Bên cạnh việc đưa đề tài xã hội đương đại vào sân khấu cải lương nhằm đổi mới nội dung, hình thức phục vụ khán giả, vài năm trở lại đây, Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai (nhà hát) cũng chú trọng xây dựng nhiều trích đoạn cải lương tái hiện những câu chuyện, nhân vật lịch sử.
Bên cạnh việc đưa đề tài xã hội đương đại vào sân khấu cải lương nhằm đổi mới nội dung, hình thức phục vụ khán giả, vài năm trở lại đây, Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai (nhà hát) cũng chú trọng xây dựng nhiều trích đoạn cải lương tái hiện những câu chuyện, nhân vật lịch sử.
Trích đoạn Khí tiết Trần Bình Trọng do nghệ sĩ Nguyễn Phước Dư biểu diễn. Ảnh: L.Na |
Nhiều câu chuyện lịch sử được nghệ sĩ, diễn viên của nhà hát thể hiện sáng tạo, đưa ra những bài học thực tiễn, có tính thời sự trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước hôm nay.
* Làm mới đề tài lịch sử
Mới đây, nhà hát đã diễn báo cáo trước Hội đồng nghệ thuật Sở VH-TTDL 5 trích đoạn cải lương, trong đó có 3 trích đoạn đề tài lịch sử gồm: Vương triều đẫm lệ (nghệ sĩ Nguyễn Thị Sang Sang biểu diễn), Tiếng thét nơi pháp trường (nghệ sĩ Đông Nguyên biểu diễn) và Khí tiết Trần Bình Trọng (nghệ sĩ Nguyễn Phước Dư biểu diễn). Đây cũng là những trích đoạn được nhà hát lựa chọn để tham gia cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên cải lương toàn quốc năm 2020.
Vào vai Lý Chiêu Hoàng - vị hoàng đế thứ 9 và cũng là cuối cùng của triều đại nhà Lý trong trích đoạn Vương triều đẫm lệ, nghệ sĩ Nguyễn Thị Sang Sang đã thể hiện câu chuyện với nhiều cung bậc cảm xúc. Trích đoạn đề cập đến câu chuyện chuyển giao quyền lực đầy nhạy cảm giữa nhà Lý và nhà Trần mà ở đó, Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh sau đó bị phế truất và đuổi ra khỏi cung. Cuộc đời của Lý Chiêu Hoàng đầy phức tạp và bi kịch, bà đau xót cho cuộc đời của mình, từ nhỏ đã mất cha, mất ngôi và rồi mất chồng…
Theo nghệ sĩ Sang Sang, Lý Chiêu Hoàng trong Vương triều đẫm lệ là một vai diễn khó, đòi hỏi người diễn phải hiểu kỹ về bối cảnh lịch sử cũng như hoàn cảnh xuất thân của nhân vật để có những tìm tòi, sáng tạo trong lối ca, lối diễn. Đặc biệt là việc thể hiện tâm lý giằng xé của nhân vật giữa hận thù trong gia đình và trách nhiệm với đất nước, với nhân dân.
Là nghệ sĩ trẻ sinh năm 1992, Nguyễn Phước Dư (nghệ danh Khánh Dư) đã thể hiện thành công trích đoạn Khí tiết Trần Bình Trọng. Trong trích đoạn, Khánh Dư vào vai Trần Bình Trọng - danh tướng tài ba dưới thời Trần không may bị sa vào tay của giặc Nguyên - Mông. Chúng uy hiếp Trần Bình Trọng, kêu gọi ông quy hàng và chỉ nơi ở của vua Trần bằng cách đe dọa giết con trai ông. Để cứu con, Trần Bình Trọng đã giả vờ đầu hàng, sau khi con trai trở về an toàn ông chấp nhận cái chết và nêu cao khí tiết với câu nói nổi tiếng: “Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc”.
Khánh Dư cho biết, đây không phải là lần đầu anh tham gia vai diễn mang đề tài lịch sử. Trước đó, anh đã vào vai Thập đạo Tướng quân Lê Hoàn trong vở Mộng đế vương. Trích đoạn Khí tiết Trần Bình Trọng vừa bám sát kịch bản lịch sử vừa mang hơi thở cuộc sống hiện đại bằng những câu chuyện thời sự về vấn đề bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, độc lập của dân tộc.
