Hát then, đàn tính là nét văn hóa lâu đời của đồng bào dân tộc Tày, Nùng. Theo thời gian, sự tiếp biến và giao lưu giữa các nền văn hóa khiến cho loại hình nghệ thuật dân tộc độc đáo này dần có nguy cơ bị mai một.
Hát then, đàn tính là nét văn hóa lâu đời của đồng bào dân tộc Tày, Nùng. Theo thời gian, sự tiếp biến và giao lưu giữa các nền văn hóa khiến cho loại hình nghệ thuật dân tộc độc đáo này dần có nguy cơ bị mai một.
Bà Hoàng Thị Huyên (ấp 8, xã Thanh Sơn, H.Định Quán) đang hướng dẫn người dân trong ấp học hát then, đàn tính. Ảnh: Ly Na |
Với quyết tâm không để hát then, đàn tính của dân tộc mình bị thất truyền, bà Hoàng Thị Huyên (53 tuổi, ngụ ấp 8, xã Thanh Sơn, H.Định Quán) đã nỗ lực gìn giữ và phát huy hát then, đàn tính bằng cách mở các lớp truyền dạy âm nhạc dân tộc.
* Lớn lên cùng hát then, đàn tính
Chúng tôi tìm đến nhà văn hóa ấp 8, xã Thanh Sơn đúng lúc bà Huyên đang say sưa hướng dẫn cho đội then, đàn tính kỹ năng hát và sử dụng đàn tính đúng nhịp. Trò chuyện với bà trong những phút rảnh rỗi giữa buổi tập luyện, chúng tôi đã rất ngạc nhiên trước niềm đam mê hát then, đàn tính của bà. Bà Huyên nói rằng, mặc dù làm nông rất vất vả nhưng chỉ cần nhắc đến tiếng then, cầm trên tay cây đàn tính của quê hương và biểu diễn thì dường như bao mệt mỏi trong bà bay đi đâu hết. Âm hưởng của những điệu then, nhịp đàn tính dập dìu đã ngấm vào máu thịt của bà không thể xa rời.
Sinh ra và lớn lên trên quê hương Bắc Kạn, từ nhỏ bà Huyên đã theo mẹ và các anh chị đi xem người già trong thôn hát then, đàn tính. Lớn lên thêm một chút, bà được bạn bè cùng trang lứa hướng dẫn những “đường” cơ bản về cách hát và cách sử dụng đàn tính. Năm 1987, bà Huyên theo gia đình vào Định Quán phát triển kinh tế mới. Trước khi chia tay, người bạn thân của bà đã tặng cho bà cây đàn để làm quà. Đó chính là “viên gạch” đầu tiên nuôi dưỡng tình yêu và đam mê với hát then, đàn tính để sau này bà Huyên duy trì và phát triển loại hình nghệ thuật truyền thống trên vùng đất mới.
Bà Hoàng Thị Huyên cho biết: “Ấp 8, xã Thanh Sơn hiện có 106 hộ đồng bào dân tộc, trong đó có 80 hộ thuộc đồng bào Tày, Nùng; số còn lại thuộc đồng bào các dân tộc S’tiêng, Hoa, Chơro… Hằng năm, Ban chủ nhiệm ấp đã phối hợp với chính quyền xã tổ chức lễ hội lồng tồng - lễ hội đặc trưng của đồng bào Tày, Nùng sau Tết Nguyên đán. Trong lễ hội, ngoài các nghi lễ truyền thống, bà con ấp 8 còn giao lưu hát then, đàn tính và tham gia nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn”. |
“Những ngày đầu vào H.Định Quán, đời sống kinh tế của gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Người dân ở đây chủ yếu là làm nông. Những lúc mệt nhọc, tôi thường đem đàn tính ra đàn hát, lâu dần thành thói quen và chơi ngày càng thành thạo. Từ năm 2015, tôi cùng với những người dân biết hát then trong ấp lập đội hát then, đàn tính của đồng bào Tày, Nùng, rồi tích cực luyện tập” - bà Huyên cho biết.
Theo bà Huyên, đội then, đàn tính ấp 8 lúc bấy giờ chủ yếu là những người lớn tuổi (từ 45-70 tuổi) đến từ nhiều vùng quê khác nhau như: Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Thái Nguyên… Vì yêu thích hát then, đàn tính mà cùng nhau tập hợp nhau lại, tự sắm trang phục và vài cây đàn tính để tập luyện và biểu diễn. Đặc biệt, vào những ngày lễ, tết hoặc khi trong ấp tổ chức các hoạt động, đội then, đàn tính đăng ký tham gia, biểu diễn một vài tiết mục văn nghệ phục vụ chương trình.
