Là loại hình đào tạo đặc thù, yêu cầu năng khiếu ở đầu vào, nên công tác tìm kiếm năng khiếu nghệ thuật tại Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật (VHNT) Đồng Nai những năm qua gặp không ít khó khăn, nhất là các môn học ở Khoa Âm nhạc truyền thống.
Là loại hình đào tạo đặc thù, yêu cầu năng khiếu ở đầu vào, nên công tác tìm kiếm năng khiếu nghệ thuật tại Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật (VHNT) Đồng Nai những năm qua gặp không ít khó khăn, nhất là các môn học ở Khoa Âm nhạc truyền thống.
Một tiết dạy thực hành đàn tranh cho học sinh của ThS Lê Thị Thanh Hương, giáo viên Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật Đồng Nai. Ảnh: Ly Na |
Do đó, để mùa tuyển sinh năm nay đạt và vượt chỉ tiêu đề ra, nhà trường đã áp dụng nhiều cách thức, biện pháp mới nhằm “đãi cát tìm vàng” cho nghệ thuật tỉnh nhà.
* Về cơ sở tìm kiếm năng khiếu
Năm 2020, Trường trung cấp VHNT Đồng Nai được giao tuyển sinh 70 chỉ tiêu ở các chuyên ngành nghệ thuật biểu diễn với 4 khoa là: âm nhạc truyền thống, âm nhạc phương Tây, thanh nhạc và múa. Để tìm kiếm học sinh có năng khiếu nghệ thuật vào học ở trường, ngay từ đầu năm, nhà trường đã có kế hoạch tuyển sinh vào tháng 3. Tuy nhiên do dịch bệnh Covid-19, công tác tuyển sinh được dời lại vào tháng 6 và tháng 8.
Hiện tại, nhà trường đã tuyển được 98 học sinh tại cơ sở, trong đó có gần 50 học sinh đăng ký theo chuyên ngành nghệ thuật truyền thống. Riêng 2 ngày 3 và 4-8 tới, nhà trường sẽ tiếp tục tuyển sinh tại trường với hơn 40 hồ sơ đã đăng ký.
ThS Phùng Ngọc Long, Phó hiệu trưởng Trường trung cấp VHNT Đồng Nai cho biết, xác định công tác tìm kiếm năng khiếu nghệ thuật để đào tạo và thu hút các em theo học là rất khó nên năm nay, nhà trường đã chủ động và có nhiều đổi mới trong tuyển sinh. Ngay từ giữa tháng 6, trường đã về cơ sở, mở đầu là Nhà văn hóa các dân tộc Tà Lài (H.Tân Phú). Sau đó, tiếp tục đến ấp 5, xã La Ngà; ấp Tân Lập, xã Phú Túc (H.Định Quán); ấp 2, ấp 3, xã Sông Ray (H.Cẩm Mỹ)… để tìm kiếm tài năng nghệ thuật.
“Nếu như trước đây, nhà trường phối hợp với UBND các xã, trung tâm văn hóa - thể thao các huyện, thành phố về tuyển sinh thì năm nay, trường đã về tận các ấp, phối hợp với các trường học vùng sâu có đông con em đồng bào các dân tộc thiểu số. Đối tượng nhà trường hướng đến là học sinh khối lớp 5 và lớp 9, bởi đây là lứa tuổi chuẩn bị chuyển cấp học, phù hợp với lịch học, thời gian đào tạo tại trường” - ThS Phùng Ngọc Long nói.
