Báo Đồng Nai điện tử
En

Đọc sách online: Xu hướng tất yếu

10:08, 21/08/2020

Tiện ích, nhanh chóng là hiệu quả dễ thấy khi bạn đọc tiếp cận với hệ thống sách điện tử (ebook) và sách nói (audiobook). Với sự hỗ trợ từ điện thoại thông minh, máy tính... những người yêu thích đọc sách nhưng không có điều kiện mua sách thường xuyên có thể đọc sách qua mạng.

Tiện ích, nhanh chóng là hiệu quả dễ thấy khi bạn đọc tiếp cận với hệ thống sách điện tử (ebook) và sách nói (audiobook). Với sự hỗ trợ từ điện thoại thông minh, máy tính... những người yêu thích đọc sách nhưng không có điều kiện mua sách thường xuyên có thể đọc sách qua mạng.

Chị Như Quỳnh đọc sách trên điện thoại thông minh
Chị Như Quỳnh đọc sách trên điện thoại thông minh

Không chỉ trong đợt dịch Covid-19 bùng phát đọc sách online mới nở rộ mà trước đây ở Đồng Nai, một bộ phận người dân đã duy trì thói quen đọc sách thông qua hình thức online này.

* Tiện ích, nhanh chóng

Chỉ cần gõ sách online, đọc truyện online... trên Google, bạn đọc sẽ tìm được rất nhiều website đăng tải sách, thoải mái lựa chọn cho mình những cuốn sách phù hợp. Việc tiếp cận kho sách này khá thuận lợi, chỉ cần có thiết bị kết nối internet, bạn đọc có thể cầm cả một “kho sách” trên tay, đọc ở mọi lúc mọi nơi, đặc biệt là có thể tương tác với tác giả hoặc những người có cùng sở thích về tác phẩm. Các đầu sách được nhiều website đăng tải rộng rãi, thậm chí cho người dùng miễn phí hoặc chỉ thu một khoản phí nhỏ để trả tiền tác quyền nên thu hút hàng vạn lượt người theo dõi.

Nếu là người yêu thích văn học Việt Nam, văn học phương Tây hay các tiểu thuyết ngôn tình thì có thể đọc trên truyenngan.com, gacsach.com, sachvui.com. Nếu là người yêu thích các loại sách kinh điển đông tây kim cổ, tiểu thuyết, bạn sẽ tìm thấy trang thuquan.net hoặc wattpad.com; ibooks, Vina reader, Tea book... Đặc biệt, nếu bạn lười đọc online, hoặc đối tượng là người khiếm thị, bạn có thể tìm đến với Kho sách nói, Queen Voice, AudioBookGood, Radio Saigon...

Với các ứng dụng sách online có trả phí, hầu hết đều khuyến khích người đọc đăng ký thành viên, ở đó họ có nhiều chế độ ưu đãi như giảm giá giao dịch hay các phần thưởng khuyến mãi. Do vậy, sách điện tử không chỉ thu hút giới trẻ mà số người lớn tuổi quan tâm đến loại sách này cũng ngày càng gia tăng.

Được thành lập vào năm 1976, đến năm 2006, Thư viện tỉnh bắt đầu chuyển sang thư viện điện tử. Hệ thống thư viện điện tử tích hợp của Đồng Nai được đầu tư và tiến hành đồng loạt ứng dụng 8 phân hệ gồm: quản trị hệ thống, bổ sung tài liệu, biên mục, quản lý bạn đọc và lưu thông, báo và tạp chí, kiểm kê, opac, mượn liên thư viện vào quản lý toàn bộ các hoạt động chuyên môn. Năm 2013, Thư viện tỉnh thực hiện thư viện điện tử trên nền điện toán đám mây. Hiện tại, Thư viện tỉnh đã và đang đổi mới hình thức phục vụ bạn đọc bằng cách giới thiệu sách, thực hiện các video, thu âm phát trên mạng xã hội để phục vụ bạn đọc.

Chị Đỗ Thị Ngọc Dung, quản lý thư viện TP.Biên Hòa cho biết, sách điện tử ra đời không có nghĩa sách ở thư viện truyền thống bị bỏ quên, mà đây là cách giúp làm phong phú, dồi dào nguồn sách cho bạn đọc lựa chọn. Ở sách điện tử, người đọc có thể dễ dàng cùng một lúc tra cứu các nội dung liên quan được nhắc đến trong sách như: xem một đoạn phim, nghe một đoạn nhạc hay tìm hiểu các nhân vật, sự kiện lịch sử, văn hóa...

