Đề tài về lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng là dòng chảy không ngừng nghỉ trong văn học - nghệ thuật (VHNT) nhiều năm qua. Sáng tác về người lính, các tác giả Đồng Nai đã xây dựng những tấm gương cao đẹp qua lời ca, điệu múa, câu chuyện, hình ảnh... chân thực và xúc động.
Đề tài về lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng là dòng chảy không ngừng nghỉ trong văn học - nghệ thuật (VHNT) nhiều năm qua. Sáng tác về người lính, các tác giả Đồng Nai đã xây dựng những tấm gương cao đẹp qua lời ca, điệu múa, câu chuyện, hình ảnh... chân thực và xúc động.
Họa sĩ Đào Tấn Hưng bên tranh ghép gốm Tia chớp về đề tài Công an nhân dân Đồng Nai. Ảnh: My Ny |
Đặc biệt, nhiều sáng tác về đề tài công an nhân dân (CAND) thời gian gần đây đã đoạt được các giải thưởng lớn tại liên hoan, hội thi, hội diễn trong và ngoài tỉnh. Đây rõ ràng là một bước phát triển rất mạnh mẽ cả về số lượng lẫn chất lượng và đề tài về các tác phẩm VHNT của Đồng Nai.
* Thành công từ mảng đề tài lớn...
Đầu tháng 8 này, Bộ Công an phối hợp với Bộ VH-TTDL và Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức trao giải Liên hoan sân khấu về hình tượng người chiến sĩ CAND năm 2020. Mặc dù Đồng Nai không tham gia liên hoan nhưng trong số huy chương được trao cho các vở diễn và nghệ sĩ, Đồng Nai có 2 vở cải lương do NSƯT Quế Anh, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai chuyển thể (vở Nhân danh công lý) và viết kịch bản (vở Hồi sinh).
NSƯT Quế Anh cho biết, chị rất bất ngờ khi 2 vở diễn đề tài CAND do chị thực hiện được các đơn vị nghệ thuật biểu diễn đoạt được các giải cao. Vở Nhân danh công lý do Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang (TP.HCM) dàn dựng và biểu diễn ngoài đoạt huy chương vàng vở diễn, còn đoạt 3 huy chương vàng, 5 huy chương bạc cho diễn viên. Vở diễn Hồi sinh do Đoàn cải lương Hải Phòng biểu diễn cũng đoạt 1 huy chương vàng, 3 huy chương bạc cho nghệ sĩ.
CAND là một mảng đề tài lớn và là thử thách đối với lĩnh vực sáng tác VHNT. Tại Đồng Nai, mảng đề tài này đã và đang nhận được sự quan tâm của đông đảo văn nghệ sĩ, nhưng để có những tác phẩm có giá trị là điều không dễ. Mong muốn của văn nghệ sĩ là trong thời gian tới chủ đề sáng tác về CAND sẽ được quan tâm nhiều hơn, khơi nguồn cảm hứng trong sáng tác. Từ đó góp phần tạo hiệu ứng xã hội tích cực, giúp cho công chúng, bạn đọc thêm tự hào về truyền thống của cán bộ, chiến sĩ công an nói riêng, lực lượng vũ trang nói chung. |
“Đưa đề tài CAND lên sân khấu cải lương là ấp ủ từ lâu của tôi. Những câu chuyện thực tế đời thường của người chiến sĩ công an là nguồn cảm hứng để tôi viết kịch bản và chuyển thể thành công trên sân khấu cải lương. Tôi thấy bản thân mình ít nhiều có duyên với mảng đề tài đặc biệt này. Tôi tin rằng, những câu chuyện đẹp về CAND trong cải lương khi được biểu diễn, công chiếu rộng rãi sẽ tạo được lan tỏa rộng hơn trong cộng đồng” - NSƯT Quế Anh chia sẻ.
Họa sĩ Đào Tấn Hưng mới đây đã thực hiện tác phẩm tranh ghép gốm Tia chớp để tham gia Cuộc thi sáng tác tranh hội họa về các điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt trong CAND. Tác phẩm là câu chuyện về thiếu tá Nguyễn Trọng Vinh (Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động, Phòng PKO2 - Công an Đồng Nai). Đồng chí Vinh là một trong những tấm gương có 5 năm liền đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở, điển hình tiên tiến giai đoạn 2015-2020, tham gia triệt phá nhiều vụ án lớn...
