Buổi sáng tháng 9, mùa thu phương Nam không rực rỡ nắng vàng như mùa thu xứ Bắc. Tiếng hát của cô ca sĩ mà tôi yêu thích vang lên, khắc khoải, day dứt: Không thể và có thể của nhạc sĩ Phó Đức Phương ….
Buổi sáng tháng 9, mùa thu phương Nam không rực rỡ nắng vàng như mùa thu xứ Bắc. Tiếng hát của cô ca sĩ mà tôi yêu thích vang lên, khắc khoải, day dứt: Không thể và có thể của nhạc sĩ Phó Đức Phương
….
Người nhạc sĩ tài hoa đã ra đi, như chiếc lá đã xanh hết thời gian của lá, đã cống hiến cho đời những tươi mát, ngọt lành và bây giờ úa vàng, rơi vào lòng đất. Gia đình ông, những người yêu nhạc của ông, trong đó có tôi không thể giữ ông lại, đành ngậm ngùi nhìn ông bay về trời. Nhưng những giai điệu trữ tình mà ông để lại, khi mênh mang, mềm như dải sông quê, khi nóng bỏng như mặt trời mùa hạ, khi sâu thẳm như nỗi nhớ người yêu thì không phải là có thể mà chắc chắn sẽ còn mãi.
Ngồi bên cửa sổ, nhìn mây xám bay qua, tôi bần thần nghĩ đến ông, một nhạc sĩ đáng kính mà tôi chưa một lần được gặp. Lâu lắm rồi, vào tuổi thanh xuân, tôi đã nhiều lần cùng tốp nữ hát Những cô gái quan họ trong những dịp hội diễn văn nghệ tưng bừng của sinh viên. Chúng tôi đã vô cùng ái mộ ông, một người viết nhạc chắt từ trái tim mình ra những ca từ, giai điệu như không thể đẹp hơn, gợi hơn về những miền quê dân dã, an bình.
Nghe nhạc của ông, bất cứ ai cũng có thể nhìn thấy ngôi nhà xưa yêu dấu, nhìn thấy liêu xiêu bóng mẹ, bóng chị mình, cảm nhận được vị đắm say của hạnh phúc lứa đôi trong buổi đầu hò hẹn. Nhạc của ông như làn gió mát lành làm dịu những đớn đau, giằng xé vì mất mát, vì những lựa chọn nghiệt ngã mà ai cũng từng trải qua.
Tôi không may mắn được sống trọn vẹn tuổi thơ nơi quê nhà giống y bức họa đồng quê được vẽ bằng giai điệu trong ca khúc Về quê của ông. Chiến tranh đã thổi bạt gia đình nhỏ của tôi đến những vùng đất mới. Những bản nhạc như sinh ra từ ruộng đồng, từ hương lúa ngạt ngào của người nhạc sĩ đã bao lần làm tôi thổn thức vì nỗi niềm của người con xa xứ. Thiếu quê hương ta về, ta về đâu? Thiếu quê hương cũng như thiếu cha mẹ, con người sẽ côi cút, mong manh biết nhường nào trước sóng gió cuộc đời.
Những ca khúc như lời tự sự của ông về cuộc sống, về những giá trị vĩnh hằng sẽ còn da diết, xao động mãi cùng năm tháng. Và tôi tin rằng thời gian trôi qua, nó sẽ lắng hơn, khắc khoải, thôi thúc hơn.
Sinh thời, ông từng lận đận, tận tâm với nghề, với cả việc làm sao để người nhạc sĩ chân chính không bị thiệt thòi, bằng trí tuệ, công sức của mình, ông đã trả lại sự công bằng cho nhiều nhạc sĩ cũng như ông, cống hiến không mệt mỏi. Khi nằm xuống, ông vẫn là người nhạc sĩ có cuộc đời bình dị, dù với tên tuổi, trí tuệ cùng những đóng góp cho nhạc Việt, ông xứng đáng có được một cuộc sống đủ đầy, sung túc hơn.
Tôi tin rằng rất nhiều người, cũng như tôi nghiêng mình trước tài năng, nghị lực, tình yêu cuộc sống, lòng tự trọng cũng như nhân cách nghệ thuật riêng biệt, không trộn lẫn của ông. Xin cảm ơn ông, một trong những nhân cách lớn, tài năng lớn của âm nhạc Việt…
Hoàng Ngọc Điệp