Sau cuốn truyện thiếu nhi Mếu và Máo xuất bản năm 2018, tác giả Trâm Oanh vừa cho ra mắt bạn đọc nhỏ tuổi cuốn truyện Lũ trẻ hẻm cây khế do NXB Đồng Nai ấn hành, dày 132 trang, bìa cứng, nằm trong danh mục sách được tỉnh tài trợ xuất bản.
Sau cuốn truyện thiếu nhi Mếu và Máo xuất bản năm 2018, tác giả Trâm Oanh vừa cho ra mắt bạn đọc nhỏ tuổi cuốn truyện Lũ trẻ hẻm cây khế do NXB Đồng Nai ấn hành, dày 132 trang, bìa cứng, nằm trong danh mục sách được tỉnh tài trợ xuất bản.
Lũ trẻ hẻm cây khế viết về các bạn nhỏ sống trong con hẻm chật chội thuộc P.Bửu Long (TP.Biên Hòa). Không gian tù túng, cha mẹ kiếm ăn chật vật, đồ chơi chỉ có trái bóng nhựa rẻ tiền nhưng đám trẻ vẫn hồn nhiên như cỏ cây, học hành, vui chơi và truyền năng lượng tích cực sang tất cả những ai có dịp tiếp xúc với chúng. Hình ảnh hẻm cây khế với lối đi chỉ “rộng bốn mét, dài ngoằn ngoèo” hiện lên với dáng vẻ nửa quê nửa phố vô cùng gần gũi, bình dị mà không kém phần thi vị, lãng mạn: “Gió sông phà lên những buổi chiều tà, mát rượi đê mê… giậu mùng tơi quấn quýt những tay leo… giàn thiên lý thơm ngạt ngào mỗi sáng mai thức dậy…” (tr 78).
Ở đây có những câu chuyện nửa hư nửa thực, được thêu dệt ly kỳ quanh cây khế trái trĩu cành nhà cu Quyên, cây dương liễu nhiều… ma của bà cụ Năm, cái chết bí ẩn vì tắm sông của bà Tư… Bạn đọc thiếu nhi dễ dàng tìm thấy câu chuyện của mình trong những câu chuyện “không đụng hàng” của đám trẻ hẻm cây khế: cậu Cúp nổ chào đời đúng hôm cả con hẻm bị cúp điện, cúp nước; cu Quyên hiền lành, thật thà, có năng khiếu bình luận bóng đá và… cười; chàng Nòng Nọc mập ú với đuôi tóc dài kỳ dị, anh bạn Chuồn chuồn nói năng cà lăm, mê điện tử và vô cùng tự hào với chức… tổ phó; chú bé con lai không biết nói tiếng Việt, mới bốn tuổi đã bị gọi là Mỹ già… Bọn trẻ giúp nhau học hành, vui chơi, chia sẻ ước mơ, đôi khi nghịch dại, phạm lỗi… tạo nên một thế giới vui nhộn, lung linh màu sắc.
Bên cạnh lũ trẻ, chỉ với vài nét chấm phá của tác giả, những người lớn trong hẻm cây khế cũng hiện lên “mỗi người một vẻ” vô cùng ấn tượng: mẹ cu Quyên luôn cho rằng “tuổi thơ mà không có hình bóng của ma, quỷ là tuổi thơ bị thiệt thòi”; chú Sáu chỉ có cái thuyền đánh cá độc đáo, làm bằng ruột xe ô tô bơm căng và cái chậu nhựa “khủng” nhưng đã cứu được nhiều người đuối nước; bà Hai bán hàng tạp hóa nổi tiếng giỏi “thu tiền” của lũ nhóc nhưng hào hiệp bao dung, bỏ qua những trò láu cá của lũ nhỏ, luôn sẵn lòng cho chúng ăn kẹo miễn phí… Nhờ được sống trong bầu không khí chan hòa, giàu tình thân ái của xóm nhỏ mà lũ trẻ lớn lên khỏe mạnh cả thể chất lẫn tinh thần, hứa hẹn sẽ trở thành những con người hữu ích, lương thiện.
Không lên gân cốt, không giáo huấn khô khan, tác giả Trâm Oanh với năng lực quan sát tinh tế, thấu hiểu tâm lý trẻ em, lối viết hóm hỉnh đã khéo léo truyền đạt trong cuốn sách nhỏ những bài học nhẹ nhàng về tính trung thực, lòng dũng cảm, tình bạn, tình yêu thương gia đình… Người ta có thể sống rất vui, rất hạnh phúc mà không cần phải ăn ngon, mặc đẹp, chỉ cần có một trái tim nóng biết yêu thương và một tấm lòng biết sẻ chia với đồng loại - đó là thông điệp nhân văn mà cuốn sách Lũ trẻ hẻm cây khế gửi tới không chỉ bạn đọc nhỏ tuổi mà cho cả người lớn.
Hồng Ngọc