Múa dân gian là một trong những hình thức sinh hoạt văn hóa đa dạng, độc đáo góp phần tạo nên diện mạo đặc trưng của từng địa phương, từng dân tộc.
Múa dân gian là một trong những hình thức sinh hoạt văn hóa đa dạng, độc đáo góp phần tạo nên diện mạo đặc trưng của từng địa phương, từng dân tộc.
Múa dân gian của đồng bào Mường (H.Định Quán). Ảnh: L.Na |
Tại Đồng Nai, múa dân gian được sử dụng rộng rãi trong các sinh hoạt cộng đồng, nhất là vào mỗi dịp lễ, tết của đồng bào các dân tộc như: lễ cúng thần Núi, thần Rừng của người Chơro; lễ xuống đồng đầu năm mới của người Tày, Nùng…
* Sức sống múa dân gian…
Tiếng cồng, chiêng và những điệu múa dân gian… là những sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng không thể thiếu trong đời sống của đồng bào Chơro. Vào những ngày đầu năm mới hay lễ hội Sayangva, Sayangbri hằng năm, cồng chiêng luôn là loại nhạc cụ gắn với các điệu múa. Đây được coi là sản phẩm nghệ thuật sáng tạo của cộng đồng người Chơro ở Đồng Nai.
Nhạc sĩ Điểu Được (H.Định Quán) cho biết, các động tác múa của người Chơro thường phản ánh cuộc sống lao động sản xuất, thể hiện các mối quan hệ, những tâm tư tình cảm cộng đồng, phong tục, tập quán hay tín ngưỡng của đồng bào. Trong những buổi sinh hoạt cộng đồng, khi tiếng cồng, chiêng cất lên, bà con quây quần bên đống lửa, cùng múa, cùng hát, cùng giao lưu.
“Các động tác múa dân gian của người Chơro đơn giản, dễ thực hiện như: hai tay đưa lên ngang vai, cổ tay cuộn vào, cuộn ra, chân bước đều được kết hợp nhịp nhàng… Khi vào lễ hội, mọi người đi thành từng vòng tròn, cứ thế múa, hát cho đến khi âm nhạc kết thúc. Các bài múa truyền thống của người Chơro bao giờ cũng được kết hợp với những bộ trang phục truyền thống đặc trưng” - nhạc sĩ Điểu Được chia sẻ.
Tương tự, múa dân gian của đồng bào Mạ trên địa bàn tỉnh cũng khá đặc sắc, phát triển và có sức lan tỏa trong cộng đồng thông qua các buổi biểu diễn phục vụ du khách. Múa dân gian của người Mạ có 3 loại: múa sinh hoạt (múa hoa, múa chim bay…), múa lao động (múa tuốt lúa, múa hái rau…) và múa tín ngưỡng (múa lễ hội đâm trâu, lễ hội mừng thần Mặt trời…).
Nhiều năm tham gia vào hoạt động đón khách du lịch ở H.Tân Phú, chị Ka Ngọc Hương (xã Tà Lài) đã thành lập nhóm múa của đồng bào Mạ với gần 30 thành viên. Nhóm múa của chị không chỉ thường xuyên biểu diễn trong các lễ hội truyền thống, chương trình văn nghệ của xã, huyện và của tỉnh mà còn tích cực giao lưu phục vụ khách du lịch tại Vườn quốc gia Cát Tiên.
Chị Ka Ngọc Hương cho biết, từ khi còn rất nhỏ chị đã tham gia vào đội múa của ấp, của xã. Vì thế, các điệu múa của đồng bào Mạ từ lâu đã ăn sâu vào máu thịt chị. “Từ nhỏ, Hương đã được mẹ và bà nội dạy hát, dạy múa và dệt thổ cẩm. Những điệu múa truyền thống dân tộc đã khơi nguồn cảm xúc, giúp Hương gắn bó rồi thành lập nhóm múa, thường xuyên luyện tập để đi biểu diễn, phục vụ bà con cũng như du khách trong và ngoài tỉnh” - chị Ka Ngọc Hương bộc bạch.
