Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị đờn ca tài tử (ĐCTT), thời gian qua, tỉnh Đồng Nai đã tổ chức các cuộc thi sáng tác lời mới cho ĐCTT thu hút đông đảo văn nghệ sĩ, soạn giả và đội ngũ sáng tác trong và ngoài tỉnh tham gia.
Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị đờn ca tài tử (ĐCTT), thời gian qua, tỉnh Đồng Nai đã tổ chức các cuộc thi sáng tác lời mới cho ĐCTT thu hút đông đảo văn nghệ sĩ, soạn giả và đội ngũ sáng tác trong và ngoài tỉnh tham gia.
Nghệ nhân dân gian Năm Lợi (ngụ P.Quang Vinh, TP.Biên Hòa) sáng tác và biên soạn các bản đờn ca tài tử. Ảnh: Ly Na |
Hàng chục tác phẩm được tập hợp thành tuyển tập Bài ca tuyển chọn lời mới 20 bài bản tổ, nhạc tài tử Nam bộ. Các tác phẩm phù hợp với đời sống đương đại cũng như cách nghĩ, cách thưởng thức của công chúng hôm nay.
* Phù hợp với đời sống đương đại
Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa - điện ảnh tỉnh Đỗ Thị Hồng cho biết, các đợt phát động sáng tác lời mới cho ĐCTT của trung tâm thu hút được nhiều ca khúc mới với nhiều chủ đề. Trong đó nổi bật là ca ngợi Đảng, Bác Hồ kính yêu, tình yêu quê hương đất nước; những thành tựu Biên Hòa - Đồng Nai đạt được trên các lĩnh vực hay những ca khúc ca ngợi xây dựng nông thôn mới. Mỗi đợt phát động sáng tác không chỉ động viên, khuyến khích nghệ sĩ và những người yêu ĐCTT sáng tạo mà còn nâng cao nhận thức cộng đồng trong bảo tồn và phát huy ĐCTT Nam bộ trên địa bàn tỉnh.
Có thể kể đến lời mới của các bài bản như: Người mẹ Việt Nam (ngũ đối hạ, sáng tác Anh Liệt), Đêm Trấn Biên vui ĐCTT (Liên Nam, sáng tác Trần Việt Liêm), Thương quá Đồng Nai (Giang Nam cửu khúc), Một thời rừng Sác (Liên Nam), Đồng Nai ngày mới (Xàng xê, sáng tác Hữu Năng), Biên Hòa ai đặt tên (Tây Thi, sáng tác Thảo Trang), Giai điệu phương Nam (Lưu thủy trường, sáng tác Vũ Đình Châu), Đồng Nai chuẩn hóa nông thôn (Long Đăng, sáng tác Trần Phương Dung)…
Nghệ nhân dân gian Phạm Lơ, Chủ nhiệm CLB ĐCTT tỉnh Đồng Nai cho biết: “Trong bảo tồn ĐCTT phải luôn giữ yếu tố gốc nhưng cũng rất cần phải phát triển cái mới. ĐCTT Đồng Nai thời gian qua đã và đang làm được điều đó. Tôi mong rằng, các ngành chức năng thời gian tới phát huy hơn nữa, phổ biến hơn nữa lời mới của ĐCTT vào các đội, nhóm, CLB ở cơ sở. Từ đó, giúp các bài bản tài tử thấm sâu vào cuộc sống, có chỗ đứng trong lòng người yêu ĐCTT hôm nay”. |
Là một trong những tác giả có nhiều lời mới cho ĐCTT, ông Nguyễn Hữu Năng (P.Hòa Bình, TP.Biên Hòa) cho rằng, hiện nay vẫn còn rất nhiều bài bản tài tử xưa được lưu truyền và phổ biến rộng rãi, được nhiều người nghe, thuộc lòng. Tuy nhiên, vẫn có một số bài bản nội dung không còn phù hợp với đời sống hiện tại. Vì vậy, việc sáng tác lời mới có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ thể hiện được cuộc sống, sự đổi thay của xã hội hiện đại mà qua đó, tác giả bày tỏ được tâm tư, tình cảm cũng như hướng đến cách thưởng thức mới, có chiều sâu của khán giả.
