Phòng, chống ma túy là đề tài khá nhạy cảm và rất khó thể hiện mềm mại, hấp dẫn, thế nhưng bằng cách làm mới nội dung, hình thức thể hiện, Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai (nhà hát) đã chinh phục khán giả với vở diễn mới mang tên Cuộc chiến.
Phòng, chống ma túy là đề tài khá nhạy cảm và rất khó thể hiện mềm mại, hấp dẫn, thế nhưng bằng cách làm mới nội dung, hình thức thể hiện, Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai (nhà hát) đã chinh phục khán giả với vở diễn mới mang tên Cuộc chiến.
Một cảnh trong vở cải lương Cuộc chiến. Ảnh: My Ny |
Từ nay đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, nhà hát sẽ tổ chức nhiều suất diễn phục vụ các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các chiến sĩ công an đã và đang trực tiếp tham gia công tác phòng, chống ma túy trên địa bàn tỉnh.
* Phản ánh hiện thực xã hội
Vở cải lương Cuộc chiến (tác giả kịch bản Hoàng Dương, chuyển thể NSƯT Quế Anh, do 2 nghệ sĩ Xuân Dương và Quế Anh đạo diễn) lấy bối cảnh một đơn vị công an đang thực hiện một chuyên án ma túy lớn. Ở đó, các chiến sĩ công an phải luôn đấu tranh với những cám dỗ về vật chất; phải hóa thân thành nhiều vai khác nhau để trà trộn vào “hang ổ” của bọn tội phạm thu thập chứng cứ. Có người phải hy sinh bản thân để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Nhân vật chính trong vở Cuộc chiến là Quân (nghệ sĩ Hoài Minh vào vai) - Đội trưởng đơn vị công an đang trực tiếp điều tra chuyên án buôn bán, vận chuyển và tiêu thụ ma túy của Tập đoàn Tiến Phát. Mặc dù bọn tội phạm dùng vật chất để mua chuộc nhưng với ý chí và quyết tâm, anh cùng đồng đội truy bắt tận ổ các đối tượng vận chuyển ma túy, góp phần xóa sổ các tụ điểm ma túy, xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật.
Giám đốc Sở VH-TTDL Lê Kim Bằng cho biết, trong thời gian tới Sở sẽ làm việc với Công an tỉnh, phối hợp để đưa cán bộ, chiến sĩ đến Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai xem vở diễn Cuộc chiến. Cuộc chiến đã truyền tải những thông điệp đẹp đẽ về những hy sinh thầm lặng của người chiến sĩ công an trên mặt trận phòng, chống và đẩy lùi tội phạm ma túy. Dù bất cứ hoàn cảnh nào, họ cũng nguyện suốt đời chiến đấu, hy sinh vì cuộc sống bình yên, vì hạnh phúc của nhân dân. |
Bên cạnh câu chuyện về chuyên án ma túy, vở diễn kể câu chuyện đẹp về gia đình của Quân và cô giáo Lan - vợ Quân (nghệ sĩ Xuân Chúc vào vai). Trước khi Quân tham gia chuyên án, cô đã có thai nhưng chưa kịp thông báo niềm vui cho chồng thì nhận được tin chồng bị thương nặng, rất khó qua khỏi. Diễn biến tâm lý cùng những hồi ức, những giấc mộng của Lan với nhiều cung bậc cảm xúc khiến khán giả bật khóc theo vai điễn.
Đó còn là câu chuyện tình đẹp của cặp đôi chiến sĩ Đức (nghệ sĩ Khánh Dư) và Phương (nghệ sĩ Phương Thảo). Vì để thu thập chứng cứ, chuyên án cài Phương vào băng nhóm Tập đoàn Tiến Phát và rồi trước sự nghi ngờ của bọn tội phạm, cô buộc phải sử dụng ma túy để không bị phát hiện. Sau chuyên án, cô đã bị nghiện. May mắn, cô được sự động viên của gia đình, sự hỗ trợ, cổ vũ của người yêu (Đức) dần cai được ma túy.