Họa sĩ Tấn Hưng cho biết, rất lâu rồi ông mới có cơ hội tiếp xúc với gương điển hình trong lực lượng Công an Đồng Nai. Khi được giới thiệu về tấm gương đồng chí Nguyễn Trọng Vinh, ông đã đến gặp gỡ và trò chuyện để xây dựng ý tưởng sáng tạo tác phẩm. “Tôi trăn trở rất nhiều khi thực hiện tác phẩm Tia chớp. Cuối cùng, tôi chọn dòng tranh ghép gốm - một dòng tranh nổi tiếng của Đồng Nai để thể hiện. Tôi dành thời gian 1 tuần, làm liên tục mới hoàn chỉnh tác phẩm” - họa sĩ Tấn Hưng nói.
Trong Hội diễn nghệ thuật quần chúng CAND năm 2020 - khu vực V diễn ra tại tỉnh Cà Mau vừa qua, tiết mục múa Dệt mãi niềm tin do nghệ sĩ Lâm Đại (Hội VHNT Đồng Nai) biên đạo cũng đã đoạt giải B. Nghệ sĩ Lâm Đại cho rằng, múa cũng như các loại hình nghệ thuật khác khi thực hiện đề tài CAND thường rất khó, bởi đây là mảng đề tài lớn, cần khai thác một cách có chiều sâu. Hình ảnh người chiến sĩ công an thường “khô cứng”, người nghệ sĩ phải chuyển tải trong nghệ thuật sao cho mềm mại, không mang tính hô hào, khẩu hiệu mới có thể hấp dẫn khán giả.
Cần hơn nữa những
trải nghiệm thực tế
Sáng tác đề tài CAND thể hiện trách nhiệm, cống hiến của văn nghệ sĩ nhằm tôn vinh, cổ vũ, tiếp thêm sức mạnh để lực lượng công an hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ. Mặc dù có nhiều tác phẩm đoạt giải cao nhưng nhìn một cách khách quan, các sáng tác về đề tài CAND của các văn nghệ sĩ Đồng Nai thời gian qua vẫn còn khá thưa vắng.
Lý giải nguyên nhân, họa sĩ Đào Tấn Hưng cho rằng, văn nghệ sĩ Đồng Nai chưa có nhiều chuyến đi thực tế tại các đơn vị công an trên địa bàn tỉnh nên chưa đủ thời gian thâm nhập, ấp ủ những sáng tác đạt giá trị nghệ thuật cao. “Tôi rất hy vọng sau những tác phẩm về đề tài CAND vừa qua, văn nghệ sĩ tỉnh nhà sẽ được tham gia nhiều chuyến thực tế tại các đơn vị để có thêm cơ hội sáng tác những tác phẩm hay, đáp ứng nhu cầu của công chúng” - họa sĩ Tấn Hưng nói.
Theo Hội VHNT Đồng Nai, thời gian qua, Hội đã tổ chức các trại sáng tác đề tài lực lượng vũ trang, biển đảo Việt Nam, đi thực tế ở một số doanh trại quân đội... nhưng chưa đủ nhiều. Và số lượng văn nghệ sĩ tham gia các trại sáng tác này vẫn còn hạn chế. NSƯT Bích Ngọc (Hội VHNT tỉnh) cho rằng, để có cảm hứng sáng tác, nhất là những tác phẩm có chất lượng cao, ngoài tài năng của mỗi người cần phải có sự cọ xát thực tế, sự trải nghiệm, gặp gỡ, chia sẻ những câu chuyện... để văn nghệ sĩ phát huy hết khả năng sáng tạo.
“Văn nghệ sĩ luôn tin tưởng, một khi được tạo điều kiện để tiếp cận với mảng đề tài CAND sâu hơn, rộng hơn thì sẽ đáp lại bằng những tác phẩm VHNT có giá trị, phản ánh sinh động về cuộc sống, lao động, chiến đấu vẻ vang của lực lượng CAND Đồng Nai nói riêng, cả nước nói chung” - NSƯT Bích Ngọc bày tỏ.
My Ny