Khu ủy miền Đông Nam bộ được thành lập vào tháng 2-1961 tại khu vực Suối Linh (Chiến khu Đ). Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Khu ủy luôn có vị trí chiến lược hết sức quan trọng về kinh tế, chính trị và quân sự.
Khu ủy miền Đông Nam bộ được thành lập vào tháng 2-1961 tại khu vực Suối Linh (Chiến khu Đ). Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Khu ủy luôn có vị trí chiến lược hết sức quan trọng về kinh tế, chính trị và quân sự.
Cán bộ, chiến sĩ tìm hiểu văn hóa, lịch sử tại triển lãm 60 năm thành lập Khu ủy miền Đông Nam bộ và Trung ương Cục miền Nam (1961-2021). Ảnh: L.Na |
Những dấu tích của một căn cứ kháng chiến hiện được bảo tồn, phát huy và trở thành địa danh nổi tiếng về du lịch văn hóa, lịch sử và sinh thái; là “địa chỉ đỏ” trong giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước và tự hào dân tộc cho thế hệ hôm nay và mai sau.
* Căn cứ xưa qua hình ảnh, hiện vật
Căn cứ Khu ủy miền Đông Nam bộ thuộc địa phận Phân trường 6, Lâm trường Hiếu Liêm (H.Vĩnh Cửu). Trong kháng chiến chống Mỹ, để đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng ở miền Nam, Đảng ta quyết định giải thể Xứ ủy Nam bộ, thành lập Trung ương Cục miền Nam. Tuy Trung ương Cục miền Nam đứng chân ở Chiến khu Đ thời gian không lâu (1961-1962), nhưng căn cứ kháng chiến này đã trở thành biểu tượng cho lý tưởng, ý chí giải phóng dân tộc, quyết tâm của Đảng và quân dân miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Cũng tại địa bàn chiến lược Chiến khu Đ, để tạo tiền đề vững chắc chuẩn bị thế và lực cho cuộc trường kỳ kháng chiến, Khu ủy, Bộ Tư lệnh Khu 7 thành lập Căn cứ Khu ủy miền Đông Nam bộ (1961-1967). Khu ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng trên toàn miền Đông Nam bộ với những chiến thắng vang dội như trận đánh đồn Bàu Cá Trê, chi khu Hiếu Liêm, đồn Cây Gáo, đồn Trị An, chiến dịch Bình Giã, chiến dịch Đồng Xoài…
Hướng tới kỷ niệm 60 năm thành lập Khu ủy miền Đông Nam bộ (1961-2021), Thư viện Đồng Nai đang trưng bày triển lãm sách chuyên đề nhằm giới thiệu đến bạn đọc cái nhìn tổng quát về thời kỳ đấu tranh hào hùng của dân tộc, thể hiện quá trình hình thành và phát triển căn cứ, vai trò của căn cứ, sự lãnh đạo của Trung ương Cục… Trong đó, nổi bật là các tác phẩm như: Lịch sử Nam bộ kháng chiến; Lịch sử xứ ủy Nam bộ và Trung ương Cục miền Nam; Huyền thoại Chiến khu Đ; Chiến khu Đ của tôi… |
Tại triển lãm 60 năm thành lập Khu ủy miền Đông Nam bộ và Trung ương Cục miền Nam (1961-2021) đang được trưng bày ở Bảo tàng tỉnh, người dân và du khách không chỉ được tham quan những hình ảnh tư liệu chân thực, sống động mà còn được nghe kể những câu chuyện về một thời kỳ đấu tranh hào hùng của dân tộc. Đó là câu chuyện về những ký ức lịch sử; là câu chuyện của tình đoàn kết quân dân trong quá trình sản xuất lương thực, thực phẩm vùng chiến khu; các trận đánh, phá ấp chiến lược, thắng lợi của các chiến dịch; hay chân dung các đồng chí lãnh đạo Khu ủy và Trung ương Cục miền Nam.
