Cuộc sống hiện đại, phụ nữ hôm nay không chỉ "giỏi việc nước, đảm việc nhà" mà nhiều người còn rất đam mê nghệ thuật. Nghệ thuật mang đến cho họ niềm vui trong tâm hồn và cả trong cuộc sống.
Cuộc sống hiện đại, phụ nữ hôm nay không chỉ “giỏi việc nước, đảm việc nhà” mà nhiều người còn rất đam mê nghệ thuật. Nghệ thuật mang đến cho họ niềm vui trong tâm hồn và cả trong cuộc sống.
Cô Nguyễn Thị Ánh hướng dẫn học trò luyện tập bộ môn đàn tỳ bà. Ảnh: Ly Na |
1. Đến với đờn ca tài tử (ĐCTT) khi đã ngoài 30 tuổi nhưng tài tử Kim Chi (tên thật là Nguyễn Ngọc Nữ, ngụ tại TT.Long Thành, H.Long Thành) vẫn luôn dành tình yêu đặc biệt cho loại hình nghệ thuật truyền thống này. Không chỉ dày công khổ luyện giọng ca, đưa nghệ thuật đến với mọi người, hơn 10 năm qua, chị còn tích cực tham gia các hoạt động phong trào, có nhiều việc làm thiết thực trong gìn giữ, bảo tồn nét đẹp văn hóa.
Chị Kim Chi cho biết, bắt đầu từ năm 2009, chị theo chân các tài tử trong TT.Long Thành học đờn và ca, tham gia vào CLB ĐCTT của thị trấn. Thời gian đầu, chị chỉ diễn một vài câu vọng cổ, một vài bản ngắn trong các buổi giao lưu, luyện tập. Nhiều người nhận xét, chị có chất giọng ngọt ngào nên những bản tài tử, cải lương do chị thể hiện lúc mượt mà, êm ái, thiết tha, lúc lại khỏe khoắn, tạo nhiều cảm xúc cho người nghe. Tiếng lành đồn xa, chị được mời tham gia nhiều chương trình văn nghệ, hội thi, giao lưu tài tử, cải lương trong và ngoài tỉnh.
Cũng bởi hoạt động nghệ thuật tự do và tích cực tham gia phong trào, chị Kim Chi đi nhiều nơi, được hát, được thể hiện đam mê trên sân khấu. Bên cạnh đó, chị còn đi biểu diễn phục vụ bà con vùng sâu, vùng xa trong tỉnh; biểu diễn trong các chương trình từ thiện ngoài tỉnh. Những lúc rảnh rỗi, chị sẵn sàng hướng dẫn những điều mình biết, mình hiểu về ĐCTT cho bạn bè hay thanh thiếu niên muốn học và có đam mê với nghệ thuật.
“Dù cuộc sống hôm nay phát triển nhưng với người dân Biên Hòa - Đồng Nai nói riêng và Nam bộ nói chung, ĐCTT vẫn là một món ăn tinh thần. Tôi thường biểu diễn những bản tài tử lấy cảm hứng từ đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất; về tình yêu đôi lứa, quê hương, gia đình. Những bài, bản ấy luôn hướng mọi người đến lối sống nhân ái, biết yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau và biết yêu lao động để xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn” - chị Chi chia sẻ.
2. Gần 30 năm công tác tại Trường trung cấp Văn hóa - nghệ thuật Đồng Nai, cô Nguyễn Thị Ánh (Khoa Âm nhạc truyền thống) luôn giữ được ngọn lửa tình yêu nhạc cụ truyền thống với các thế hệ học sinh. Cô Ánh vốn sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, năm 17 tuổi, cô trúng tuyển vào Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam), theo học chuyên ngành Đàn tỳ bà.
Ra trường, cô Ánh chọn Đồng Nai làm nơi công tác và theo đuổi đam mê nghệ thuật. Cô kể, những năm 1980, đời sống của người dân ở Đồng Nai còn nhiều khó khăn, bộ môn âm nhạc truyền thống chưa được người dân quan tâm. Vì vậy, ngoài giờ dạy học trên lớp, cô cùng với các ban nhạc đi biểu diễn nhiều nơi, vừa kiếm tiền trang trải cuộc sống, vừa hy vọng nhiều người biết đến nhạc cụ truyền thống và theo đuổi nghệ thuật như cô.
Những năm gần đây, âm nhạc truyền thống ở Trường trung cấp Văn hóa - nghệ thuật Đồng Nai được chú trọng. Số lượng học sinh đăng ký theo học khả quan hơn. Học sinh vào Khoa Âm nhạc truyền thống hầu hết là con em của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Bởi thế, việc dạy nhạc cho các em gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khi ngôn ngữ tiếng Việt của một số em còn hạn chế; điều kiện gia đình các em còn nhiều khó khăn. Vậy nên, để khơi dậy tình yêu, đam mê âm nhạc truyền thống cho các em khá vất vả.
“Đó là một thách thức đòi hỏi giáo viên phải kiên nhẫn, tìm tòi, đổi mới phương pháp dạy học để tạo hứng thú, lôi cuốn các em. Nếu giáo viên nản chí sẽ rất khó để theo đuổi nghề này và truyền lửa cho học sinh” - cô Ánh bộc bạch.
Dưới sự dạy bảo và hướng dẫn của cô Ánh, nhiều lứa học trò của cô đã tham gia các cuộc thi tài năng khu vực và toàn quốc. Các em đã mang về nhiều huy chương vàng, bạc, đem vinh dự về cho bản thân và nhà trường. Nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp đã trở thành những giáo viên dạy giỏi trong các cơ sở giáo dục…
3. Đam mê nghệ thuật từ khi còn là cô nữ sinh, chị Phạm Quỳnh (ngụ tại KP.3, P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) từng theo học tại khoa gốm Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai. Sau khi ra trường, thử sức với nhiều vị trí khác nhau (dạy mỹ thuật, thiết kế…), chị nhận ra mình có duyên với luyện chữ đẹp, dạy vẽ tranh giấy và màu nước 3D.
Chị Phạm Quỳnh hướng dẫn học viên vẽ tranh tại KP.3, P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa |
Với chị Quỳnh, thiên nhiên (hoa lá và cây cỏ) luôn là đề tài chủ đạo được chị lựa chọn để đưa vào tác phẩm. Hiện tại, ngoài các lớp dạy vẽ tranh giấy tại nhà, chị còn mở các lớp vẽ màu nước 3D online. Chị cho rằng, cách học này rất phù hợp trong thời điểm tình hình dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp.
Ở tuổi 39, mặc dù không tham gia các sân chơi nghệ thuật chuyên nghiệp nhưng với chị Quỳnh, được chia sẻ đam mê với cộng đồng đã là niềm vui và hạnh phúc to lớn. Trong niềm vui và hạnh phúc ấy, chị được chồng và 2 con ủng hộ nhiệt tình, tạo điều kiện để lan tỏa nghệ thuật hội họa đến mọi người.
Nói về dự định sắp tới, chị Quỳnh cho biết sẽ mở thêm các lớp vẽ màu nước 3D; đồng thời kết hợp hội họa với nghề làm gốm của Biên Hòa - Đồng Nai. Chị hy vọng, một khi kết hợp giữa vẽ màu nước 3D với nghề làm gốm Biên Hòa, sản phẩm gốm sẽ được “thăng hoa”, từ đó góp sức bảo tồn và phát huy nghề truyền thống của Đồng Nai.
Ly Na