Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã được quan tâm đầu tư và phát huy hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi chương trình xây dựng nông thôn mới.
Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã được quan tâm đầu tư và phát huy hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi chương trình xây dựng nông thôn mới.
Phong trào xã hội hóa các công trình, hoạt động văn hóa, thể thao H.Long Thành thu hút đông đảo người dân tham gia rèn luyện thể dục, thể thao. Ảnh: L.Na |
Đặc biệt, việc đẩy mạnh xã hội hóa xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao đã nâng cao chất lượng hoạt động, tạo được sự hấp dẫn và thu hút đông đảo người dân tham gia.
* Đẩy mạnh xã hội hóa thiết chế văn hóa
Theo Sở VH-TTDL, hiện tại 11/11 huyện, thành phố trong tỉnh đều có trung tâm văn hóa - thông tin và thể thao; 140/170 xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hóa thể thao - học tập cộng đồng (VHTT-HTCĐ); 780/962 ấp, khu phố có nhà văn hóa - khu thể thao cấp ấp... Có được kết quả này là nhờ Ban Chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (phong trào) tỉnh đã chú trọng triển khai, hướng dẫn thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao trên lĩnh vực văn hóa. Ngoài nguồn vốn từ ngân sách, các địa phương trong tỉnh đã phát huy tinh thần Nhà nước và nhân dân cùng làm trong việc đầu tư, xây dựng các công trình văn hóa, thể thao, trang thiết bị, cảnh quan, cây xanh...
Tiêu biểu như tại Trung tâm VHTT-HTCĐ xã Phước Thiền (H.Nhơn Trạch), mỗi buổi sáng và chiều đều nhộn nhịp, sôi động thu hút đông đảo người dân đến tập luyện thể thao thường xuyên. Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó chủ tịch UBND xã Phước Thiền cho biết, thời gian qua, xã đã kêu gọi các nguồn để đầu tư 2 sân cỏ nhân tạo và lắp đặt dụng cụ thể thao ngoài trời, mỗi tháng thu hút trên 1.500 lượt người tham gia luyện tập. Riêng Trung tâm VHTT-HTCĐ xã đã mở được các lớp tập thể hình, võ thuật, khiêu vũ, thu hút gần 150 học viên tham gia.
“Nhận thấy nhu cầu luyện tập thể thao, nâng cao sức khỏe của người dân, thời gian tới, xã sẽ tiếp tục huy động thêm các nguồn lực để mở các lớp nhảy hiện đại, yoga... Cách làm này giúp mỗi người dân tìm được loại hình luyện tập phù hợp với bản thân để vừa giải trí, rèn luyện sức khỏe, vừa phát huy khả năng phục vụ cộng đồng” - ông Linh chia sẻ.
Theo Phòng Văn hóa - thông tin H.Nhơn Trạch, nhờ làm tốt công tác xã hội hóa nên nhiều trung tâm văn hóa, nhà văn hóa trên địa bàn đã tổ chức được các hình thức tập luyện thể dục, thể thao, điểm sinh hoạt cộng đồng cho nhân dân, nhất là công nhân lao động. Hiện toàn huyện đã đầu tư trang thiết bị tập luyện thể thao ngoài trời tại 12 xã, thị trấn, mỗi điểm được lắp đặt 9 thiết bị tập luyện, trị giá gần 97 triệu đồng/bộ từ nguồn ngân sách. Bên cạnh đó, đã xã hội hóa hơn 100 hồ bơi, cơ sở tập gym, sân bóng đá, cơ sở bi da. Các trang thiết bị được đầu tư đều đạt chuẩn.
Tại H.Long Thành, nhiều năm qua đã đẩy mạnh công tác kêu gọi xã hội hóa trên lĩnh vực văn hóa, thể thao với số vốn hàng chục tỷ đồng. Trong đó, đã kêu gọi vận động xây dựng được 10 sân bóng đá mini, 2 hồ bơi, 5 phòng tập aerobic, 2 phòng tập thể hình với tổng nguồn vốn xã hội hóa là 14,5 tỷ đồng. Ngoài ra, huyện còn xây dựng các cụm pa-nô điện tử phục vụ công tác tuyên truyền với kinh phí khoảng 2 tỷ đồng; 4 di tích lịch sử văn hóa xếp hạng trên địa bàn huyện cũng thường xuyên được tu bổ từ nguồn vận động xã hội hóa với kinh phí đóng góp trên 10,4 tỷ đồng.
