Hạnh phúc là đích đến của mỗi người. Con người dù ở giai đoạn nào, thời kỳ nào cũng luôn đi tìm hạnh phúc, đều ước muốn mình được hạnh phúc.
Hạnh phúc là đích đến của mỗi người. Con người dù ở giai đoạn nào, thời kỳ nào cũng luôn đi tìm hạnh phúc, đều ước muốn mình được hạnh phúc.
Cùng nhau chia sẻ việc nhà là cách gia đình ông Nguyễn Sáng, bà Đỗ Thị Anh Thư (xã Tây Hòa, H.Trảng Bom) giữ gìn hạnh phúc gia đình. Ảnh: L.Na |
Không chỉ ở Đồng Nai mà các địa phương trong cả nước đang chung tay thực hiện mục tiêu xây dựng gia đình hạnh phúc. Qua đó, nâng cao trách nhiệm của toàn cộng đồng trong xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.
* Yêu thương, cội nguồn của hạnh phúc
Một ngày cuối tháng 5 vừa qua, chúng tôi có dịp về thăm gia đình ông Nguyễn Sáng, bà Đỗ Thị Anh Thư - một trong những gia đình tiêu biểu ở Đồng Nai có hơn 10 năm giữ danh hiệu Gia đình văn hóa ở xã Tây Hòa, H.Trảng Bom.
Ông Sáng quê gốc ở Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế, sau năm 1975 ông vào H.Thống Nhất giảng dạy tại Trường THCS Hưng Lộc A. Được một thời gian, ông chuyển về Trường THCS Nguyễn Thượng Hiền (H.Trảng Bom) và giữ chức hiệu trưởng cho đến năm 2012 thì nghỉ hưu.
Theo Phó giám đốc Sở VH-TTDL Nguyễn Thị Mộng Bình, xây dựng hạnh phúc gia đình hiện nay luôn gắn liền với phong trào Xây dựng gia đình văn hóa. Đây là một trong những yếu tố quan trọng góp phần đưa phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ngày càng hiệu quả, nhân rộng và lan tỏa trong cộng đồng. |
Bà Thư, vợ ông Sáng cũng là giáo viên tiểu học nghỉ hưu. Ông bà có 3 người con và 6 người cháu nội lẫn ngoại. Từ khi nghỉ hưu, ông bà dành tất cả thời gian chăm sóc cho gia đình. Hiện tại, ông bà đang sống cùng người con trai đầu và các cháu. Theo bà Thư, gia đình có 3 thế hệ sống cùng nhau nên đôi lúc không tránh khỏi những mâu thuẫn. Mỗi khi có những bất đồng, ông bà thường khuyên con trai, con dâu “một điều nhịn, chín điều lành” và hãy nhìn cách sống của cha mẹ để “giữ lửa” tổ ấm.
Ở tuổi 69, niềm hạnh phúc của ông Sáng, bà Thư là nhìn thấy ánh mắt vui tươi của con, cháu mỗi ngày, được lo bữa cơm cho con, đón cháu đi học về. Ngoài ra, ông bà tích cực tham gia các hoạt động phong trào của xã hội. Đặc biệt, ông bà thường xuyên quyên góp gạo và các nhu yếu phẩm hỗ trợ các gia đình neo đơn.
Với những gia đình công nhân có hoàn cảnh khó khăn trong xã không có người trông con để đi làm, ông Sáng, bà Thư nhận giữ trẻ miễn phí. “Thường xuyên làm việc thiện, giúp đỡ những người xung quanh là cách chúng tôi dạy cho các con, các cháu của mình về tình yêu thương, sự sẻ chia. Yêu thương và sẻ chia không chỉ trong gia đình mà còn với cả cộng đồng” - ông Sáng nói.
Gần 30 năm về chung một nhà, đôi lúc có những mâu thuẫn, giận hờn nhưng vợ chồng ông Vũ Văn Long, bà Trương Thị Thu Sinh (P.Bình Đa, TP.Biên Hòa) luôn biết cách quan tâm, chăm sóc lẫn nhau. Chính sự tôn trọng đã tạo nên niềm tin để ông bà chăm lo tổ ấm. Hiện tại, các con của ông bà đã trưởng thành, có việc làm ổn định.
