Báo Đồng Nai điện tử
En

Vượt khó để theo đuổi đam mê nghệ thuật

10:03, 12/03/2021

Say mê âm nhạc, trân quý những giá trị văn hóa truyền thống giữa nhịp sống hiện đại đã giúp nhiều con em đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh theo đuổi con đường nghệ thuật.

Say mê âm nhạc, trân quý những giá trị văn hóa truyền thống giữa nhịp sống hiện đại đã giúp nhiều con em đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh theo đuổi con đường nghệ thuật.

Em Điểu Hoàng Sinh biểu diễn đàn nhị tại Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật Đồng Nai. Ảnh: L.Na
Em Điểu Hoàng Sinh biểu diễn đàn nhị tại Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật Đồng Nai. Ảnh: L.Na

Không chỉ vượt khó để học tốt, biết sử dụng các loại nhạc cụ, nhiều người trẻ còn tích cực tham gia các hoạt động biểu diễn, đưa nhạc cụ về cơ sở với mong muốn góp sức vào việc giới thiệu, lan tỏa văn hóa độc đáo của dân tộc đến cộng đồng.

1. Điểu Hoàng Sinh (14 tuổi) là một trong những học sinh dân tộc tiêu biểu của Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật (VHNT) Đồng Nai được đề xuất tặng giấy khen của Sở VH-TTDL vì đã có nhiều nỗ lực, vượt khó vươn lên trong học tập năm 2020. Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo ở xã Phú Túc, H.Định Quán - nơi có đông đồng bào dân tộc Chơro sinh sống, từ nhỏ Hoàng Sinh đã được tiếp xúc với các loại nhạc cụ. Đặc biệt, thanh âm phát ra từ tiếng cồng, tiếng chiêng trong những dịp lễ, Tết và các ngày hội khiến em say mê tự lúc nào không hay.

“Em may mắn sinh ra trong gia đình có cha và chị gái biết sử dụng các loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào Chơro. Bởi vậy, năm em vào lớp 6, khi ở xã thông báo có đợt tuyển sinh các môn năng khiếu của Trường trung cấp VHNT Đồng Nai dành cho con em đồng bào dân tộc, em đã đăng ký tham gia. Rất may mắn, em đã trúng tuyển” - Hoàng Sinh chia sẻ.

Theo xu hướng của bạn bè trong lựa chọn môn học (ra trường dễ tìm việc), Điểu Hoàng Sinh theo học đàn organ. Trong thời gian ở nội trú tại trường, thấy bạn bè tập luyện các loại nhạc cụ truyền thống như: đàn bầu, đàn nhị, sáo trúc… khiến Hoàng Sinh rất mê. Hoàng Sinh kể, mới đầu em thường nhờ bạn bè hướng dẫn em một vài loại nhạc cụ truyền thống, càng học em càng thích. Thi thoảng em mượn các nhạc cụ để tự tập luyện, đến lúc có thể tự đàn được một bản nhạc em mới tiếp tục đăng ký học thêm bộ môn đàn nhị.

“Theo đuổi cùng lúc 2 nhạc cụ khác nhau với em là điều không hề dễ dàng. Tuy nhiên, nhà trường đã có nhiều chính sách hỗ trợ, các thầy cô trong trường cũng rất quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ em hoàn thành các bài học một cách tốt nhất. Ngoài học tập, em đặc biệt thích đi theo các đoàn của trường về biểu diễn ở cơ sở, nhất là vùng đồng bào dân tộc Chơro, Mạ, S’tiêng… Ước mơ của em là sau này sẽ trở thành giáo viên dạy nhạc, có điều kiện hướng dẫn lại cho chính những người trong vùng dân tộc của mình. Đó là cách để giữ gìn và phát huy các nhạc cụ em đã học một cách hiệu quả hơn” - Hoàng Sinh bộc bạch.

2. Tương tự, Đỗ Văn Thắng là học sinh dân tộc Tày tiêu biểu của Trường trung cấp VHNT Đồng Nai có nhiều thành tích trong học tập. Từ khi còn nhỏ, Thắng đã lớn lên qua những câu hát, lời ru cùng tiếng then, đàn tính của ông bà, cha mẹ. Niềm đam mê, yêu thích văn hóa độc đáo của đồng bào Tày lớn dần theo năm tháng đã giúp Thắng tự mày mò học hỏi các loại nhạc cụ. Năm 12 tuổi, em mạnh dạn đăng ký thi tuyển vào Trường trung cấp VHNT Đồng Nai và theo học chuyên ngành sáo trúc.

“Lựa chọn thi vào Trường trung cấp VHNT Đồng Nai ngoài lý do đam mê nhạc cụ còn bởi trong môi trường này em được hỗ trợ miễn, giảm học phí và chỗ ở dành cho đối tượng đồng bào dân tộc có hoàn cảnh khó khăn. Hiện tại, em đã theo học sáo trúc được 5 năm. Cùng với sáo trúc, em còn học thêm bộ môn đàn tứ. So với các loại nhạc cụ phương Tây, đây là 2 loại nhạc cụ truyền thống mà chưa có nhiều người theo học” -  Thắng bộc bạch.

Theo Thắng, điều thú vị nhất sau khi biết sử dụng nhạc cụ chính là việc thường xuyên được đi biểu diễn nhiều nơi. Những lần được cùng nhà trường tham gia các hoạt động, đi biểu diễn phục vụ khán giả không chỉ Thắng mà tất cả các học sinh đều rất háo hức. Ai nấy đều luôn cố gắng để biểu diễn thật tốt. Thắng chia sẻ: “Mỗi chuyến đi, em vừa học hỏi được kinh nghiệm vừa có cơ hội giới thiệu cho mọi người biết và hiểu thêm về sự độc đáo của sáo trúc, của đàn tứ và cả văn hóa của người Tày”.

3. ThS Phùng Ngọc Long, Quyền Hiệu trưởng Trường trung cấp VHNT Đồng Nai cho biết, Hoàng Sinh, Văn Thắng là 2 trong số những học sinh con em đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều nỗ lực, phấn đấu trong học tập và rèn luyện. Mặc dù điều kiện khó khăn, sống xa gia đình nhưng các em rất đam mê và nhiệt huyết với âm nhạc dân tộc, quyết tâm theo đuổi các loại nhạc cụ truyền thống. Đây là những tấm gương trong phong trào thi đua học tốt rất cần được khuyến khích, nhân rộng.

Không chỉ vượt khó để học tốt, có thành tích cao mà những người trẻ đam mê nghệ thuật đến từ vùng đồng bào dân tộc ở Trường trung cấp VHNT Đồng Nai còn tích cực tham gia các sân chơi nghệ thuật. Các hoạt động đã và đang tạo điều kiện cho các em nâng cao kỹ năng, nuôi dưỡng thêm tình yêu, biết cách giữ gìn, phát huy và lan tỏa nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc trong cộng đồng.          

Ly Na

Tin xem nhiều