Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai vừa dàn dựng xong vở cải lương Huyết bào, tác giả kịch bản và đạo diễn NSƯT Quế Anh.
Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai vừa dàn dựng xong vở cải lương Huyết bào, tác giả kịch bản và đạo diễn NSƯT Quế Anh.
Một cảnh trong vở cải lương Huyết bào do nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai biểu diễn. Ảnh: L.Na |
Một lát cắt lịch sử mà nhân vật chính là vua Trần Duệ Tông được kể theo phong cách mới, hiện đại, trẻ trung và hấp dẫn khán giả ngày nay.
* Nổi bật bài học bảo vệ Tổ quốc
Huyết bào kể câu chuyện về vua Trần Duệ Tông - vị hoàng đế duy nhất trong lịch sử Việt Nam bị tử trận khi đương quyền. Năm 1376, vua Chiêm là Chế Bồng Nga mang quân xâm lấn Đại Việt. Trần Duệ Tông sai Đỗ Tử Bình đi đánh. Chế Bồng Nga sợ hãi, xin dâng 10 mâm vàng tạ tội. Nhưng Tử Bình giấu vàng đi, lại tâu về triều rằng vua Chiêm kiêu ngạo không thần phục. Duệ Tông nổi giận, quyết định thân chinh đi đánh.
Các quan đại thần: Đỗ Lễ, Lê Tích can ngăn không nên thân chinh nhưng Duệ Tông Hoàng đế không nghe. Ông đưa 12 vạn quân tiến vào đất Chiêm. Chế Bồng Nga lập đồn giữ ngoài thành, rồi cho người đến trá hàng, nói với Duệ Tông rằng Chế Bồng Nga đã bỏ thành trốn. Duệ Tông tiếp tục cho quân tiến sâu đất Chiêm, giặc thừa cơ xông ra đánh chặn, nhà vua bị hãm trong trận mà chết, các tướng triều đình đều chết cả.
Giám đốc Sở VH-TTDL Lê Kim Bằng cho biết: “Mặc dù lựa chọn đề tài lịch sử nhưng Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai đã làm mới câu chuyện thông qua nghệ thuật cải lương. Vở diễn Huyết bào khi được công chiếu rộng rãi chắc chắn sẽ kích thích những người trẻ tìm hiểu về lịch sử, nhận ra truyền thống dân tộc, hồn cốt người Việt thấm đẫm từ quá khứ đến hiện tại”. |
Từ câu chuyện nóng vội đánh giặc ngoại xâm của vua Trần Duệ Tông, Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai đã làm bật lên bài học lịch sử: đánh giặc cũng như đánh cờ, có khi phải tạm nhường mấy nước miễn sau cùng giành phần thắng. Và trong giai thoại trên, tướng Đỗ Lễ đã học được điều này, ra sức khuyên can nhà vua. Tiếc rằng, vua Trần Duệ Tông “bất chấp” lời can ngăn và cuối cùng chính ông đã phải trả cái giá quá đắt là mạng sống cùng với sự suy sụp của nhà Trần.
Bên cạnh làm nổi bật hình ảnh vua Trần Duệ Tông (nghệ sĩ Khánh Dư đóng) có lòng dũng cảm, mong muốn chấn hưng Đại Việt, dẹp yên thù trong, giặc ngoài thì vở Huyết bào còn lồng ghép nhiều câu chuyện xung quanh. Đó là câu chuyện trung thành với vua và đất nước của Đỗ Lễ (nghệ sĩ Linh Khánh), Lê Tích (nghệ sĩ Hoài Minh), Lê Trung (nghệ sĩ Đông Nguyên); là câu chuyện về sự phản bội của tướng quân Đỗ Tử Bình (nghệ sĩ Thành Vinh); hay đó là câu chuyện tình yêu - tri kỷ giữa hoàng đế với Bích Châu hoàng hậu (nghệ sĩ Phương Thảo)…
Theo NSƯT Quế Anh, Giám đốc nhà hát, dựng một tác phẩm sân khấu cải lương về đề tài lịch sử, cái khó nhất là làm sao để tác phẩm bớt khô khan. Với Huyết bào, người xem có thể nhận ra sự phối hợp giữa các thủ pháp nghệ thuật, sân khấu, âm nhạc… trong xử lý vấn đề này. Vua Trần Duệ Tông hiện lên tấm gương về lòng yêu nước, ý chí giành độc lập tự do, tinh thần tự cường, tự tôn dân tộc. Đặc biệt là sân khấu phát huy tối đa màn hình Led, mang lại hiệu quả thị giác rất “điện ảnh”, nhất là trường đoạn gay cấn về cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, khi mà trước mắt khán giả là hình ảnh rừng núi, máu, lửa, cờ, hoa...
