Với thế hệ 7X, 8X, trò chơi dân gian (TCDG) là một mảng màu ký ức gắn bó với những tháng ngày tuổi thơ hồn nhiên. Những trò chơi như: ô ăn quan, bịt mắt bắt dê, bắn bi, nhảy dây… một thời sôi động giờ đây gần như đã trở thành xa lạ.
Với thế hệ 7X, 8X, trò chơi dân gian (TCDG) là một mảng màu ký ức gắn bó với những tháng ngày tuổi thơ hồn nhiên. Những trò chơi như: ô ăn quan, bịt mắt bắt dê, bắn bi, nhảy dây… một thời sôi động giờ đây gần như đã trở thành xa lạ.
Thiếu nhi TP.Biên Hòa hào hứng tham gia trò chơi ô ăn quan. Ảnh: L.Na |
Để tạo không khí vui tươi cho những ngày hè, giúp trẻ hạn chế những trò chơi mang tính bạo lực, nhiều cơ quan, đơn vị, trường học đã nỗ lực tổ chức nhiều hoạt động gắn với TCDG. Đây không chỉ là hoạt động vui chơi mà qua đó giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống.
* Trở về tuổi thơ
Những ngày đầu tháng 6, mặc dù lịch học vẫn đang diễn ra song tại nhiều địa phương đã tổ chức Ngày hội Tuổi thơ và hoạt động vui chơi cho thiếu nhi trên địa bàn. Trong các ngày hội, trẻ được xem biểu diễn văn nghệ, xem múa rối, tập aerobic đồng thời tham gia các TCDG, các trò chơi trí tuệ, vẽ tranh, nặn tượng, làm bánh...
Anh Nguyễn Ngọc Thuận (KP.3, P.Hóa An, TP.Biên Hòa) cảm thấy rất vui khi cùng con trai Nguyễn Minh Tiến (8 tuổi) tham gia Ngày hội Tuổi thơ tại Nhà thiếu nhi Đồng Nai. Anh ngồi phía sau để quan sát và xem con trai chơi với bạn bè. Anh Duy cho hay, sau thời gian nghỉ phòng, chống dịch Covid-19 dài ngày, các sân chơi cho thiếu nhi đã hoạt động trở lại, con trai anh có nơi vui chơi, sinh hoạt bổ ích.
“Thấy con hào hứng, chơi ô ăn quan thành thục, tôi vui lắm. Trò chơi này không chỉ rèn luyện trí tuệ mà còn giúp con và bạn cùng chơi gắn kết với nhau điều mà những trò chơi như điện tử không thể thực hiện được” - anh Thuận bày tỏ.
So với những trò chơi điện tử, TCDG có phần đặc biệt hơn bởi bầu không khí sôi động và đầy ắp tiếng cười. TCDG cần đến sức mạnh, sự khéo léo, nhanh nhẹn và đòi hỏi người chơi phải có sự tính toán thông minh. Chỉ với một viên phấn, viên gạch hay những viên sỏi lớn nhỏ, một khoảng sân là các bạn nhỏ đã có ngay một buổi chơi ô ăn quan vui vẻ và thú vị.
Nhiều trò chơi như: bịt mắt bắt dê, nu na nu nống, rồng rắn lên mây, kéo cưa lừa xẻ… thường được các em kết hợp với những bài đồng dao, nhịp điệu đơn giản dễ nhớ dễ thuộc, tạo nên không khí sôi nổi. Không chỉ rèn luyện sức khỏe, cải thiện thể chất, kỹ năng ứng xử… mà những phút vui chơi thoải mái, lành mạnh sẽ giúp các em thêm hào hứng để học tập, sống vui vẻ, hồn nhiên hơn.
Em Nguyễn Ngọc Thùy Dương (lớp 6 Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, TP.Biên Hòa) vui vẻ bộc bạch: “Em rất thích chơi các TCDG vì vừa vui lại vừa khỏe. Các trò chơi đã giúp em tự tin và hòa nhập với các bạn. Em mong nhà trường tổ chức nhiều TCDG nữa để chúng em có thêm những sân chơi mới bổ ích”.
* Không để lãng quên
Tại các trường học trên địa bàn tỉnh, những năm qua đã thực hiện rất tốt việc đưa TCDG vào lớp học. Cô Lưu Thị Minh Tiến, giáo viên Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (H.Cẩm Mỹ) cho biết, việc đưa các TCDG vào trường học từ lâu gắn với phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực.
Giám đốc Nhà thiếu nhi tỉnh Ngô Thị Hoàng Oanh cho biết: “Tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, TCDG cho thanh thiếu nhi là hoạt động thường xuyên và liên tục của Nhà thiếu nhi Đồng Nai thời gian qua. Tuy nhiên, trong thời điểm còn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, chúng tôi chỉ tổ chức các trò chơi ở quy mô nhỏ. Khi nào công bố hết dịch, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động văn nghệ, TCDG góp phần đưa Nhà thiếu nhi Đồng Nai trở thành địa chỉ học tập, vui chơi, giải trí lành mạnh cho thanh thiếu nhi trên địa bàn tỉnh”. |
“Vào các tiết ngoại khóa hay giờ ra chơi, nhà trường thường tổ chức cho học sinh chơi TCDG như: chi chi chành chành, kéo co, nhảy dây... Mục đích là tạo ra sân chơi lành mạnh, bổ ích, tăng tinh thần đoàn kết của học sinh. Từ hoạt động vui chơi, góp phần khôi phục văn hóa dân gian, không để TCDG bị lãng quên, giáo dục các em biết trân trọng, có ý thức giữ gìn những giá trị tinh thần” - cô Tiến nói.
Tại các lễ hội truyền thống như: Sayangva, Sayabri, lễ hội chùa Ông, lễ kỳ yên đình Tân Lân hằng năm, các TCDG lại được phục hồi như: ném còn, đẩy gậy, đập nước, nấu cơm… Những TCDG này luôn là điểm nhấn hấp dẫn thu hút sự quan tâm của người dân. Mỗi trò chơi mang đặc trưng riêng của từng dân tộc, nhưng đều xuất phát từ cuộc sống lao động, sản xuất hằng ngày và phục vụ mục đích vui chơi, giải trí, tăng cường đoàn kết cộng đồng.
Thực tế cho thấy mọi lứa tuổi, nhất là trẻ em đều vui thích TCDG. Việc đầu tư loại hình trò chơi này không tốn nhiều chi phí. Tuy nhiên, việc nhân rộng TCDG, định hướng và tổ chức để các trò chơi thực sự thấm sâu vào đời sống, trở thành niềm say mê của người trẻ là việc làm cần thiết, đòi hỏi các cấp, ngành tham gia. Có như vậy, trẻ mới có sân chơi toàn diện, bổ ích và an toàn.
Ly Na