Diện mạo văn hóa vùng đất Đồng Nai bắt đầu từ đâu và được xác tín như thế nào? Câu hỏi thường chỉ được trả lời bằng văn tự, rõ nét từ thế kỷ XVII đến nay khi có người Việt đến khai khẩn. Từ thế kỷ XVII trở về trước nhiều nghìn năm, chỉ có thể giải mã văn hóa ở xứ Đồng Nai bằng ngôn ngữ khảo cổ học.
Diện mạo văn hóa vùng đất Đồng Nai bắt đầu từ đâu và được xác tín như thế nào? Câu hỏi thường chỉ được trả lời bằng văn tự, rõ nét từ thế kỷ XVII đến nay khi có người Việt đến khai khẩn. Từ thế kỷ XVII trở về trước nhiều nghìn năm, chỉ có thể giải mã văn hóa ở xứ Đồng Nai bằng ngôn ngữ khảo cổ học.
Tiếp theo việc công bố các công trình về khảo cổ ở Đồng Nai, Nhà xuất bản Đồng Nai vừa ấn hành cuốn sách “Nghề luyện kim cổ ở Đồng Nai” do Nguyễn Giang Hải và Huỳnh Văn Tới cùng đứng tên tác giả nhằm góp phần chứng minh: Từ nhiều nghìn năm trước, vùng đất Đồng Nai là một trung tâm văn hóa rực rỡ ở phương Nam, phát triển liền mạch, kết nối nội vùng và ngoại vùng; trong đó có nghề luyện kim cổ “trường hợp nghề luyện đồng cổ ở Đồng Nai” (NXB Đồng Nai, khổ 16 X 24cm, 312 trang với nhiều hình ảnh tư liệu, sách đặt hàng).
Cuốn sách này được hình thành trên cơ sở tài liệu “Nghề luyện kim đúc đồng cổ ở miền Đông Nam Bộ, Việt Nam” do Nguyễn Giang Hải thực hiện luận án Phó Tiến sỹ khoa học dưới sự hướng dẫn khoa học PGS.TS Diệp Đình Hoa, được Nhà xuất bản Khoa học Xã hội xuất bản lần thứ nhất năm 2001, in lại trong Tổng tập Nghề và Làng nghề truyền thống Việt Nam năm 2012.
Lần xuất bản này, nội dung cuốn sách được chắt lọc, tập trung vào nghề luyện kim đúc đồng cổ ở không gian văn hóa Đồng Nai; có sự chỉnh lý, bổ sung cả về nội dung và tư liệu, nhất là tư liệu điền dã, kiểm chứng thực địa.
Địa danh “Đồng Nai” được nêu trong cuốn sách không phải tên của đơn vị hành chính “tỉnh Đồng Nai” mà là một vùng văn hóa rộng lớn thuộc lưu vực hệ thống sông Đồng Nai ứng với địa bàn của nhiều tỉnh thành Đông Nam Bộ hiện nay, phù hợp cách phân vùng văn hóa của nhiều nhà khoa học.
Nội dung cuốn sách giúp người đọc hiểu biết tổng quan về hệ thống tư liệu khảo cổ học liên quan đến nghề luyện kim đồng thau đã công bố; nguồn gốc của nghề luyện kim đồng trong giai đoạn đồng – sắt sớm ở Đồng Nai với những đặc trưng riêng và mối quan hệ với các văn hóa láng giềng ở Việt Nam và Đông Nam Á; trong đó có những di tích đặc biệt như ở Long Giao (thuộc huyện Cẩm Mỹ) với các hiện vật độc đáo: Qua đồng, trút đồng, mũi giáo đồng.
Từ nội dung khảo cổ, cuốn sách xác định mối quan hệ chặt chẽ giữa di sản văn hóa với cộng đồng, kết nối việc phát huy bảo tồn giá trị di sản văn hóa khảo cổ với sự nghiệp phát triển văn hóa du lịch ở địa phương.
Ong Mật