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, việc “căng mắt” đọc sách trên điện thoại, máy tính quá lâu sẽ ảnh hưởng đến thị giác. Dần dần nhược điểm này được hạn chế khi nhiều thiết bị chuyên để đọc sách online ra đời, tiện dụng cho người đọc như: cỡ chữ to, màn hình đen trắng tránh lóa mắt, dấu lật trang thuận tiện.

Cũng bởi là sách online, nên khi chọn sách, người đọc cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng để tránh “lạc” vào những tác phẩm không phù hợp tâm lý, độ tuổi hay những tác phẩm chưa được phép xuất bản. “Trên điện thoại, tôi tải các ứng dụng sách điện tử và đọc mỗi ngày cùng con trai. Sách online rất thuận tiện nhưng mỗi khi có cuốn sách hay xuất bán, tôi vẫn mua bản giấy, vừa đọc vừa lưu trữ. Với tôi, việc lựa chọn đọc sách điện tử hay sách giấy không quan trọng. Bởi khi đã hình thành thói quen đọc mỗi ngày, những điều đọc được đều trở thành vốn sống phong phú cho bản thân” - chị Như Quỳnh, chuyên viên Sở VH-TTDL chia sẻ.

* Đẩy mạnh mô hình đọc sách online

Trong đợt dịch Covid-19 này, hoạt động phục vụ bạn đọc trực tiếp ở Thư viện tỉnh cũng không xuyên suốt. Có những thời điểm, thư viện phải tạm ngưng phục vụ bạn đọc để phòng, chống dịch bệnh. Thư viện tỉnh đã chuyển đổi hình thức phục vụ bằng thực hiện các video về những cuốn sách hay, sau đó đọc và phát trên website, YouTube và Facebook của thư viện với mong muốn sẽ có ít nhất một cuốn sách được đọc thành tiếng và giới thiệu đến người xem, người nghe bằng cách trực quan, sinh động nhất có thể.

Website ebook được nhiều bạn đọc lựa chọn tìm kiếm và đọc sách
Website ebook được nhiều bạn đọc lựa chọn tìm kiếm và đọc sách

Các cuốn sách được Thư viện tỉnh giới thiệu online như: Đừng bừa bộn thế thuộc bộ sách Khủng long nhỏ bỏ thói quen xấu do NXB Giáo dục ấn hành; Tắm rửa sạch sẽ nào do NXB Kim Đồng ấn hành; 101 điều em muốn biết - Vũ trụ diệu kỳ của NXB Hồng Bàng... Mặc dù các video Thư viện tỉnh thực hiện chưa thật chuyên nghiệp, song bằng giọng đọc truyền cảm, ấm áp của chính những nhân viên thư viện; nội dung các cuốn sách được biên tập cô đọng, súc tích cùng hình ảnh minh họa bắt mắt, nhiều clip đã thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo độc giả.

Theo Giám đốc Thư viện tỉnh Nguyễn Ngọc Thành, thực hiện nhiều giải pháp nhằm duy trì phong trào đọc sách trong dịch bệnh Covid-19, ngoài việc tổ chức cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc, thư viện cũng tăng cường giới thiệu sách trên website thư viện. Đặc biệt, Thư viện tỉnh tìm kiếm những cuốn sách hay, đọc và viết giới thiệu, thu âm, dựng thành clip hoàn chỉnh để đăng tải lên mạng xã hội. Cách làm này hy vọng không những nuôi dưỡng thói quen đọc sách của bạn đọc mà còn giúp các bậc phụ huynh hiểu thêm về kỹ năng đọc sách cho trẻ tại nhà.

Thường xuyên theo dõi các tác phẩm mới giới thiệu cho thiếu nhi của Thư viện tỉnh tại YouTube, chị Hoàng Thị Huế (P.Tân Tiến, TP.Biên Hòa) cho rằng, hầu hết các video của Thư viện tỉnh chị đều mở hết cho con trai cùng đọc và nghe. “Thư viện lựa chọn sách rất kỹ để giới thiệu vừa ngắn gọn, vừa cô đọng nội dung. Hơn nữa, các hình ảnh trên video nhẹ nhàng, giọng đọc lôi cuốn. Con tôi học thêm và biết thêm được nhiều điều thú vị từ việc nghe và đọc sách online”  - chị Huế nói.

Ly Na

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích