Bước vào thế giới nghệ thuật khi còn rất nhỏ, với đôi bàn tay tài hoa và óc sáng tạo, thầy giáo Đinh Công Việt Khôi (Khoa Gốm Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai) đã tạo ra nhiều sản phẩm gốm độc đáo mang đậm hồn quê.
Bước vào thế giới nghệ thuật khi còn rất nhỏ, với đôi bàn tay tài hoa và óc sáng tạo, thầy giáo Đinh Công Việt Khôi (Khoa Gốm Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai) đã tạo ra nhiều sản phẩm gốm độc đáo mang đậm hồn quê.
Thầy giáo Đinh Công Việt Khôi đang hướng dẫn cách làm gốm cho các em học sinh. Ảnh: Ly Na |
Đặc biệt, trước sự mai một của nghề gốm truyền thống, bằng nhiều biện pháp, thầy Khôi đã và đang tích cực đưa gốm đến gần với người trẻ và “hồi sinh” gốm Biên Hòa - Đồng Nai qua các sản phẩm phục vụ du lịch.
* Thổi hồn cho gốm Biên Hòa
Thầy Khôi kể, trước khi vào trường, tuổi thơ anh sống và phụ cha làm gốm ở Xí nghiệp Gốm Đồng Nai (trước đây thuộc P.Tam Hiệp, TP.Biên Hòa). Những lúc rảnh rỗi, anh mày mò tự học và rèn luyện tay nghề xoay gốm tại nhà, tạo hình những cục đất thành bình, chum… “Học làm gốm dễ mà lại rất khó. Ngoài sự hiểu biết về mỹ thuật còn đòi hỏi người thợ phải kiên trì và sáng tạo. Đây là công việc không hề đơn giản, nếu không đủ tình yêu và đam mê khó có thể theo đuổi đến cùng” - thầy Khôi chia sẻ.
Ngoài dạy học ở trường và tham gia phục hồi đồ gốm cổ Biên Hòa trên các di tích, đình, chùa, miếu... thầy Khôi còn sáng tác mỹ thuật trên gốm truyền thống thành những mẫu mã, kiểu dáng đa dạng và độc đáo. Thầy Khôi cho biết, khi sáng tác thầy không theo đuổi đề tài cụ thể nào mà chủ yếu dựa vào thực tế và cảm hứng. Các sản phẩm gốm của thầy bên cạnh phục vụ cho những sinh hoạt đời thường còn được sử dụng làm sản phẩm lưu niệm độc đáo trong hoạt động du lịch.
Trong số những sản phẩm gốm mang đậm hồn quê mà thầy Khôi thiết kế, tạo được ấn tượng phải kể đến bình rượu vang Thanh Long, bình rượu bưởi Năm Huệ. Đây là 2 tác phẩm được giới thiệu rộng rãi trong cộng đồng thông qua các hội chợ, triển lãm du lịch… trong và ngoài tỉnh. Chia sẻ về việc thực hiện các bình rượu bằng gốm, thầy Khôi cho rằng lên ý tưởng là khâu khó nhất. Quá trình lên khuôn cũng phải thật tỉ mỉ bởi nếu làm không đúng như bản thảo, hoặc chỉ chệch vài đường nét thì sẽ không tạo hình được và khi đó sẽ làm mất đi giá trị thẩm mỹ của tác phẩm.
Say mê với đất, đất đã thấm sâu vào tâm hồm của thầy Khôi như một phần của “máu thịt”. Nhìn vào sản phẩm, đặc biệt là những tác phẩm nghệ thuật từ gốm truyền thống của thầy, người xem có thể cảm nhận được cái “hồn quê hương” đằm sâu trong trái tim của người nghệ sĩ. Nhắc đến thầy Khôi, nhiều người thường nghĩ ngay đến hình ảnh người thầy cùng với học sinh, sinh viên đang ngồi bên bàn xoay gốm chậm rãi thực hành và thổi hồn gốm Biên Hòa.