“Tiếng lành đồn xa. Đội then, đàn tính của ấp thường xuyên có những buổi giao lưu văn nghệ ở xã. Thi thoảng ở huyện tổ chức các liên hoan văn nghệ quần chúng và liên hoan đàn hát dân ca, đội cũng đăng ký tham gia. Các bài hát, điệu nhạc chúng tôi sưu tầm lại thông qua truyền miệng hoặc tìm hiểu thêm trên internet, một vài điệu chúng tôi mạnh dạn sáng tạo và phát triển sao cho phù hợp với đời sống mới của vùng đất Thanh Sơn nhưng vẫn giữ được nét truyền thống của dân tộc” - bà Huyên nói.
* Mở lớp truyền dạy hát then, đàn tính
Cũng bởi đội hát then, đàn tính của ấp 8 chủ yếu là những người lớn tuổi nên bà Huyên đã đề xuất với ban ấp, UBND xã và Phòng Văn hóa - thông tin huyện cho bà mở lớp truyền dạy hát then, đàn tính ngay tại nhà văn hóa ấp. Đề xuất của bà Huyên sau đó được chấp thuận. “Thật bất ngờ, số chị em trong ấp đăng ký theo học hát then, đàn tính rất đông. Có 28 người đã xin tham gia lớp học, trong đó có đầy đủ lứa tuổi, thành phần từ học sinh, sinh viên, công nhân viên chức, nông dân…” - bà Huyên hào hứng chia sẻ.
Mặc dù số lượng đăng ký đông nhưng số người cầm trực tiếp cây đàn tính để được bà Huyên hướng dẫn chưa nhiều vì số lượng đàn tính không đủ. Hiện tại, ấp 8, xã Thanh Sơn chỉ có 7 cây đàn tính, trong đó 4 cây do bà Huyên tự sắm và được bạn bè tặng, 3 cây còn lại là của các thành viên trong đội và một số mạnh thường quân hỗ trợ. Do vậy, bà Huyên đã chọn 7 người tiêu biểu nhất, có khả năng đàn hát để hướng dẫn, giảng dạy những kiến thức cơ bản trước, các thành viên còn lại theo dõi và học lại từ những người đã được bà hướng dẫn.
Là một trong những thành viên tích cực theo học lớp hát then, đàn tính tại ấp 8, chị Đặng Thị Bích Ngọc (24 tuổi) đang công tác tại TT.Định Quán cho biết, những ngày mới tham gia, chị và nhiều người trong lớp còn rất bỡ ngỡ về lời hát, cũng như cách đánh đàn. Nhưng rồi mọi người được bà Huyên hướng dẫn nhiệt tình, dần dần thuần thục biết hát, biết đàn hay hơn.
“Tham gia lớp học, tôi và các thành viên thấy gần gũi và hiểu nhau hơn, nhất là phối hợp ăn ý khi đi biểu diễn. Qua đó, giới thiệu đến mọi người nét văn hóa của đồng bào Tày, Nùng, khuyến khích người trẻ tìm hiểu và gìn giữ văn hóa tinh thần của dân tộc mình” - chị Ngọc bộc bạch.
Điểm đặc biệt của lớp dạy và học hát then, đàn tính của bà Huyên có nhiều em học sinh đăng ký tham gia. Trong đó có em Mã Thùy Trâm (lớp 5 Trường tiểu học Liên Sơn, Phân hiệu Bầu Kiên, ấp 8, xã Thanh Sơn) đã biết đàn, biết hát nhuần nhuyễn. Thùy Trâm cho hay: “Con học đàn với bà Huyên từ khi còn rất nhỏ cho đến lúc bà mở lớp dạy tại nhà văn hóa ấp. Con có thể đàn, hát được rất nhiều bài. Thi thoảng lên lớp có biểu diễn văn nghệ, con xung phong lên đàn hát cho cô giáo và các bạn nghe. Nhiều lần con được cô và các bạn khen, con vui lắm. Con sẽ cố gắng học tốt hơn để cho bà, ba mẹ và cô giáo được vui”.
Với việc giữ gìn và truyền dạy hát then, đàn tính, bà Hoàng Thị Huyên đã khơi dậy và thắp lên ngọn lửa đam mê âm nhạc dân tộc cho cộng đồng, nhất là lớp trẻ trong ấp 8, xã Thanh Sơn. Điều mà bà Huyên cũng như bà con dân tộc nơi đây mong muốn là nhà văn hóa dân tộc Tày, Nùng của xã trong năm tới sẽ nhanh chóng được xây dựng và hoàn thiện để bà con có thêm không gian sinh hoạt, lưu giữ những giá trị văn hóa vốn đang dần bị mai một. Qua đó, góp phần tích cực trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa dân tộc Tày, Nùng ở Định Quán nói riêng, Đồng Nai nói chung.
Ly Na