Với đồng bào Tày, Nùng, Thái, Mường…, nhảy sạp, múa xòe là những điệu múa dân gian đặc sắc không thể thiếu trong các ngày lễ hội đầu xuân. Các điệu múa này rất tự nhiên, dễ học, dễ thực hiện nên bất cứ ai cũng có thể tham gia, không phân biệt già trẻ, gái trai. Vào ngày lễ hội, khắp các ấp, khu phố bà con tề tựu đông đủ, trong tiếng nhạc xập xình, say sưa biểu diễn điệu múa dân gian truyền thống của dân tộc mình.
Múa dân gian của đồng bào Chơro (TP.Long Khánh) |
Là thành viên đội then, đàn tính của đồng bào Tày (xã Thanh Sơn, H.Định Quán), chị Đặng Thị Bích Ngọc cho rằng, theo quá trình di cư, người Tày sống gần hơn với những dân tộc khác, múa sạp đã trở thành một hình thức giao lưu văn hóa. Múa nhảy sạp của người Tày không khó, chỉ cần thường xuyên tập luyện theo điệu nhạc thì sẽ múa nhịp nhàng, đẹp mắt.
“Hầu như cô gái dân tộc Tày nào cũng biết múa sạp. Mới đầu, tốc độ đập sạp sẽ chậm để người nhảy dễ dàng nhập cuộc hơn nhưng càng về sau sẽ dồn dập, nhanh hơn, tăng độ khó. Điều này khiến buổi múa sạp trở nên sinh động, hấp dẫn người xem hơn” - chị Ngọc bộc bạch.
Các nhà văn hóa dân tộc trên địa bàn tỉnh hiện đều có các đội cồng chiêng và múa riêng, chủ yếu phục vụ cho các sinh hoạt văn hóa của địa phương. Nhiều nơi đã duy trì và mở các lớp truyền dạy cồng chiêng, dạy múa cho người trẻ, nhất là đối tượng học sinh, sinh viên. Múa dân gian của đồng bào các dân tộc đã và đang được duy trì, phát huy nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa, gắn kết cộng đồng.
* Đưa hơi thở đương đại vào múa
Để giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, hằng năm Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam đã phát động cuộc thi tác phẩm múa chuyên nghiệp đề tài dân tộc thiểu số. Từ cuộc thi, đã xuất hiện nhiều gương mặt trẻ (biên đạo và diễn viên múa) tài năng, tiếp cận múa dân gian, dân tộc trên cơ sở sáng tạo mới, phù hợp với xu thế hội nhập và phát triển.
Biên đạo múa Nguyễn Việt Bắc, Phó giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai từng xuất sắc đoạt giải B với tác phẩm Truyền nghề tại sân khấu múa chuyên nghiệp toàn quốc năm 2017. Với tác phẩm này, chị đã kết hợp giữa hai dòng ngôn ngữ múa dân gian của dân tộc Mạ với múa hiện đại.
Chị Việt Bắc chia sẻ: “Đưa chất liệu múa dân gian dân tộc vào tác phẩm múa chuyên nghiệp, mang hơi thở hiện đại là điều không hề dễ dàng. Bởi đòi hỏi biên đạo múa phải am hiểu tường tận văn hóa các dân tộc, nhất là nghệ thuật múa dân gian. Vừa phải biết cắt bỏ những cái cũ, chắt lọc những cái hay, trên cơ sở đó sáng tạo, sao cho bài múa thể hiện câu chuyện sinh động, tránh sự chắp vá”.
Theo nghệ sĩ Thân Thế Thời, Chi hội trưởng Chi hội Nghệ sĩ múa Việt Nam tại Đồng Nai, múa dân gian là “món ăn” tinh thần không thể thiếu của đồng bào các dân tộc từ xưa đến nay. Tuy nhiên, để múa dân gian tiếp tục hồi sinh thì cần sự sáng tạo của giới làm nghề và sự chung tay của cả cộng đồng. Mục đích cuối cùng nhằm giúp người xem nhận biết được đó là tác phẩm phản ánh điều gì, muốn nói cái gì. Chỉ có như vậy mới có sự gắn bó giữa tác phẩm múa với công chúng, hướng tới giá trị chân, thiện, mỹ.
Ly Na