Đồng Nai là một trong những tỉnh, thành phía Nam có phong trào nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT) phát triển sôi động.
Đồng Nai là một trong những tỉnh, thành phía Nam có phong trào nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT) phát triển sôi động.
CLB đờn ca tài tử tỉnh Đồng Nai trình diễn một tiết mục theo Đề án Bảo tồn và phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử tại H.Thống Nhất. Ảnh: L.Na |
Để bảo tồn và phát huy giá trị ĐCTT, thời gian qua, ngành Văn hóa đã tranh thủ những “thời điểm vàng” khi dịch Covid-19 thuyên giảm để tổ chức nhiều hoạt động. Qua đó, đưa nghệ thuật ĐCTT lan tỏa vào đời sống cộng đồng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân.
* “Trầm” nhưng không “lắng”
Nếu không chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì tối 28-2 vừa qua, Trung tâm Văn hóa - điện ảnh tỉnh đã phối hợp với Văn miếu Trấn Biên tổ chức giao lưu ĐCTT tưởng nhớ ngày mất của nhạc sư Nguyễn Quang Đại. Tuy nhiên, vì tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp nên hoạt động biểu diễn nghệ thuật đã tạm ngưng. Thay vào đó, các tài tử và những người yêu ĐCTT có thể đến dâng hương tưởng nhớ nhạc sư Nguyễn Quang Đại - hậu tổ của nghệ thuật ĐCTT Nam bộ tại Văn miếu Trấn Biên.
Sáng 2-3 (nhằm ngày 19 tháng Giêng), tại Trung tâm Văn miếu Trấn Biên diễn ra lễ dâng hương tưởng nhớ ngày mất nhạc sư Nguyễn Quang Đại (Ba Đợi) - người được tôn vinh là hậu tổ của nghệ thuật ĐCTT Nam bộ. Linh vị của nhạc sư được đặt tại đình Vạn Phước, tỉnh Long An. Năm 2020, Đồng Nai đã thỉnh hương linh nhạc sư về thờ tại Văn miếu Trấn Biên với ý nghĩa biết ơn bậc thầy ĐCTT phương Nam. Qua đó, tạo động lực để Đồng Nai bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT. |
Nghệ nhân dân gian Phạm Lơ, Chủ nhiệm CLB ĐCTT tỉnh cho biết: “Năm 2021, CLB đã có kế hoạch đi biểu diễn ở Văn miếu Trấn Biên (17 tháng Giêng), tham gia chương trình trình diễn ĐCTT tại H.Xuân Lộc (đầu tháng 3) và chuẩn bị tham gia Liên hoan ĐCTT toàn quốc (tháng 4)… Hiện tại, các hoạt động này đã tạm ngưng để phòng, chống dịch Covid-19. Các thành viên của CLB vẫn luyện tập tại nhà và trao đổi chuyên môn qua mạng xã hội, chờ khi hết dịch sẽ tiến hành đi biểu diễn, phục vụ bà con”.
Sử dụng Facebook, YouTube để giới thiệu những bài bản tài tử của Đồng Nai đến cộng đồng bước đầu đã có hiệu quả và tạo được sức lan tỏa. Hầu hết các huyện, thành phố duy trì đều đặn phong trào ĐCTT; các nghệ nhân, tài tử tích cực ứng dụng công nghệ trong biểu diễn và quảng bá tác phẩm. Mặc dù, người yêu ĐCTT thuộc nhiều thành phần khác nhau như: buôn bán, nông dân, công nhân, viên chức… nhưng tất cả đến với ĐCTT bằng tình yêu, đam mê và nhiệt huyết. Họ vẫn đang ngày đêm tập luyện để cống hiến cho công chúng những lời ca, ngón đờn hay, đẹp.
Anh Lê Quốc Thái (tài tử ca xã Bảo Quang, TP.Long Khánh) cho hay, những ngày đầu năm, công việc của nhà nông chưa quá bận rộn nên anh dành thời gian ở nhà cùng với gia đình luyện tập ĐCTT. “Trong mùa dịch, việc tập hợp, giao lưu ĐCTT gặp không ít khó khăn. Bởi vậy, tôi tranh thủ thời gian rảnh rỗi tự luyện tập, học hỏi trên tivi, mạng xã hội chờ đợi các cuộc thi, liên hoan ĐCTT trong và ngoài tỉnh tổ chức sẽ đăng ký tham gia. Qua đó, giới thiệu quê hương Long Khánh với bạn bè gần xa” - anh Thái nói.
* Nỗ lực bảo tồn và phát huy
Thực hiện Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT Nam bộ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, vài năm trở lại đây, ngành Văn hóa đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm “xốc” lại phong trào ĐCTT. Hoạt động biểu diễn ĐCTT nhờ vậy đã lan rộng từ tỉnh đến cơ sở, xuất hiện nhiều gương mặt trẻ, có giọng ca hay và triển vọng. Họ là những hạt nhân nòng cốt góp phần vào công tác bảo tồn và phát huy giá trị ĐCTT.
Chỉ tính riêng năm 2020, Đồng Nai đã tranh thủ những thời điểm dịch bệnh được kiểm soát tốt để tổ chức nhiều sân chơi nghệ thuật ĐCTT như: Liên hoan ĐCTT tỉnh Đồng Nai; khảo sát hoạt động của các CLB ĐCTT ở 11 huyện, thành phố; tập huấn tổ chức biểu diễn, sáng tác bài bản tài tử; trình diễn đờn ca tài tử tại H.Thống Nhất… Tại các huyện và thành phố, các sân chơi ĐCTT cũng được địa phương tổ chức, thu hút đông người dân tham gia.
“Năm qua, tôi tham gia làm giám khảo một số cuộc thi ĐCTT trong tỉnh. Phải nói rằng, các tài tử và người dân yêu ĐCTT rất háo hức tham gia. Không chỉ đảm bảo công tác phòng, chống dịch mà nhiều địa phương như: Phước Khánh (H.Nhơn Trạch), H.Thống Nhất, TP.Long Khánh, H.Định Quán… còn đảm bảo duy trì và phát triển phong trào văn hóa cơ sở. Điều này chứng minh rằng, các cấp chính quyền và người dân đã có sự đồng thuận, nhất trí cao” - nghệ nhân dân gian Phạm Lơ cho biết thêm.
Theo các nghệ nhân, một trong những khó khăn của việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật ĐCTT hiện nay là kinh phí để tổ chức cho hoạt động còn rất ít. Thêm vào đó, các chính sách đãi ngộ, khen thưởng cho các nghệ nhân, hạt nhân nòng cốt có nhiều đóng góp trong nghệ thuật ĐCTT cũng chưa nhiều. Do đó, để nỗ lực duy trì loại hình nghệ thuật đặc sắc này, nhiều địa phương đã tích cực vận động xã hội hóa, kết hợp giới thiệu, quảng bá nghệ thuật, thu hút sự chú ý của người dân và du khách.
Giám đốc Trung tâm Văn hóa - điện ảnh tỉnh Tôn Thị Thanh Tình cho biết, thời gian tới (khi dịch bệnh đã lắng xuống) trung tâm sẽ tiếp tục tổ chức không gian trình diễn ĐCTT; phát động cuộc thi sáng tác lời mới; trải nghiệm và giao lưu ĐCTT... theo Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT Nam bộ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Đây là nhiệm vụ mà trung tâm đã và đang nỗ lực thực hiện trước yêu cầu phát triển chung của ngành Văn hóa; góp phần vào thực tiễn xây dựng đời sống văn hóa tinh thần phong phú và nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh.
Ly Na