Ngoài hình ảnh, các hiện vật có giá trị, ý nghĩa lịch sử cũng được giới thiệu đến công chúng như: vỏ đạn pháo, nón kỵ binh, dao găm lính thủy, lưỡi lê đại liên, vật phản quang… Đặc biệt, Bảo tàng tỉnh chọn và trưng bày các bức tranh ký họa chiến trường về bộ đội tập huấn ở Mã Đà; trạm giao liên Mã Đà và những bức ký họa ngày Tết ở Mã Đà. Qua đó, giúp các tầng lớp nhân dân ôn lại và hiểu thêm về truyền thống cách mạng hào hùng của thế hệ cha ông.
Cán bộ tuyên huấn, Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nguyễn Đình Thân cho biết, những hiện vật lịch sử trưng bày trong triển lãm đã và đang củng cố thêm niềm tin, lòng tự hào dân tộc trong mỗi người dân nói chung, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Đồng Nai nói riêng.
“Sâu sắc, ấn tượng, giá trị và thiêng liêng, là những cung bậc cảm xúc mà bất cứ ai cũng trải qua khi đến tham quan triển lãm 60 năm thành lập Khu ủy miền Đông Nam bộ và Trung ương Cục miền Nam (1961-2021). Các hình ảnh, hiện vật giúp chúng tôi được sống lại một phần lịch sử “60 năm - một chặng đường” mà vốn chỉ được nghe kể hoặc xem trên các tư liệu sách, báo…” - anh Đình Thân chia sẻ.
* Sức sống của khu căn cứ hôm nay
Di tích Căn cứ Khu ủy miền Đông Nam bộ đã nhiều lần được trùng tu, tôn tạo các hạng mục như: nhà ở, nhà làm việc, nhà quân y, khu bếp Hoàng Cầm được kết nối với nhau bằng giao thông hào và địa đạo. Hằng năm, khu căn cứ đón hàng trăm ngàn lượt khách đến tham quan, nghiên cứu gắn với du lịch về nguồn. Về với Căn cứ Khu ủy miền Đông Nam bộ, về với Chiến khu Đ, Trung ương Cục miền Nam hôm nay, du khách sẽ cảm nhận rõ sự đổi thay cũng như những tiềm năng để phát triển du lịch.
Trải qua 60 năm hình thành và phát triển, Căn cứ Khu ủy, Trung ương Cục miền Nam cùng với Chiến khu Đ hiện tại gần như nằm hoàn toàn trong Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai. Đây được xem là “địa chỉ đỏ” và là “lá phổi xanh” của Đồng Nai và các tỉnh lân cận. Sức sống mãnh liệt của các loại động thực vật, nhất là những cây cổ thụ đã tồn tại hàng trăm năm cao vút, tán lá phủ xanh kín, ẩn chứa biết bao sự sống diệu kỳ của tự nhiên.
Hiện “ngôi nhà chung” này là nơi sinh sống và trú ngụ của của hơn 1.400 loài thực vật và 1.700 loài động vật. Trong đó, có nhiều loài động thực vật đặc hữu, quý hiếm trên thế giới và Việt Nam như voi châu Á, bò tót, gấu chó… và các loài cây quý hiếm như cẩm lai, gõ đỏ, giáng hương. Sự đa dạng sinh học và những tiềm năng của Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai - nơi đang giữ vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo vệ môi trường và thiên nhiên; bảo tồn, phát huy các giá trị vốn có, khai thác lợi thế và tiềm năng của du lịch H.Vĩnh Cửu nói riêng, du lịch Đồng Nai nói chung.
Phó giám đốc Sở VH-TTDL Nguyễn Hồng Ân cho biết: “Sau triển lãm 60 năm thành lập Khu ủy miền Đông Nam bộ và Trung ương Cục miền Nam (1961-2021), Sở sẽ giao cho Trung tâm Văn hóa - điện ảnh tỉnh tiếp tục thực hiện triển lãm tại Căn cứ Khu ủy. Song song đó, Sở chỉ đạo các địa phương trong tỉnh tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền bằng băng rôn, tài liệu… giới thiệu đến các tầng lớp nhân dân, nhất là các em học sinh, hướng các em về tham quan di tích, xem đây là sinh hoạt chính trị, sinh hoạt xã hội bổ ích”.
Ly Na