Trong trích đoạn Tiếng thét nơi pháp trường, nghệ sĩ trẻ Đông Nguyên được lựa chọn để hóa thân vào vai diễn Nguyễn Trung Trực - một thủ lĩnh phong trào khởi nghĩa chống thực dân Pháp vào nửa cuối thế kỷ XIX. Những ngày bị giặc giam cầm, Nguyễn Trung Trực nhớ lại cảnh mẹ, vợ, con và đồng bào quanh ông bị giặc Pháp tàn sát. Trong ngục, giặc ra sức mua chuộc Nguyễn Trung Trực. Chúng khuyên ông theo Pháp để hưởng vinh hoa phú quý, chức tước, lợi lộc nhưng ông bỏ ngoài tai và khẳng khái nói: “Tôi muốn làm một chức thôi, chức gì mà có quyền chặt đầu tất cả bọn Tây xâm lược...”.
* Nhiều kỳ vọng…
Theo NSƯT Đồng Thị Quế Anh, Giám đốc Nhà hát nghệ thuật Đồng Nai, sau buổi biểu diễn báo cáo Hội đồng nghệ thuật Sở VH-TTDL, hiện các diễn viên, nghệ sĩ trẻ đang tích cực luyện tập để hoàn thiện các vai diễn của mình. Nhìn chung, mỗi trích đoạn đều có màu sắc riêng, tạo cơ hội cho các nghệ sĩ phô diễn giọng ca, bộc lộ chiều sâu tâm lý cũng như khả năng vũ đạo. Với lợi thế có sắc vóc đẹp, sáng sân khấu và diễn tốt… các nghệ sĩ của nhà hát sẽ nỗ lực hết mình để thể hiện tài năng.
Đề tài lịch sử trong những trích đoạn cải lương của nhà hát không chỉ để nghệ sĩ dự thi mà đây còn là những trích đoạn phù hợp với việc công diễn ở cơ sở, phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh. Theo NSND Giang Mạnh Hà, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai, với cải lương dường như đề tài lịch sử là nguồn cảm hứng chưa bao giờ vơi cạn. Tuy nhiên, để những vở diễn, trích đoạn về đề tài này có một sức sống mới mẻ, chứa đựng tính thẩm mỹ, giáo dục cao cũng như khả năng chinh phục khán giả hiện đại là điều không hề dễ dàng.
“Những trích đoạn cải lương lịch sử mà nhà hát dàn dựng và biểu diễn đã và đang thể hiện sống động hình tượng các nhân vật lịch sử. Qua đó, giáo dục truyền thống yêu nước, tự hào cho thế hệ trẻ. Khai thác đề tài lịch sử trên sân khấu chuyên nghiệp còn cho thấy sức sống lâu bền của các câu chuyện lịch sử, nhân vật lịch sử có công lao to lớn trong công cuộc dựng nước và giữ nước trong lòng khán giả hôm nay” - NSND Giang Mạnh Hà chia sẻ.
Cũng theo NSND Giang Mạnh Hà, các trích đoạn lịch sử trong cải lương ngoài đưa về cơ sở biểu diễn, nên chăng đưa vào học đường như những buổi học “ngoại khóa”, chắc hẳn sẽ có hiệu quả rất cao. Các câu chuyện lịch sử vì thế dễ đi vào thực tiễn, được nhớ lâu, nhớ sâu hơn. Và như thế, sân khấu cải lương cũng chắc chắn có thêm một lực lượng khán giả trẻ hùng hậu...
Ngoài 3 trích đoạn đề tài lịch sử, Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai còn dàn dựng 2 trích đoạn đề tài xã hội gồm: Hòn vọng phu (nghệ sĩ Võ Hoài Minh biểu diễn), Chí Phèo - Thị Nở (nghệ sĩ Nguyễn Thị Băng Châu biểu diễn). Các trích đoạn này sẽ tham gia cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên cải lương toàn quốc năm 2020 do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TTDL) phối hợp với Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức tại tỉnh Cà Mau vào tháng 9 tới. |
Ly Na