Cuối tuần qua, sau các buổi thi đông nghẹt khán giả tại Nhà hát Thực nghiệm Trường trung cấp Múa TP.HCM, Liên hoan Nghệ thuật múa TP.HCM mở rộng lần VI-2020 đã có buổi tổng kết với hơn 30 giải thưởng đã được trao cho các tác phẩm và cá nhân.
Cuối tuần qua, sau các buổi thi đông nghẹt khán giả tại Nhà hát Thực nghiệm Trường trung cấp Múa TP.HCM, Liên hoan Nghệ thuật múa TP.HCM mở rộng lần VI-2020 đã có buổi tổng kết với hơn 30 giải thưởng đã được trao cho các tác phẩm và cá nhân.
Tác phẩm Falling Angels của đơn vị Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP.HCM đoạt giải A của liên hoan. Ảnh: N.Phượng |
Theo ông Lê Nguyên Hiều, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa TP.HCM, đơn vị tổ chức liên hoan, đáng ra liên hoan đã diễn ra từ năm ngoái. Tuy nhiên, do một số trục trặc phải chuyển sang năm 2020. Rồi “dính” Covid-19, liên hoan lại tiếp tục dời. Thế nên cuộc hội ngộ của múa thành phố diễn ra lần này trong tình thế khá cập rập, chỉ có khoảng 1 tháng để chuẩn bị và phát động. Thật bất ngờ, khi số lượng tiết mục đăng ký tăng ngoài mong đợi với gần 50 tiết mục từ 7 đơn vị nhà nước, 12 công ty, nhóm, vũ đoàn và 14 cá nhân từ TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước…
Các tiết mục dự thi lần này khá đa dạng thể loại, từ múa dân gian, dân tộc đến múa đương đại, ballet. Đề tài tương đối phong phú, có chủ đề về cách mạng, biển đảo như tiết mục Thanh xuân để lại, Không lùi bước, Lượm ơi!, Côn Đảo - tinh thần thép, Trường Sa - màu biển đỏ… Khai thác nhân vật lịch sử có tiết mục Cánh hoa triều Lý, Lệ Chi viên, Độc… Nhiều nhất là những tiết mục mang màu sắc dân gian, dân tộc như: Hồn Khơ Mú, Hương tình Tây Bắc, Noọng ơi!, Âm vang núi rừng, Về đất Chăm… Bên cạnh đó, mảng đương đại cũng không thể thiếu như: Gia tài của cha mẹ, Bạn đời, Chạm, Lời của nước, 28, Sông cạn…
Nhiều nhất vẫn là bài dự thi múa đơn, đôi, ít người. Mảng này cũng có chất lượng nổi trội hơn hẳn so với những bài múa đông người. Nhận xét về chất lượng các tiết mục tham gia liên hoan, ông Hà Thế Dũng, Trưởng ban giám khảo đánh giá: “Các tác phẩm tham gia có sự đầu tư về đội ngũ sáng tạo, lực lượng diễn viên tham gia. Mỗi tác phẩm có chủ đề thiết thực, màu sắc vùng miền khá rõ nét, bố cục tác phẩm, thiết kế sân khấu, trang phục phù hợp. Hình thức múa ít người (solo, đôi, múa nhỏ) chiếm tỷ lệ cao, phong phú…”.
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý: “Một số tác phẩm chưa có sự đầu tư tương xứng, còn thiếu kỹ năng nghề trong sáng tác mới. Biểu diễn đi theo lối mòn, chưa mạnh dạn xóa bỏ suy nghĩ “tính an toàn”. Hoặc còn cẩu thả trong xây dựng tác phẩm…”.