* Sân khấu đẹp, diễn viên tròn vai
Trong xu hướng “kịch hóa sân khấu”, khi mà các lời thoại luôn chiếm ưu thế thì Huyết bào làm thỏa mãn người yêu mến bằng những lời ca. Nghệ sĩ trẻ Khánh Dư vào vai chính vua Trần Duệ Tông nổi bật với giọng ca khỏe, hào hùng; Phương Thảo, Sang Sang với ngọt ngào và nhiều cảm xúc. Trong khi đó, nghệ sĩ Linh Khánh vào vai tướng Đỗ Lễ rất đạt. Từ giọng nói, lời ca, điệu chỉ tay hay từng bước chân đặc trưng của sân khấu cải lương, cho tới cái thần thái… các nghệ sĩ đã hóa thân trọn vẹn, hoàn thành vai diễn khiến người xem hào hứng.
ThS Nguyễn Ngọc Khoa, thành viên Hội đồng nghệ thuật Sở VH-TTDL cho biết, nếu như trước đây, kết thúc của các vở cải lương đều có hậu thì đây là lần đầu tiên Đồng Nai xây dựng một vở diễn kết thúc bi tráng, đẫm máu và nước mắt. “Bi kịch bi tráng của Huyết bào, cộng với sân khấu đẹp, diễn viên giỏi… đã góp phần xây dựng một hình tượng đẹp, chắc chắn về một lát cắt trong triều đại nhà Trần. Đặc biệt, diễn biến của nhân vật Đỗ Tử Bình - vị tướng đầu đến gần cuối luôn là người trung với vua nhưng cuối cùng lại là kẻ phản bội đã tạo bất ngờ, thể hiện được lòng người đa đoan, khó đoán” - ThS Ngọc Khoa chia sẻ.
Theo nhạc sĩ Trần Tâm, thành công của Huyết bào có sự kết hợp nhiều yếu tố, từ xây dựng kịch bản tốt, đến lối ca diễn ấn tượng. Sân khấu đa phương tiện với kỹ xảo được sử dụng nhuần nhuyễn cũng góp phần không nhỏ tạo sự hiện đại, hoành tráng cho vở diễn. Diễn viên đều tròn vai dù đây là một đề tài rất khó nhớ lời thoại, đặc biệt là vai vua Trần Duệ Tông và vai Bích Châu hoàng hậu. Nhạc sĩ Trần Tâm nhấn mạnh: “Những thước phim đẹp, chất lượng nghệ thuật cao về cảnh hoàng cung, núi rừng, dòng suối, trận mạc, những ngọn lửa… được lồng vào nhau tạo chiều sâu và cảm giác thật cho người xem”.
Với thời lượng gần 90 phút, tiết tấu vở cải lương Huyết bào được đẩy nhanh hơn, nóng hơn và cường độ biểu diễn trên sân khấu đã tạo được những mảng, miếng cuốn hút, không bị dàn trải, với bố cục chặt chẽ từ mở màn đến khi kết thúc. Nhiều thành viên Hội đồng nghệ thuật Sở VH-TTDL hy vọng rằng, vở diễn sẽ giúp người xem hiểu sâu sắc hơn về lịch sử chống giặc ngoại xâm oai hùng của ông cha ta. Tầng sâu lịch sử của vở diễn đã và đang tạo nên nét đẹp riêng cho cải lương Đồng Nai, để mỗi người luôn cảm thấy tự hào và trân quý. Qua đó, lưu giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp trong truyền thống văn hóa, lịch sử của dân tộc.
Ly Na