(ĐN) - Theo Sở VH-TTDL, tính đến thời điểm hiện tại Đồng Nai có 61 di tích được xếp hạng (2 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 29 di tích cấp quốc gia và 30 di tích cấp tỉnh).
(ĐN) - Theo Sở VH-TTDL, tính đến thời điểm hiện tại Đồng Nai có 61 di tích được xếp hạng (2 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 29 di tích cấp quốc gia và 30 di tích cấp tỉnh). Có 6 di tích đang xây dựng hồ sơ trình các cấp xếp hạng gồm: 1 di tích cấp quốc gia đặc biệt (Chiến khu Đ) và 5 di tích cấp tỉnh: đình Tân Huệ (H.Vĩnh Cửu); thác Hòa Bình - chùa Linh Phú, địa điểm diễn ra sự kiện vượt ngục Nhà ngục Tà Lài (H.Tân Phú); đình Thành Hưng, đình Hưng Phú (TP.Biên Hòa).
Từ năm 2018 đến nay, ngành Văn hóa tiếp tục kiểm kê, lập danh mục các di tích phổ thông tín ngưỡng thờ mẫu tam phủ của người Việt và di tích vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Kết quả kiểm kê ban đầu, có 38 di tích phổ thông các dân tộc thiểu số, 19 di tích tín ngưỡng thờ mẫu tam phủ của người Việt.
Bên cạnh những thuận lợi, công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh theo Sở VH-TTDL còn gặp một số khó khăn. Do ảnh hưởng của thời gian và biến đổi khí hậu tác động lớn đến độ bền, tuổi thọ của di tích, một số di tích bị xuống cấp cần xin chủ trương để tu bổ, phục hồi. Tuy nhiên, do khó khăn về kinh phí nên việc triển khai dự án sau khi có chủ trương còn chậm.
Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di tích chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa quy hoạch bảo tồn di tích với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đội ngũ những người làm công tác bảo tồn di tích trong tỉnh đặc biệt là ở cấp huyện còn thiếu về số lượng, yếu về chuyên môn bảo tồn, bảo tàng nên còn lúng túng trong việc xử lý những vấn đề liên quan đến di sản văn hóa khi đã được ủy quyền, phân cấp quản lý theo quy định.
Quang Nhật