Liên hoan Nghệ thuật múa TP.HCM mở rộng lần VI năm nay đã tìm được những chủ nhân xứng đáng với 5 giải A, 7 giải B và 9 giải C. Bên cạnh đó, liên hoan còn trao các giải thưởng cho diễn viên bao gồm 3 giải A, 4 giải B và 5 giải C. |
Biên đạo múa Lê Việt, Giám đốc Vũ đoàn Phương Việt chia sẻ, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên làng múa TP.HCM bị ảnh hưởng rất nhiều, nhất là các vũ đoàn, suốt 6 tháng không có show diễn nào. Có những vũ đoàn tư nhân hoạt động theo mô hình công ty nên không chỉ có diễn viên mà còn có bộ phận văn phòng, kế toán… vì vậy gánh nặng càng thêm nặng nề. Dịch bệnh đã khiến không ít diễn viên múa không thể trụ nổi với nghề, phải tìm công việc khác để mưu sinh. Và hiện tại, khi không khí tương đối sáng sủa hơn, các sô diễn cuối năm rục rịch thì không ít vũ đoàn đối mặt với việc thiếu diễn viên do có những người bỏ nghề, chuyển sang công việc khác.
Không chỉ bị động về nhân lực, các đơn vị phải tranh thủ chạy sô để bù lại thời gian “thê thảm” vừa qua. Cho nên, khá nhiều vũ đoàn lớn đã không thể tham gia liên hoan, vì muốn đi thi phải đầu tư thật chu đáo về mọi mặt từ ý tưởng, dàn dựng, phối nhạc, tập trung kỹ thuật, thời gian tập luyện.
“Đơn vị chúng tôi cũng cố gắng tham gia trong tình thế cái gì có sẵn thì đem đến để góp chung niềm vui cho ngày hội múa, đồng thời tạo cơ hội cho các biên đạo, diễn viên trẻ có cơ hội cọ xát nghề” - biên đạo múa Lê Việt nói.
Trong khi những tiết mục múa đông người khá ít và không nổi trội thì những tiết mục múa đơn, đôi, ít người chiếm ưu thế trong liên hoan. Thời điểm hiện tại có nhiều biên đạo múa làm bài tốt nghiệp, vì vậy liên hoan cũng là sân chơi để các bạn trẻ đem đến sản phẩm “khoe” với bạn nghề. Thường khi dựng bài tốt nghiệp, các biên đạo hay chọn dựng tác phẩm đơn, đôi hoặc ít người. Điều đó có thể lý giải vì sao mảng này chiếm số đông trong liên hoan năm nay. Và vì vậy, khán giả cũng được chứng kiến sự nổi trội của những biên đạo và diễn viên trẻ. Trong đó, có những bạn vừa biên đạo vừa biểu diễn tiết mục của mình. Như Tiêu Vĩnh Thịnh với tiết mục 28 đoạt giải A, Lâm Tố Như với tiết mục Chạm và Lời của nước đoạt giải B, Sùng A Lùng đoạt giải A cá nhân và cũng biên đạo một tiết mục khác cho diễn viên Khang Ninh, tiết mục Anh Túc…
Lâm Tố Như, nghệ sĩ múa triển vọng trong vở múa Đa thức hào hứng cho biết: “Những cuộc thi, liên hoan giúp chúng tôi có cơ hội tập trung làm những tác phẩm múa đúng nghĩa, được thể hiện những gì mình khát khao. Được ăn, ngủ, nghỉ cùng múa, được xem và học hỏi thêm bạn nghề. Vì vậy, với bài thi của mình chúng tôi cứ thử làm tất cả những gì mình suy nghĩ, không thử làm sao biết mình ở đâu”.
Liên hoan Nghệ thuật múa TP.HCM mở rộng lần VI diễn ra khá cập rập và có những khó khăn riêng. Thế nhưng theo cách nhìn tích cực của biên đạo Lê Việt thì: “Sau một thời gian dài mất tinh thần bị ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh Covid-19, liên hoan đã phần nào giúp nghệ sĩ múa lấy lại khí thế, tinh thần, vực lại niềm đam mê của các bạn!”.
Trí Trọng