Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuẩn bị vào mùa lễ hội Xuân Tân Sửu 2021

10:01, 04/01/2021

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Cùng với cả nước, Đồng Nai đã và đang tích cực chuẩn bị các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và các lễ hội để chào đón năm mới.

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Cùng với cả nước, Đồng Nai đã và đang tích cực chuẩn bị các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và các lễ hội để chào đón năm mới.

Một tiết mục văn nghệ do Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai biểu diễn trong dịp đầu Xuân 2020.
Một tiết mục văn nghệ do Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai biểu diễn trong dịp đầu Xuân 2020. Ảnh: L.Na

Tuy nhiên, để hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân và các lễ hội đầu năm trên địa bàn tỉnh diễn ra bảo đảm an toàn, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong các tầng lớp nhân dân, công tác phòng, chống dịch Covid-19 vẫn được đặt lên hàng đầu.

* Nhiều sự kiện và lễ hội

Chào mừng năm mới 2021, sẽ có nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật được tổ chức. Cụ thể như triển lãm mừng Đảng, mừng Xuân ở Bảo tàng Đồng Nai; triển lãm báo Xuân Tân Sửu 2021 ở Thư viện tỉnh; Hội báo Xuân Tân Sửu 2021 tại Văn miếu Trấn Biên; Chợ hoa xuân tại Trung tâm Hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh. Đặc biệt, từ ngày 7 đến 17-2, đường hoa Nguyễn Văn Trị (TP.Biên Hòa) sẽ đi vào hoạt động; đồng thời, tại đường hoa cũng tổ chức các chương trình văn nghệ, biểu diễn thư pháp, triển lãm ảnh nghệ thuật...

Tương tự, Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai đang tập luyện chương trình Chào xuân 2021; chương trình nghệ thuật biểu diễn trong lễ khai mạc Hội báo Xuân Tân Sửu dự kiến tổ chức vào ngày 8-2 (tức 27 tháng chạp năm Canh Tý). Trung tâm Văn hóa - điện ảnh tỉnh đang luyện tập chương trình văn nghệ tuyên truyền lưu động mừng Đảng, mừng Xuân biểu diễn vào ngày 27 Tết; đồng thời, tăng cường các buổi diễn và chiếu phim lưu động phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa, công nhân khu công nghiệp không có điều kiện về quê đón Tết.

Tại các huyện, thành phố sẽ tiếp tục các hoạt động trang trí, tuyên truyền và tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao mừng Đảng, mừng Xuân Tân Sửu 2021 bắt đầu từ ngày 20-1 đến ngày  28-2. Sẽ có nhiều hoạt động được tổ chức như: Hội hoa xuân; hội thi Giọng ca trữ tình; hội thi Áo dài du xuân; hội thi thể hình, cờ tướng; trang trí trụ sở các cơ quan, đơn vị; biểu diễn đờn ca tài tử...

Một trong những hoạt động mang đến không khí sôi nổi những ngày đầu xuân đó là Tết Nguyên tiêu. NSND Giang Mạnh Hà, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai cho biết, Hội đã có kế hoạch tổ chức Ngày Thơ Việt Nam năm 2021 và Ngày Văn nghệ sĩ Đồng Nai lần thứ 7 sau một năm tạm hoãn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Năm nay sẽ có các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, triển lãm nghệ thuật gắn với tổng kết, đánh giá, khen thưởng các hoạt động văn học nghệ thuật năm 2020. Ngoài ra, Hội cũng sẽ tổ chức phát động phong trào thi đua sáng tác năm 2021.

Theo Sở VH-TTDL, trung bình một năm các địa phương trong tỉnh tổ chức hơn 350 lễ hội, gồm các lễ hội truyền thống, ngành nghề và văn hóa. Trong đó, có gần 10 lễ hội thực hiện việc đăng ký tổ chức, các lễ hội còn lại tổ chức theo hình thức thông báo với chính quyền địa phương. Nhiều lễ hội có quy mô lớn được tổ chức đầu xuân trong năm qua như: lễ hội chùa Ông; lễ hội Sayangva của đồng bào Chơro; lễ hội lồng tồng của đồng bào Tày, Nùng… đã tạm hoãn hoặc chỉ tổ chức một số nghi thức, nghi lễ quan trọng. Các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh đều đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh.

* Đảm bảo công tác phòng, chống dịch

Mới đây, Bộ VH-TTDL đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố về thực hiện công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2021. Theo đó, Bộ yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29-8-2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội. Rà soát, thống kê, phân loại lễ hội: lễ hội truyền thống, lễ hội văn hóa, lễ hội ngành nghề và lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài. Tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhân dân và du khách nghiêm túc thực hiện các quy định về tổ chức lễ hội. Đẩy mạnh tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Lễ hội Lồng tồng của đồng bào Tày, Nùng thường được tổ chức từ mùng 6 đến mùng 9 âm lịch
Lễ hội Lồng tồng của đồng bào Tày, Nùng thường được tổ chức từ mùng 6 đến mùng 9 âm lịch

Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép. Không để các hoạt động phát ấn không đúng với nguồn gốc lịch sử di tích, lễ hội; không để các đối tượng lợi dụng, lôi kéo đông người tại lễ hội để tuyên truyền, quảng bá các hoạt động có dấu hiệu tà đạo, mê tín dị đoan, trái với thuần phong mỹ tục, vi phạm quy định về thực hiện nếp sống văn minh.

Tổ chức các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân và các lễ hội đầu năm mới là một nét đẹp trong đời sống của Đồng Nai nói riêng, Việt Nam nói chung. Song thực tế cho thấy, một số lễ hội ở các cơ sở tín ngưỡng dân gian trên địa bàn tỉnh vẫn còn hiện tượng xin xăm, bán hàng rong, xin ăn làm giảm đi tính tôn nghiêm và những nét đẹp văn hóa trong hoạt động lễ hội. Việc thực hiện nếp sống văn hóa văn minh của một số người dân tham gia lễ hội còn yếu, vẫn còn tình trạng lộn xộn, chen lấn tại các lễ hội.

Vì thế, chỉ đạo của Bộ VH-TTDL về việc đẩy mạnh công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2021, phòng chống dịch và phát huy các giá trị, ý nghĩa của các nghi lễ truyền thống là vô cùng cần thiết. Qua đó, giúp các địa phương chủ động trong quản lý, tổ chức lễ hội theo đúng quy định; nâng cao nhận thức của mỗi người dân để từng bước điều chỉnh hành vi, lời nói phù hợp, góp phần tổ chức lễ hội an ninh, an toàn và văn minh.

Ly Na

 

Tin xem nhiều