Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài 2: Ứng xử với không gian văn hóa công cộng

09:05, 11/05/2021

Mặc dù hiện nay Đồng Nai có nhiều không gian văn hóa công cộng (VHCC) nhưng về cơ bản vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của cộng đồng dân cư, nhất là tại những khu vực tập trung đông công nhân lao động. Nhiều không gian VHCC nghèo nàn, đơn điệu, cộng với sức ép từ các mục đích sử dụng khác nhau khiến cho việc quản lý và sử dụng các không gian này chưa hiệu quả.

Mặc dù hiện nay Đồng Nai có nhiều không gian văn hóa công cộng (VHCC) nhưng về cơ bản vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của cộng đồng dân cư, nhất là tại những khu vực tập trung đông công nhân lao động. Nhiều không gian VHCC nghèo nàn, đơn điệu, cộng với sức ép từ các mục đích sử dụng khác nhau khiến cho việc quản lý và sử dụng các không gian này chưa hiệu quả.

Nhà văn hóa các dân tộc xã Tà Lài, H.Tân Phú được đầu tư, xây dựng khá quy mô ở khu vực miền núi của tỉnh Đồng Nai. Ảnh: L.Na
Nhà văn hóa các dân tộc xã Tà Lài, H.Tân Phú được đầu tư, xây dựng khá quy mô ở khu vực miền núi của tỉnh Đồng Nai. Ảnh: L.Na

[links()]* Không gian VHCC ngày càng bị thu hẹp

Đối với nhiều người dân, không gian VHCC là không gian vui chơi, giải trí mà bất cứ ai cũng có thể tiếp cận. Tuy nhiên, với sự phát triển của kinh tế kéo theo các công trình hiện đại mọc lên khiến nhiều không gian VHCC ở Biên Hòa - Đồng Nai đang bị thu hẹp bởi sự lấn chiếm để buôn bán trái phép và sử dụng không đúng mục đích. Dễ dàng nhận thấy việc lấn chiếm này diễn ra khá thường xuyên tại một số điểm như công viên Long Bình (P.Long Bình) hay công viên 30-4 (P.Tân Biên).

Cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu giải trí tại các không gian VHCC hiện nay còn thiếu, chưa có sự đa dạng và hấp dẫn người dân. ThS Phan Đình Dũng, giảng viên Trường đại học Văn hóa TP.HCM cho biết, Trung tâm Hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh nằm ở khu vực trung tâm TP.Biên Hòa có không gian lớn, rộng với nhiều thiết chế văn hóa xung quanh. Thế nhưng, những hoạt động văn hóa, nghệ thuật ở đây lại chưa phong phú và chưa tạo được điểm nhấn riêng. Phần lớn người dân đến tập dưỡng sinh, đi bộ hoặc đưa trẻ em vào khu vui chơi, giải trí.

Tương tự, tại phố đi bộ Nguyễn Văn Trị, với tiềm năng và lợi thế từ diện tích mặt nước ven bờ sông, hệ thống vỉa hè và cây xanh… nhưng người dân chủ yếu sử dụng để luyện tập thể dục, thể thao. Ngoài các gian hàng bày bán ẩm thực và khu vui chơi dành cho thiếu nhi, chỉ đến các ngày lễ, Tết, phố đi bộ mới trở nên rộn ràng hơn khi có thêm các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, viết thư pháp; trưng bày sách báo xuân; các triển lãm ảnh đẹp Biên Hòa. Đầu năm 2021, lần đầu tiên phố đi bộ trưng bày, giới thiệu sản phẩm gốm Biên Hòa - Đồng Nai đến người dân và du khách.

Theo TS Nguyễn Văn Quyết, giảng viên Trường đại học Đồng Nai, tình trạng thiếu không gian VHCC ở Biên Hòa còn có thể nhìn thấy rất rõ mỗi dịp cuối tuần ở các công viên, phố đi bộ hay Trung tâm Hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh tập trung đông dân cư đến sinh hoạt. Mặc dù các không gian này đã được cải tạo và có thêm những điểm vui chơi dành cho thiếu nhi nhưng chưa thấm vào đâu so với nhu cầu rất lớn của người dân. Cũng bởi thiếu không gian VHCC nên người dân TP.Biên Hòa thường chọn đến các siêu thị lớn (tích hợp không gian mua sắm, khu vui chơi, ăn uống, rạp chiếu phim...) làm nơi giải trí.

“Tại nhiều tuyến đường ven các công viên, hàng quán tập chung quá nhiều, điều này vô hình chung làm mất vẻ mỹ quan của các không gian VHCC. Bên cạnh đó, cách thức tổ chức hoạt động ở các không gian này nhiều nơi chưa hợp lý, nên chưa mang lại hiệu quả sử dụng cao” - TS Nguyễn Văn Quyết nói.

Các không gian VHCC ngày càng bị thu hẹp khiến cho việc tìm các điểm trưng bày, giới thiệu tác phẩm nghệ thuật, nhất là tác phẩm nhiếp ảnh, mỹ thuật, điêu khắc… đoạt giải thưởng lớn trong nước và quốc tế của văn nghệ sĩ cũng trở nên khó khăn.

NSND Giang Mạnh Hà, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai cho biết, lâu nay các hoạt động triển lãm, giới thiệu tác phẩm vẫn được tổ chức ở Văn miếu Trấn Biên hay ở sân trước của Trung tâm Hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh, vì đây là những nơi trung tâm của TP.Biên Hòa. Tuy nhiên, thời gian trưng bày tác phẩm không lâu, sau triển lãm, tác phẩm lại quay trở về với tác giả.

