Trước tình trạng ly hôn, bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em… có chiều hướng tăng, việc đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống được đánh giá là giải pháp hữu hiệu, có tính chất nền tảng để xây dựng văn hóa gia đình.
Trước tình trạng ly hôn, bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em… có chiều hướng tăng, việc đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống được đánh giá là giải pháp hữu hiệu, có tính chất nền tảng để xây dựng văn hóa gia đình.
Xây dựng gia đình hạnh phúc là nền tảng xây dựng gia đình văn hóa. Trong ảnh: Các gia đình văn hóa tiêu biểu tham gia game show Gia đình thời @ do Sở VT-TTDL tổ chức. Ảnh: L.Na |
Với tinh thần đó, các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã và đang nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp thiết thực để việc xây dựng gia đình văn hóa ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả.
* Đi vào thực chất
Với những đặc thù, phong trào xây dựng gia đình văn hóa ở Đồng Nai vừa được thực hiện theo các quy định chung, vừa gắn với kế hoạch của UBND tỉnh về thực hiện chiến lược gia đình Việt Nam tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Trên tinh thần đó, các ngành, các địa phương tùy vào tình hình thực tế đã đưa ra các tiêu chí gắn với những mô hình như: phòng, chống bạo lực gia đình, “4 giảm, 7 có”, “5 không, 3 sạch”, CLB Gia đình hạnh phúc, Nam giới nói không với bạo lực gia đình, Ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo…
Tại H.Vĩnh Cửu, việc xây dựng gia đình văn hóa gắn với xây dựng nếp sống cá nhân, nếp sống gia đình và nếp sống của xã hội. Chính việc xây dựng nếp sống văn hóa gia đình đã hình thành đức tính cần cù trong lao động, sáng tạo trong công việc. Tinh thần tự lực đã giúp cho người dân Vĩnh Cửu gặt hái nhiều thành công, tạo ra những thương hiệu nông sản nổi tiếng mang đặc trưng của huyện như: bưởi Tân Triều, cam quýt Hiếu Liêm, xoài Phú Lý… Từ đó nâng cao thu nhập, tạo ra nhiều việc làm, đời sống của người dân dần được nâng lên.
Tương tự, tại H.Thống Nhất, từ phong trào xây dựng gia đình văn hóa ngày càng xuất hiện nhiều những gương tiêu biểu vượt khó học giỏi, gương sáng người lao động, sản xuất giỏi, những mô hình giúp nhau phát triển kinh tế gia đình có hiệu quả. Điển hình như: Gia đình ông Phạm Văn Ngữ, ông Đỗ Văn Hùng (xã Gia Tân 2), ông Dịp Văn Hưng (xã Quang Trung) là những gia đình sản xuất kinh doanh giỏi, con cái đều học thành tài, tích cực tham gia công tác từ thiện ở địa phương. Hay như gia đình ông Vũ Viết Châu (ấp Nguyễn Huệ 2) tích cực vận động bà con giáo dân trong ấp đóng góp, hiến hơn 2 ngàn m2 đất để xây dựng đường giao thông nông thôn và làm đường điện hạ thế cho bà con…
Không chỉ linh hoạt, sáng tạo trong việc triển khai xây dựng mô hình gia đình văn hóa, các địa phương còn khen thưởng, động viên kịp thời các tổ chức, cá nhân có thành tích điển hình. Qua đó, động viên, khuyến khích các tầng lớp nhân dân tham gia, tạo thành phong trào thi đua xây dựng gia đình văn hóa, ấp, khu phố văn hóa sôi nổi, rộng khắp.
* Nền tảng xây dựng gia đình văn hóa
Theo Sở VH-TTDL, 10 năm (2010-2020) triển khai thực hiện phong trào xây dựng Gia đình văn hóa đã trở thành phong trào thi đua sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân. Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn tham gia phong trào ngày một đông đảo. Nếu như năm 2010, toàn tỉnh có 95,3% gia đình văn hóa thì đến năm 2019 con số này vượt 98,89% (đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết Tỉnh ủy đề ra hằng năm). Kết quả này cho thấy, việc xây dựng gia đình văn hóa ngày càng trở thành nét đẹp trong đời sống cộng đồng, đặc biệt là vùng nông thôn.
Tuy nhiên, theo PGS-TS Huỳnh Văn Tới, hiện nay công tác xây dựng gia đình văn hóa ở Đồng Nai đang đứng trước những khó khăn, thách thức. Nhiều giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp có xu hướng biến đổi, xuống cấp; sự xung đột về lối sống, lẽ sống giữa các thế hệ, tệ nạn xã hội đang xâm nhập vào gia đình. Tình trạng vi phạm pháp luật về gia đình và nạn bạo hành gia đình còn diễn biến phức tạp… Do đó, việc xây dựng gia đình văn hóa Việt Nam ở Đồng Nai cần có sự cân bằng hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, nhân rộng các mô hình, lối sống tốt đẹp trong gia đình.
“Để làm được điều này, cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hình thành nhận thức đúng về vai trò, tầm quan trọng, ý nghĩa của công tác gia đình trong toàn thể hệ thống chính trị ở địa phương. Chú trọng công tác giáo dục đời sống gia đình, hỗ trợ các gia đình phát triển kinh tế; định hình quy mô gia đình (2 thế hệ, 3 thế hệ), có chính sách động viên như: thuế, nhà ở, giáo dục, chăm sóc sức khỏe… Từ đó làm nền tảng gìn giữ, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp trong gia đình Việt Nam ở Đồng Nai, từng bước xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển” - PGS-TS Huỳnh Văn Tới nhấn mạnh.
Sở VH-TTDL cho biết, ngày 21-6 tới, Sở sẽ phối hợp với Công an tỉnh tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28-6 tại trụ sở Công an tỉnh (đường Phạm Văn Thuận, TP.Biên Hòa). Các gia đình sẽ tham gia 2 phần thi: thi ẩm thực chủ đề Món ngon gia đình và thi văn nghệ chủ đề Gia đình: yêu thương và chia sẻ. Ngoài ra, Sở sẽ tiếp tục tổ chức tập huấn nghiệp vụ công tác gia đình năm 2020 bằng các ứng dụng phần mềm trực tuyến cho cán bộ làm công tác gia đình, công chức văn hóa - xã hội các xã, phường, thị trấn. Các nội dung tập huấn gồm: lý luận, thực tiễn, kỹ năng thực hành văn hóa gia đình; hỏi - đáp định kỳ 1 tuần/lần, trao đổi trực tuyến các câu hỏi và những vấn đề do học viên đặt ra. |
Ly Na