Để tuyển được 98 học sinh ở cơ sở đăng ký theo học các chuyên ngành nghệ thuật, Trường trung cấp VHNT Đồng Nai đã tổ chức nhiều chuyến đi thực tế, thăm dò tình hình học sinh ở các trường tiểu học và THCS trên địa bàn tỉnh. Trong các chuyến đi, thành viên Hội đồng tuyển sinh phổ biến những chính sách ưu đãi, cơ hội việc làm, học bổng theo quy định hiện hành dành cho học sinh, nhất là con em đồng bào các dân tộc thiểu số. Đặc biệt, học sinh còn được hưởng chế độ trợ cấp của Nhà nước, hỗ trợ tiền ăn và chỗ ở tại ký túc xá…
* Nhiều kỳ vọng
Có hơn 17 năm giảng dạy tại Khoa Âm nhạc truyền thống tại Trường trung cấp VHNT Đồng Nai, ThS Lê Thị Thanh Hương cho biết, số lượng học sinh đăng ký và trúng tuyển trong đợt tuyển sinh ở cơ sở vừa qua là tín hiệu đáng mừng. Bởi không ít học sinh vào trường chỉ học được một thời gian đã xin nghỉ, nhất là các em theo học âm nhạc truyền thống.
Trường trung cấp VHNT Đồng Nai đã có văn bản gửi Sở VH-TTDL về việc xin chủ trương cho trường liên kết với Nhạc viện TP.HCM đào tạo liên thông từ trung cấp, cao đẳng lên đại học ngành sư phạm âm nhạc năm 2020. Theo nhà trường, trong 3 năm (2017-2019), được sự chấp thuận của UBND tỉnh, nhà trường đã thực hiện liên kết với Nhạc viện TP.HCM đào tạo hơn 120 học viên, trong đó có học viên khóa năm 2017 đã tốt nghiệp. Năm 2020 trường liên kết đào tạo ngành sư phạm âm nhạc hệ vừa học vừa làm với 80 chỉ tiêu. |
“Có những năm, trường tuyển được khá nhiều thí sinh có năng khiếu nhưng đến lúc nhập học các em lại không đến. Có rất nhiều lý do, xuất phát từ việc học sinh và gia đình xem các ngành nghệ thuật là một kỹ năng chứ chưa phải là nghề nghiệp. Các em chưa yêu, chưa say và sợ khó khăn trong “đầu ra” nên ít mặn mà, không chọn thử sức. Bên cạnh đó, thời gian học dài đòi hỏi sự khổ luyện cao mà thời gian sống với nghề lại quá ngắn…” - ThS Lê Thị Thanh Hương chia sẻ.
Cùng với nỗ lực trong tuyển sinh, tìm kiếm năng khiếu nghệ thuật, hiện nay Trường trung cấp VHNT Đồng Nai đang xin chủ trương để liên kết với Nhạc viện TP.HCM đào tạo trình độ cao đẳng, đại học. Việc liên kết này đã và đang mở ra cho trường thêm một hướng đi mới, giúp học sinh, sinh viên nâng cao trình độ chuyên môn, theo học các chuyên ngành yêu thích, phục vụ cho công việc về sau.
Cũng theo ThS Phùng Ngọc Long, vài năm trở lại đây, số lượng sinh viên của trường sau khi tốt nghiệp, tìm được việc làm đã tăng lên. Với những em theo học chuyên ngành âm nhạc phương Tây, các em đã về địa phương cộng tác với các trung tâm văn hóa, mở các trung tâm dạy nhạc cụ riêng. Với học sinh chuyên ngành âm nhạc dân tộc, các em học lên bậc đại học, sau đó trở về công tác tại các trường học hoặc làm việc tại các đơn vị du lịch trong và ngoài tỉnh.
“Mỗi mùa tìm kiếm học sinh có năng khiếu nghệ thuật để đào tạo, nhà trường không tránh khỏi âu lo. Tuy nhiên, với những kết quả đã tuyển sinh được trong tháng 6 vừa qua cho phép chúng tôi hy vọng. Bên cạnh đó, nhà trường cũng rất quan tâm đến vấn đề đào tạo, chú trọng hoạt động dạy và học, ứng dụng công nghệ thông tin để hội nhập. Từ dạy học, nhà trường sẽ có những định hướng cụ thể về nghề nghiệp để học sinh chuyên tâm theo đuổi con đường nghệ thuật đã chọn” - ThS Phùng Ngọc Long nhấn mạnh.
Ly Na