“Với mong muốn tạo sân chơi để văn nghệ sĩ có một không gian văn hóa mở, trưng bày và phục vụ nhu cầu thưởng lãm nghệ thuật của người dân, Hội đã đề nghị với lãnh đạo tỉnh cho chủ trương về tổ chức không gian trưng bày, giới thiệu tác phẩm văn học - nghệ thuật. Ngoài ra, Hội cũng xây dựng ý tưởng thực hiện con đường gốm sứ Đồng Nai trong không gian văn hóa mở nhằm lưu giữ và quảng bá gốm Biên Hòa ngày nay” - NSND Giang Mạnh Hà chia sẻ.

* Khai thác và phát huy chưa hiệu quả

Câu chuyện khai thác và phát huy hiệu quả giá trị tại các không gian văn hóa ở cộng đồng mà tiêu biểu là tại khuôn viên trung tâm văn hóa, nhà văn hóa luôn được các cấp, các ngành quan tâm. Bên cạnh nhiều điểm sáng vẫn còn tình trạng những trung tâm văn hóa, nhà văn hóa hoạt động chưa hiệu quả, tần suất sử dụng rất ít hoặc sử dụng chưa đúng với mục đích. Điều này đã gây lãng phí và ảnh hưởng không nhỏ đến việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền cũng như xây dựng phong trào ở cơ sở.

Buôn bán tại lòng lề đường ở công viên Nguyễn Văn Trị, TP.Biên Hòa, đoạn qua UBND tỉnh. Ảnh: My Ny
Buôn bán tại lòng lề đường ở công viên Nguyễn Văn Trị, TP.Biên Hòa, đoạn qua UBND tỉnh. Ảnh: My Ny

Xã Thạnh Phú là một trong những điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới của H.Vĩnh Cửu. Để phục vụ cho nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân địa phương, Trung tâm văn hóa thể thao - học tập cộng đồng xã Thạnh Phú được đầu tư sửa chữa, nâng cấp và đi vào hoạt động từ năm 2017. Với hệ thống sân thể thao, sân bóng bàn, bóng chuyền, bàn bi-da, trung tâm thường xuyên tổ chức các hội diễn, giao lưu văn nghệ, đờn ca tài tử trong và ngoài huyện thế nhưng lại chưa trở thành địa chỉ có sức thu hút để người dân và công nhân làm việc tại các khu công nghiệp gần đó tìm đến sinh hoạt.

Lý giải về điều này, đại diện Trung tâm văn hóa thể thao - học tập cộng đồng xã Thạnh Phú cho rằng, một mặt, do người dân (chủ yếu là công nhân lao động) không sắp xếp được thời gian đến sinh hoạt. Mặt khác, địa điểm xây dựng trung tâm “trái đường” và xa khu công nghiệp nên chưa thu hút người dân tham gia. Hơn nữa, trang thiết bị phục vụ cho các hoạt động văn hóa, giải trí của trung tâm còn thiếu rất nhiều. Kinh phí để tổ chức các hoạt động còn hạn chế, việc vận động xã hội hóa vẫn còn gặp nhiều khó khăn nên chỉ mới tập trung vào một số hoạt động mang tính thời điểm, trọng điểm.

Nhà văn hóa dân tộc Chăm (xã Bình Sơn, H.Long Thành) xây dựng đi vào hoạt động từ năm 2013 đã tạo không gian sinh hoạt cho hơn 90 hộ dân với gần 300 nhân khẩu. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, nhà văn hóa bắt đầu xuống cấp, các mảng tường bị bong tróc, tủ sách báo phục vụ nhu cầu đọc sách và tìm hiểu kiến thức của bà con ít ỏi, không được bổ sung thường xuyên. Hệ thống trang thiết bị, khu vệ sinh của nhà văn hóa đã hư hỏng, do đó bà con ít khi đến để sinh hoạt cộng đồng.

Có thời gian đi nhiều nơi, tìm hiểu đời sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh, ThS Phan Đình Dũng cho biết, Nhà văn hóa các dân tộc xã Tà Lài (H.Tân Phú) và Nhà dài Chơ ro ấp Lý Lịch (xã Phú Lý, H.Vĩnh Cửu) là hai trong số những không gian VHCC nằm trong tuyến, điểm du lịch của tỉnh. Thế nhưng, việc tổ chức và khai thác hoạt động xung quanh không gian văn hóa này vẫn chưa phát huy được hiệu quả so với tiềm năng, lợi thế vốn có.

“Không gian VHCC là nơi thể hiện bản sắc văn hóa và trình độ văn minh của cộng đồng dân cư địa phương. Để phát huy hiệu quả các không gian VHCC hiện nay, rất cần sự vào cuộc của các cấp chính quyền và nhân dân nhằm tìm ra những giải pháp, định hướng sử dụng, hướng đến lợi ích thiết thực của cộng đồng một cách khoa học, nhân văn và bền vững” - ThS Phan Đình Dũng chia sẻ.

Giám đốc Sở VH-TTDL Lê Kim Bằng cho biết: “Ngoài công viên, các địa điểm vui chơi giải trí, hiện toàn tỉnh có 14 nhà văn hóa dân tộc; 11 trung tâm văn hóa - thông tin và thể thao cấp huyện; 139 trung tâm văn hóa thể thao - học tập cộng đồng cấp xã; 780 nhà văn hóa - khu thể thao ấp, khu phố. 60% người dân tham gia vào các hoạt động văn hóa, thể thao ở cơ sở”.

Ly Na - Huyền Đinh

Bài 3: Tìm lại bản sắc cho không gian văn hóa

Tin xem nhiều