* Truyền lửa cho người trẻ
Tết Tân Sửu 2021, lần đầu tiên tại Đường hoa Nguyễn Văn Trị trưng bày và giới thiệu con đường gốm. Những tác phẩm gốm trưng bày ở đây do chính giáo viên, sinh viên của Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai thực hiện. Những ngày giáp Tết, nhiều người đến Đường hoa Nguyễn Văn Trị (đoạn trước đình Tân Lân) không khỏi tò mò, thích thú khi bắt gặp hình ảnh thầy Khôi ngồi xoay gốm. Vừa xoay, thầy Khôi vừa giới thiệu các công đoạn để tạo thành một tác phẩm gốm đẹp như những mẫu gốm đang trưng bày tại đường hoa.
Thầy Đinh Công Việt Khôi đã tham gia nhiều triển lãm ở TP.HCM và nhiều cuộc thi sáng tạo hàng thủ công mỹ nghệ của tỉnh, của Bộ VH-TTDL. Với bàn tay tài hoa, sức sáng tạo bền bỉ và tấm lòng luôn hướng về cội nguồn, thầy Khôi đã và đang thổi hồn cho gốm, tạo ra nhiều sản phẩm gốm Biên Hòa độc đáo, phù hợp với đặc trưng của từng “đặc sản” ở Đồng Nai. Qua đó, đưa sản phẩm gốm đến gần hơn với công chúng. |
Chị Mai Anh, du khách tham quan đường hoa cho biết, chị đã xem xoay gốm rất nhiều trên tivi, đọc nhiều sách báo về hướng dẫn làm gốm nhưng đây là lần đầu tiên chị trực tiếp xem xoay gốm tại không gian công cộng ở Biên Hòa. “Những công đoạn mà thầy Khôi thực hiện và giới thiệu giúp tôi hiểu thêm về nghề truyền thống lâu đời của Biên Hòa để thêm tự hào, có thêm cảm xúc cũng như sự trân trọng với những ngành nghề thủ công” - chị Mai Anh bộc bạch.
Vài năm trở lại đây, thầy giáo Khôi thường xuyên cùng với Khoa Gốm Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai tham gia nhiều hoạt động giới thiệu, dạy cho học sinh, sinh viên trải nghiệm về gốm tại các trường học. Đặc biệt trong mỗi dịp hè, Khoa Gốm của trường mở các lớp học làm gốm ngắn (1-3 tháng) thu hút đông học sinh tiểu học và trung học trong và ngoài tỉnh đến tham quan, trải nghiệm.
Mặc dù các khóa hè có đông học sinh yêu thích và tìm hiểu về gốm nhưng theo thầy Khôi, trong tuyển sinh của Khoa Gốm ở trường vài năm trở lại đây rất ít người đăng ký theo học. Nếu như những năm 2003-2007, số lượng học sinh theo học chuyên ngành Gốm (hệ cao đẳng) khá đông (khoảng 30 sinh viên/năm) thì gần đây, chỉ có trên dưới 10 em theo học. Đó là lý do mà thầy cùng với các giáo viên của trường đang nỗ lực truyền lửa nghề gốm truyền thống trong cộng đồng, nhất là cho người trẻ.
Chia sẻ về những dự định sắp tới, thầy Khôi cho biết, trước mắt sẽ tập trung đào tạo đội ngũ những người trẻ yêu nghề gốm truyền thống. Công việc này không chỉ giúp người trẻ giữ lửa với gốm, định hướng nghề nghiệp mà còn góp phần bảo tồn nghề làm gốm đang dần mai một. Với xưởng gốm tại nhà của mình, thầy sẽ mở rộng đào tạo gốm, dạy thiết kế và tạo mẫu mã trang trí hoa văn cũng như cho các em trải nghiệm, tham quan các công đoạn làm gốm. Tại đây, chắc chắn các em sẽ có đủ điều kiện (máy móc, trang thiết bị)… làm gốm, tự do sáng tạo để tinh hoa và giá trị văn hóa gốm Biên Hòa được gìn giữ và phát huy.
Ly Na