Để có được kết quả này, ông Long, bà Sinh không quên những ngày tháng gian khổ. “Khi 2 con trai ra đời, cuộc sống khó khăn. Tôi là bộ đội, thường xuyên vắng nhà nên mọi công việc dồn hết lên vai của vợ. Nhờ tình yêu và sự sẻ chia với chồng mà bà ấy vừa sắp xếp tươm tất mọi việc bên ngoài, vừa chu toàn việc nhà. Giờ đây tôi cảm thấy rất hạnh phúc vì có một gia đình ấm êm, nhất là khi các con được học hành đến nơi đến chốn” - ông Long nhớ lại.
Gia đình ông Nguyễn Hữu Huy (xã Gia Canh, H.Định Quán) cưới nhau hơn 20 năm và nhiều năm liền giữ vững danh hiệu gia đình văn hóa. Chia sẻ bí quyết giữ gìn hạnh phúc, ông Huy nói rằng đó chính là sự hòa thuận, cảm thông giữa các thành viên trong gia đình, cân bằng giữa công việc và gia đình. Vợ ông là giáo viên tiểu học, còn ông làm việc tự do trong lĩnh vực thú y nên ông bà có nhiều thời gian để quan tâm, chăm sóc gia đình.
Theo ông Huy, để giữ gìn hạnh phúc, trước hết các thành viên trong gia đình phải kính trên, nhường dưới, vợ chồng bình đẳng, thương yêu giúp đỡ nhau. “Chúng tôi luôn xem hạnh phúc gia đình là cái đích mình cần hướng đến mỗi ngày. Tình yêu thương sẽ giúp các thành viên tự nhìn nhận lại bản thân mình trong mỗi ứng xử để có trách nhiệm với nhau. Có gia đình là có tất cả, mất gia đình mọi thứ sẽ trở nên vô nghĩa” - ông Huy bộc bạch.
* Gắn với xây dựng gia đình văn hóa
Theo thống kê của Sở VH-TTDL, năm 2019 toàn tỉnh có 643.430/650.599 hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa, đạt tỷ lệ 98,98% (vượt chỉ tiêu nghị quyết đề ra là 98%). Cũng trong năm 2019, toàn tỉnh xảy ra 42 vụ bạo lực gia đình. So với các năm trước số vụ bạo lực đã giảm nhiều nhưng hành vi bạo lực xảy ra ngày càng nghiêm trọng hơn. Các hình thức bạo lực đa số là bạo lực thân thể, nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em.
Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình Trần Anh Thơ cho rằng, vun đắp hạnh phúc gia đình là việc làm cần thiết, thường xuyên và lâu dài. Gia đình chỉ thực sự là tổ ấm khi có đầy đủ tình thương của những người thân dành cho nhau. Nếu thiếu đi tình thương của cha hay hơi ấm của mẹ cũng đều là những khiếm khuyết khó có thể bù đắp cho con trẻ. Vậy nên, mỗi thành viên trong gia đình rất cần có sự cảm thông, chia sẻ để thấu hiểu nhau, cùng vượt qua thử thách để "ngọn lửa" yêu thương luôn sáng mãi trong tổ ấm của mình.
Cũng theo bà Trần Anh Thơ, xây dựng gia đình hạnh phúc đã góp phần đưa các danh hiệu gia đình văn hóa, ấp, khu phố văn hóa trên địa bàn tỉnh hằng năm đều được nâng cao. Các danh hiệu không chỉ tăng về số lượng, chất lượng mà còn có tính bền vững và sức lan tỏa rộng khắp. Đến nay, Đồng Nai là một trong những tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, đang tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu.
Cuộc sống hiện đại, nhất là quá trình đô thị hóa, đòi hỏi sự thay đổi nếp nghĩ, nếp sinh hoạt trong mỗi gia đình hướng tới một xã hội văn minh hiện đại. Hơn bao giờ hết, chúng ta cần giữ vững và phát huy giá trị văn hóa của gia đình truyền thống như: con cái hiếu thảo với ông bà, cha mẹ; vợ chồng thủy chung; anh em thuận hòa... Đó là những yếu tố cốt lõi trong việc xây dựng lối sống đạo đức, xây dựng gia đình hạnh phúc và xây dựng gia đình văn hóa hôm nay và mai sau.
Ly Na