Báo Đồng Nai điện tử
En

Nam giới nói không với bạo lực gia đình

10:10, 19/10/2020

Nhiều nam giới trên địa bàn tỉnh đã và đang dần thay đổi nhận thức về giới, trở thành điểm tựa vững chắc cho phụ nữ và trẻ em. Tình trạng bạo lực gia đình (BLGĐ) cũng giảm đáng kể ở không ít hộ gia đình.

Nhiều nam giới trên địa bàn tỉnh đã và đang dần thay đổi nhận thức về giới, trở thành điểm tựa vững chắc cho phụ nữ và trẻ em. Tình trạng bạo lực gia đình (BLGĐ) cũng giảm đáng kể ở không ít hộ gia đình.

CLB Nam giới nói không với bạo lực gia đình KP.Long Đức 1 (P.Tam Phước, TP.Biên Hòa) tham gia liên hoan do Sở VH-TTDL tổ chức. Ảnh: My Ny
CLB Nam giới nói không với bạo lực gia đình KP.Long Đức 1 (P.Tam Phước, TP.Biên Hòa) tham gia liên hoan do Sở VH-TTDL tổ chức. Ảnh: My Ny

Để góp phần làm nên những kết quả trên phải kể đến hiệu quả từ mô hình CLB Nam giới nói không với BLGĐ. Nhờ vậy, người dân đã có chuyển biến tích cực, nhận thức đúng đắn hơn về giá trị của gia đình.

* Nam giới tiên phong

TP.Biên Hòa là một trong những địa phương nhân rộng được nhiều mô hình CLB Nam giới nói không với BLGĐ. Ngoài những buổi sinh hoạt, thành viên các CLB còn tham gia nhiều hoạt động tại cộng đồng như: giao lưu, tìm hiểu về phòng, chống bạo lực; hội thi tìm hiểu về giới, bình đẳng giới; các diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm hòa giải do thành phố tổ chức.

CLB Nam giới nói không với BLGĐ KP.Long Đức 1 (P.Tam Phước, TP.Biên Hòa) được thành lập từ năm 2015 đến nay có 15 thành viên. Qua 5 năm hoạt động, nhờ khéo léo trong công tác tuyên truyền, vận động, CLB đã góp phần thay đổi nhận thức của nhiều nam giới tại địa phương. Anh Trần Viết Thanh, Chủ nhiệm CLB cho biết, mới đầu việc thu hút các thành viên tham gia gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với những gia đình từng xảy ra bạo lực. Phần lớn người gây ra bạo lực là nam giới. Vì vậy, họ thường rất ngại tham gia.

Theo báo cáo của Công an tỉnh, từ năm 2015-2020, toàn tỉnh đã xảy ra 1.667 vụ BLGĐ, xử lý hình sự 38 vụ - 38 đối tượng; xử lý hành chính 328 vụ - 335 đối tượng; hòa giải, giáo dục ngăn chặn 1.301 vụ. Hình thức bạo lực đa số là bạo lực thân thể, nạn nhân chủ yếu là phụ nữ trong độ tuổi từ 16-59.

“Sinh hoạt chung trong CLB, các thành viên không những thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc đấu tranh xóa bỏ BLGĐ mà còn có những đóng góp tích cực đối với cộng đồng khu dân cư. Đặc biệt, có những biện pháp tích cực, phù hợp hơn trong thực thi nhiệm vụ hòa giải các vụ việc liên quan. Nhờ vậy, tình trạng BLGĐ ở địa phương đã giảm hơn so với những năm trước. Nhận thức về giới và bình đẳng giới của người dân đã có sự thay đổi rõ rệt” - anh Viết Thanh chia sẻ.

Hiệu quả của mô hình CLB Nam giới nói không với BLGĐ còn được thể hiện rõ trong từng gia đình. Ông Phạm Hùng Chi, thành viên CLB Nam giới nói không với BLGĐ H.Xuân Lộc kể, từ khi tham gia sinh hoạt trong CLB, được sự quan tâm, chia sẻ kinh nghiệm của các thành viên, ông hiểu và nhận thức đúng đắn hơn về vai trò của mình, không còn định kiến về giới. Ông học được kỹ năng ứng xử trong gia đình và trong các trường hợp xảy ra BLGĐ.