“Gần đây, do tuổi cao nên tôi ít tham gia biểu diễn ĐCTT trên sân khấu, nhất là trong giai đoạn bùng phát dịch Covid-19. Thời gian ở nhà, tôi sáng tác các bản mới, tìm cách thể hiện sao cho phù hợp với thực tế cuộc sống. Sau đó, tôi tự biểu diễn và thu âm, giới thiệu trên trang Facebook và YouTube của mình. Thi thoảng, tôi cũng tham gia các cuộc thi sáng tác lời mới trong và ngoài tỉnh phát động và đoạt nhiều giải thưởng” - ông Hữu Năng chia sẻ.
Bên cạnh viết lời cho bài bản tài tử, việc sáng tác và biên soạn các bản đờn mới cho ĐCTT cũng được Trung tâm Văn hóa - điện ảnh tỉnh quan tâm. Theo nghệ nhân dân gian Lê Văn Lợi (nghệ danh Năm Lợi, ngụ P.Quang Vinh, TP.Biên Hòa), sáng tác lời ca hiện có rất nhiều người thực hiện trong khi số lượng tác giả biết biên soạn bản đờn rất ít. Do vậy, ông dành nhiều thời gian để biên soạn những bản đờn nhằm truyền dạy cho người trẻ, nhất là các đoàn viên, thanh niên tham gia CLB ĐCTT tỉnh Đồng Nai.
“Vài năm trở lại đây, tôi dành hết thời gian sáng tác và biên soạn các bản đờn sao cho phù hợp với những lời mới. Sau đó, tôi phối hợp với nghệ nhân dân gian Phạm Lơ (Chủ nhiệm CLB ĐCTT tỉnh) hướng dẫn người trẻ học đờn và ca. Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi tâm niệm còn sức là còn cố gắng để giữ và truyền lửa ĐCTT Nam bộ” - nghệ nhân Năm Lợi nói.
* Phổ biến rộng rãi…
Hầu hết, lời ca và bản đờn mới của ĐCTT ra đời đã tìm được đời sống riêng. Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa - điện ảnh tỉnh Đỗ Thị Hồng cho hay: “Sau khi phát động sáng tác, trung tâm đã tập hợp thành sách và các đĩa CD, cấp về cho trung tâm văn hóa - thông tin và thể thao các huyện, thành phố để phổ biến cho các đội, nhóm và CLB. Riêng với CLB ĐCTT tỉnh Đồng Nai trực thuộc trung tâm, chúng tôi chủ động phối hợp với Ban chủ nhiệm CLB đưa lời mới vào luyện tập và tổ chức các buổi diễn ở cơ sở, phục vụ các tầng lớp nhân dân”.
Thành viên CLB đờn ca tài tử xã Xuân Mỹ (H.Cẩm Mỹ) biểu diễn một bài bản tài tử mới phục vụ người dân vào tháng 4 năm 2021 |
Theo ông Phạm Văn Minh, Phó chủ nhiệm CLB ĐCTT xã Xuân Mỹ (H.Cẩm Mỹ), việc tiếp nhận các bài bản tài tử mới và phổ biến cho các tài tử giúp CLB không phải “loay hoay” lựa chọn các bài bản để luyện tập và biểu diễn. Ông Minh bộc bạch: “Ở vùng quê như Xuân Mỹ, muốn học ĐCTT phải tìm hiểu trên mạng xã hội, vì thế không có nhiều bài bản về quê hương nơi mình sinh sống. Khi CLB được phổ biến các bài bản mới của Đồng Nai, ai nấy đều tích cực học thuộc và tập luyện. CLB sử dụng nhiều bài bản mới để đi thi huyện, thi tỉnh nhằm lan tỏa giá trị của ĐCTT”.
Chủ nhiệm CLB ĐCTT H.Tân Phú Phú Vĩnh Viễn (nghệ danh Ngọc Viễn) cho hay, bà may mắn sinh ra trong gia đình có cha là soạn giả, đạo diễn Phú Văn Trung. Nhờ truyền thống ĐCTT của gia đình cũng như những sáng tác mới của cha đã giúp bà nắm vững các bài bản và biểu diễn thành thục.
Bà cho rằng, sáng tác lời mới cho ĐCTT và giới thiệu đến người dân trong tỉnh là hướng đi đúng đắn nhằm gìn giữ, bảo tồn và phát huy ĐCTT. Tài tử Ngọc Viễn cũng kỳ vọng thời gian tới sẽ có thêm những lớp tập huấn, trao đổi kinh nghiệm về sáng tác và biên soạn ĐCTT ở cơ sở. Qua đó, tạo thêm điều kiện thuận lợi cho những người đam mê soạn lời cho bộ môn nghệ thuật truyền thống này.
Ly Na