tỏa thêm ý nghĩa và đáng nhớ đối với mỗi người.
Ly Na