“Tôi thường xuyên trao đổi với các thành viên trong CLB, bạn bè về vấn đề gìn giữ hạnh phúc, phòng chống bạo lực để mọi người cùng thay đổi; giúp những nam giới “ngược đãi” ông bà, cha mẹ, vợ và con... hiểu BLGĐ là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý hành chính hoặc hình sự theo quy định” - ông Chi chia sẻ.

Phó chủ nhiệm CLB Nam giới nói không với BLGĐ H.Long Thành Đặng Hoàng Phúc cho biết, hoạt động của mô hình đã được thực tế chứng minh hiệu quả cũng như sự lan tỏa. Tuy nhiên, người Việt Nam ta thường có quan niệm “đẹp đẽ phô ra, xấu xa đậy lại”, nên số lượng nam giới tham gia sinh hoạt trong CLB chưa nhiều. Việc nhân rộng mô hình này cần có sự khuyến khích, quan tâm nhiều hơn để nuôi dưỡng các “hạt nhân”. Bản chất của nam giới là yêu thương, chia sẻ và luôn hướng tới những điều tốt đẹp, nếu được khuyến khích họ sẽ tích cực trong phòng, chống BLGĐ.

* Duy trì tính bền vững của mô hình

Theo báo cáo của Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở VH-TTDL), hiện toàn tỉnh có 59 CLB Nam giới nói không với BLGĐ phối hợp với 793 CLB Gia đình phát triển bền vững, 991 nhóm phòng, chống BLGĐ, 1.151 địa chỉ tin cậy cộng đồng, 170 điểm tạm lánh... Mỗi CLB có khoảng 10-30 người bao gồm: cán bộ, công an phường, xã, đoàn viên thanh niên, những người có uy tín và tiếng nói trong cộng đồng dân tộc.

Định kỳ 1-2 lần/tháng, các CLB sinh hoạt trên tinh thần tự nguyện, tổ chức các hoạt động gắn với thực tế ở cơ sở, nhằm kịp thời tư vấn, hỗ trợ, can thiệp nhằm kéo giảm các vụ việc bạo lực. Mỗi thành viên là những tuyên truyền viên, họ cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, kiến thức pháp luật về phòng, chống bạo lực; chia sẻ những cách làm hay trong xây dựng gia đình hạnh phúc... Nhờ vậy, nhận thức của những người chồng, người cha về bình đẳng giới, quyền phụ nữ và BLGĐ đã có nhiều thay đổi.

Phó giám đốc Sở VH-TTDL Nguyễn Thị Mộng Bình cho biết, nam giới không chỉ bảo vệ hạnh phúc gia đình mình mà họ còn có vai trò to lớn trong phòng, chống BLGĐ thông qua việc vận động, thuyết phục nam giới khác nói không với bạo lực. Việc huy động, khuyến khích nam giới tham gia vào các hoạt động phòng, chống bạo lực sẽ giúp họ hiểu rằng bạo lực là xâm phạm quyền con người, từ đó thấy được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc hỗ trợ gia đình và cộng đồng giải quyết vấn vạn này.

“Từ năm 2015, ngành Văn hóa triển khai thí điểm mô hình CLB Nam giới nói không với BLGĐ. Đến nay, mô hình này đã cho thấy những hiệu quả tích cực, được duy trì bền vững, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng. Tuy nhiên, để nhân rộng hơn nữa CLB Nam giới nói không với BLGĐ, thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục thành lập thêm nhiều CLB mới ở cơ sở; chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động của các mô hình. Tổ chức những khóa tập huấn, liên hoan tạo điều kiện cho nam giới tham gia giao lưu; lồng ghép sinh hoạt với các mô hình khác...” - bà Nguyễn Thị Mộng Bình chia sẻ.

Phòng, chống BLGĐ là việc làm cần thiết, cần được duy trì thường xuyên và liên tục. Thành lập và duy trì hoạt động của CLB Nam giới nói không với BLGĐ còn hướng đến mục đích giúp cho nam giới không còn bị nhìn nhận là đối tượng gây ra bạo lực nữa mà đang nỗ lực, đồng lòng chung tay vun đắp cho tổ ấm gia đình hạnh phúc.               

My Ny

Tin xem nhiều