Lãnh đạo Phòng Văn hóa - thông tin H.Long Thành cho biết, mặc dù được sự quan tâm đầu tư từ nguồn ngân sách, đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa các công trình văn hóa, thể thao nhưng hiện tại, hoạt động trên lĩnh vực văn hóa, thể thao của huyện vẫn chưa phát triển đồng bộ. Đa số các tổ chức, cá nhân chỉ tập trung xã hội hóa lĩnh vực thể thao, khu vui chơi giải trí cho trẻ em, còn lại nguồn đầu tư trên lĩnh vực văn hóa là rất ít, nếu có chỉ thực hiện các công trình di tích, danh thắng. Do vậy, đời sống văn hóa tinh thần, tập luyện thể dục, thể thao của công nhân lao động nhất là tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp chưa cao, chưa có các thiết chế riêng biệt phục vụ cho những đối tượng này.
* Nâng chất lượng quản lý, tăng hiệu quả khai thác
Theo Giám đốc Trung tâm Văn hóa - thông tin và thể thao TP.Biên Hòa Nguyễn Văn Tình, song song với xã hội hóa các công trình thể dục, thể thao để phục vụ cho rèn luyện sức khỏe của người dân, TP.Biên Hòa cũng đẩy mạnh xã hội hóa văn hóa. Chẳng hạn, sau khi di dời trụ sở Thư viện về di tích Thành Biên Hòa, trung tâm đã bố trí và sắp xếp lại toàn bộ các kho sách, báo. Tính đến nay đã bổ sung 900/800 cuốn (đạt 125% chỉ tiêu giao), trong đó ngân sách 800 cuốn, xã hội hóa 100 cuốn. Trên địa bàn có 18 CLB văn nghệ với khoảng 150 người tham gia luyện tập, biểu diễn thường xuyên, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và rèn luyện của các tầng lớp nhân dân, thu hút hơn 80% dân số tham gia hoạt động văn hóa.
Theo Sở VH-TTDL, đến thời điểm hiện tại, có hơn 500 công trình thể thao không có khán đài (trong đó có 191 sân bóng đá mini, 133 sân bóng chuyền, 52 sân quần vợt, 120 hồ bơi). Có 29 công trình thể thao có khán đài (trong đó có 9 sân vận động, 8 nhà thi đấu thể thao đa năng, 2 bể bơi và 10 sân thể thao khác dành riêng cho từng bộ môn). Kinh phí hoạt động của mỗi trung tâm văn hóa thể thao - học tập cộng đồng và nhà văn hóa từ 15-18 triệu đồng. |
Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay đối với vùng đô thị như Biên Hòa vẫn là nguồn quỹ đất. Mặc dù đất đã được quy hoạch và UBND thành phố đã có kế hoạch chỉ đạo cụ thể, nhưng muốn có đất để xây dựng công trình văn hóa, thể thao phải qua giai đoạn giải tỏa, đền bù, tái định cư... vì hầu hết quy hoạch quỹ đất cho văn hóa - thể thao đều ở trong khu dân cư.
Để phát huy kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại, đại diện Phòng Văn hóa - thông tin TP.Biên Hòa cho rằng, cần sớm có quy hoạch quỹ đất, đồng thời kết hợp các nguồn vốn đầu tư (ngân sách và xã hội hóa) để phát triển văn hóa, xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh hoàn thiện và nâng cấp hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở theo hướng thiết thực, hiệu quả, đa năng, đặc biệt chú trọng khâu tổ chức hoạt động.
Ngoài việc tiếp tục kêu gọi nguồn lực xã hội hóa, bổ sung trang thiết bị..., hầu hết các địa phương trong tỉnh đều mong muốn ngành Văn hóa cần có chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực; khuyến khích, hỗ trợ thiết kế, xây dựng nội dung hoạt động cho các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Về lâu dài, cần ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình thể thao trọng điểm cấp huyện và hệ thống các công trình thể thao cơ bản ở cấp xã.
Đặc biệt, ngành Văn hóa cần có chính sách thay đổi mô hình kiêm nhiệm bằng lực lượng có thực lực, kinh nghiệm để gây dựng, lan tỏa phong trào. Có như vậy mới vừa phát huy hiệu quả công năng các thiết chế, vừa đưa đời sống văn hóa, tinh thần ở địa phương đi lên.
Ly Na