Một trong những nhân vật góp phần vào thành công của vở diễn phải kể đến Dũng (nghệ sĩ Thành Vinh vào vai). Dũng là con trai lớn của ông trùm Tập đoàn Tiến Phát. Mặc dù thừa kế cả tài sản lớn nhưng Dũng ăn chơi lêu lổng, sống buông thả. Mối quan hệ cha - con trong gia đình Dũng bất hòa, không hạnh phúc. Đó cũng là nguyên nhân khiến anh sa vào con đường phạm tội, trực tiếp tiêu thụ ma túy. Các bối cảnh Dũng xuất hiện rất hiện đại, lúc tại vũ trường, lúc tại căn nhà xa hoa, lúc trên du thuyền Hải Âu…
NSƯT Quế Anh, Giám đốc nhà hát cho biết, vở cải lương Cuộc chiến mặc dù không phải là đề tài mới lạ nhưng là đề tài “nóng” hiện nay, phản ánh được hiện thực của xã hội đương đại. Những câu chuyện của Quân, Lan, Dũng, Phương… là những câu chuyện có thực trong đời sống hằng ngày. Mỗi lời thoại của nhân vật ngắn gọn, được trau chuốt, gọt giũa tác động trực tiếp đến nhận thức của người xem, người nghe. Âm thanh, ánh sáng, âm nhạc được kết hợp chặt chẽ. Kết thúc của vở diễn không quá “bi thương” nhưng vẫn khiến người xem hồi hộp, chờ đợi.
* Ứng dụng có hiệu quả màn hình Led
Thành công lớn nhất của vở diễn Cuộc chiến theo đánh giá của Hội đồng Nghệ thuật Sở VH-TTDL là ở việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xây dựng sân khấu. Nhà hát đã tận dụng tối đa màn hình Led, thiết kế cảnh trí hiện đại, sống động như thật. Trong đó, phải kể đến các cảnh về trụ sở làm việc của đơn vị công an, vũ trường, bệnh viện, nhà ở, du thuyền sang trọng trên biển…
Theo Phó hiệu trưởng Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật Đồng Nai Ngọc Khoa, màn hình Led trong Cuộc chiến đóng vai trò quyết định sự thành công của vở diễn. Mỗi cảnh đều được thiết kế riêng, đưa người xem bước vào thế giới của điện ảnh, đẹp như trên phim chứ không còn ở sân khấu của cải lương. “Sự hỗ trợ của công nghệ đã giúp vở diễn nổi bật dù đề tài không phải quá mới lạ. Khi công diễn trực tuyến hoặc biểu diễn trực tiếp tại sân khấu của nhà hát, vở diễn sẽ có tác động rất lớn đến khán giả, không chỉ nội dung tư tưởng mà còn ở hình thức thể hiện” - ca sĩ Ngọc Khoa nói.
Nói về vở cải lương Cuộc chiến, nhạc sĩ Trần Tâm, hội viên Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai cho biết, vở diễn đã mở màn rất ấn tượng khi các diễn viên hóa thân trọn vẹn vào vai các vị khách chơi bời thâu đêm ở vũ trường. Mỗi một bối cảnh mang tới một câu chuyện cho khán giả, khiến họ tò mò, thích thú. Các nghệ sĩ ca, diễn rất tốt, kết hợp nhuần nhuyễn với âm nhạc khi hiện đại, khi trữ tình với những giai điệu violon du dương. Đặc biệt, ca khúc kết thúc vở diễn sâu sắc và ấn tượng.
Giám đốc Sở VH-TTDL Lê Kim Bằng đánh giá cao sự nỗ lực của tập thể nghệ sĩ, diễn viên của nhà hát trong việc dàn dựng, biểu diễn vở cải lương Cuộc chiến để biểu diễn phục vụ các tầng lớp nhân dân trong năm mới 2021. “Vở diễn mang chủ đề tư tưởng tốt, có tính giáo dục rất cao. Không chỉ khắc họa hình tượng đẹp về người chiến sĩ công an nhân dân mà vở diễn còn giúp người xem hiểu, tin tưởng, gần gũi hơn với lực lượng công an nhân dân, từ đó tham gia tích cực cùng ngành Công an trong sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc” - ông Bằng nhấn mạnh.
Ly Na