Mô hình tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến cộng đồng dân cư qua hình thức sân khấu hóa bằng tiểu phẩm, kịch ngắn, kịch vui… được triển khai và nhân rộng trên địa bàn tỉnh. Đa số các kịch bản tuyên truyền đều do cán bộ văn hóa cơ sở thực hiện.
Mô hình tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến cộng đồng dân cư qua hình thức sân khấu hóa bằng tiểu phẩm, kịch ngắn, kịch vui… được triển khai và nhân rộng trên địa bàn tỉnh. Đa số các kịch bản tuyên truyền đều do cán bộ văn hóa cơ sở thực hiện.
Anh Nguyễn Bòn (đứng giữa) có 20 năm kinh nghiệm viết kịch bản và làm đạo diễn sân khấu không chuyên. Ảnh: Ly Na |
Dù còn nhiều khó khăn, lực lượng không ổn định, còn nhiều hạn chế về chuyên môn, nhưng những người viết kịch không chuyên vẫn luôn cống hiến hết mình.
* Nỗ lực để có kịch bản ấn tượng
Hơn 20 năm gắn bó với công tác văn hóa cơ sở ở H.Cẩm Mỹ, anh Nguyễn Bòn được biết đến bởi sự đa năng. Vốn có giọng hát hay, đánh đờn giỏi, sáng tác nhiều nhạc phẩm ấn tượng, anh có thời gian dài làm việc trong đội văn nghệ nông trường cao su. Năm 2004, anh Bòn chuyển công tác về Trung tâm Văn hóa - thông tin và thể thao huyện. Anh đã có nhiều đóng góp tích cực, nhất là việc sáng tác kịch bản và dàn dựng các tiểu phẩm tuyên truyền lưu động (TTLĐ) mang tính thực tế, đạt hiệu quả cao.
Anh Bòn cho biết, đa số kịch bản tuyên truyền gắn với việc phản ánh đời sống xã hội thực tế ở địa phương. Người viết phải vừa am hiểu nghệ thuật kịch vừa nắm vững chủ trương, chính sách để kịch bản đúng, trúng vấn đề, có tính lôi cuốn, sáng tạo nhưng vẫn dễ hiểu và phù hợp với nhiều đối tượng khán giả. Mới đây nhất, kịch bản Ký ức Trường Sơn của anh tham gia Liên hoan TTLĐ tỉnh Đồng Nai đoạt giải kịch bản xuất sắc nhất năm 2019.
Giám đốc Trung tâm Văn hóa - điện ảnh tỉnh Tôn Thị Thanh Tình cho biết, hằng năm trung tâm đều tổ chức Liên hoan TTLĐ tỉnh Đồng Nai. Các đơn vị tham gia bao giờ cũng phải xây dựng một chương trình tuyên truyền gồm có: ca múa, tiểu phẩm… Qua đó, phát hiện những hạt nhân văn nghệ, tác giả kịch bản và đạo diễn xuất sắc để duy trì và phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ ở cơ sở. |
Ở tuổi 35, có 10 năm công tác tại Trung tâm Văn hóa - thông tin và thể thao H.Long Thành, anh Phạm Đức đã được biết đến bởi sự chịu khó, sáng tác và dàn dựng hàng chục tiểu phẩm tuyên truyền đoạt giải cao tại nhiều hội thi. Các kịch bản của anh chủ yếu được đưa về phục vụ nhân dân trên địa bàn huyện.
“Mỗi năm trung tâm thực hiện 90 buổi tuyên truyền về cơ sở. Do đó, trong mỗi kịch bản tuyên truyền, tôi vừa lồng ghép những vấn đề người dân quan tâm vừa kết hợp với âm nhạc để giúp họ không bị “ngán” khi xem. Tôi cho rằng, điều quan trọng trong sáng tác kịch bản là người viết phải có vốn sống, nhạy bén, nắm bắt tình hình xã hội để phản ánh những vấn đề “nóng” của cuộc sống thì những tác phẩm ra đời mới có giá trị cao” - anh Phạm Đức chia sẻ.
Anh Cao Thép, cán bộ phụ trách Đội TTLĐ Trung tâm Văn hóa - điện ảnh tỉnh là người yêu và tâm huyết với công tác TTLĐ. Anh dành thời gian quan sát cuộc sống xung quanh để cho ra đời những vở kịch mang hơi thở đời sống, gần gũi với người dân, phản ánh các vấn đề xã hội như: rượu chè, cờ bạc, ma túy, bạo lực gia đình, tình trạng vi phạm an toàn giao thông...
“Bản thân người viết phải luôn nỗ lực để có những kịch bản ấn tượng. Các vở kịch thường nằm dưới dạng kịch ngắn, kịch vui, được lưu diễn trong các chương trình văn nghệ TTLĐ trên địa bàn tỉnh trong nhiều năm qua. Từ đó, nâng cao nhận thức và kéo giảm tệ nạn xã hội tại địa phương” - anh Thép nói.
* Thầm lặng sau sân khấu
Để có một vở kịch hay, ngoài tài năng của đạo diễn, diễn xuất của diễn viên thì phần nội dung kịch bản đóng vai trò khá quan trọng. NSƯT Bích Ngọc, hội viên Hội Văn học - nghệ thuật tỉnh cho biết, đã viết kịch bản và làm đạo diễn sân khấu không chuyên khá lâu. Các kịch bản của nghệ sĩ Bích Ngọc đến với công chúng Đồng Nai qua các hội thi, hội diễn, liên hoan nghệ thuật quần chúng từ tỉnh đến cơ sở.
“Viết kịch tuyên truyền càng ngắn càng khó viết. Mỗi kịch bản được dàn dựng và được công chúng đón nhận nghĩa là sân khấu đã gần gũi với cuộc sống đời thường. Tôi mong khán giả luôn ủng hộ để những người làm nghệ thuật được thêm "lửa" đam mê, tiếp tục sáng tạo” - NSƯT Bích Ngọc chia sẻ.
Đối với sân khấu không chuyên, đa số khán giả xem kịch ngắn, kịch vui chỉ nhớ đến đạo diễn, diễn viên, còn tác giả kịch bản ít được chú ý. Theo NSƯT Trần Đức Sìn, bản thân tên gọi của loại kịch đã ít nhiều khiến người ta liên tưởng tới những gì khô khan, máy móc. Tuy nhiên, hiệu quả của các kịch bản TTLĐ đã được chứng minh bằng sự yêu mến của khán giả dành cho các diễn viên không chuyên cũng như toàn đội ngũ dàn dựng. Đó là những câu chuyện thực tế, khắc họa cuộc sống đời thường chân thật nhưng lại truyền tải nhiều thông điệp ý nghĩa.
Ly Na