Sau chín mươi mốt năm sống, Già làng Nguyễn Văn Nổi của làng Chơro Lý Lịch đã an yên trong ngôi nhà sàn độc đáo của mình. Đó không phải là căn nhà sàn to lớn, có loại gỗ quý gì nhưng là tâm huyết của chính ông để giữ lại những giá trị di sản của cộng đồng Chơro.
Sau chín mươi mốt năm sống, Già làng Nguyễn Văn Nổi của làng Chơro Lý Lịch đã an yên trong ngôi nhà sàn độc đáo của mình. Đó không phải là căn nhà sàn to lớn, có loại gỗ quý gì nhưng là tâm huyết của chính ông để giữ lại những giá trị di sản của cộng đồng Chơro.
Già làng Năm Nổi. Ảnh: Hữu Cường |
[links()]Nhà sàn lưu lại những dấu ấn, hiện vật, hình ảnh mang hơi thở của rừng xanh Chiến khu Đ qua hai cuộc kháng chiến, những nét văn hóa của tộc người Chơro mà ông ấp ủ, sưu tầm và được nhiều người cùng chung tay khi nhà nghiên cứu văn hóa Huỳnh Văn Tới chủ xướng để hoàn thiện. Ở đó, có thêm những hình ảnh của ông và cộng đồng như khắc họa thêm về một già làng bình dị, cương trực và dễ mến với tên gọi thân mật: Già làng Năm Nổi.
* Thời trai trẻ với rừng xanh
Già làng Năm Nổi mang hai dòng máu Kinh và Chơro. Cha ông từ vùng đồn điền cao su trốn sự truy lùng của giới chủ đã đến làng Lý Lịch trước đây sinh sống, lập gia đình với người của dòng họ Hồng dân tộc Chơro. Ông sinh ra và lớn lên trong làng Chơro thấm đẫm tình người thời loạn. Làng Lý Lịch vẫn bình yên cho đến khi giặc bố lùng, gây chiến. Cùng với những người trong làng như Hai Nghĩnh, ông Năm Nổi cùng dân làng bỏ làng, theo Việt Minh vào rừng kháng chiến, làm cách mạng chứ nhất quyết “mưt theo Pha lang sa” (không theo thực dân Pháp). Tuổi còn nhỏ, vốn thông thuộc núi rừng, ông làm giao liên, tiếp tế lương thực cho chiến sĩ Vệ quốc đoàn thời chống Pháp, rồi du kích trực tiếp đánh giặc, giữ làng… Khi quân Mỹ xâm lược, ông Năm Nổi cùng những người con của làng Chơro tiếp tục “mưt theo đế quốc Mỹ” (không theo đế quốc Mỹ), vào rừng, chiến đấu cùng với lực lượng cách mạng. Ngang dọc những con đường mòn, khe suối, trảng cỏ, ông dẫn các đơn vị hành quân đánh giặc, tham gia sản xuất cho kinh tế kháng chiến vùng căn cứ, trở về làng gây dựng lực lượng cách mạng, làm Dân vận đối với vùng đồng bào Mạ, S’tiêng ở vùng rừng Bù Cháp. Già làng và vợ là bà Hồng Thị Lịch được Nhà nước tặng nhiều huân, huy chương trong sự nghiệp kháng chiến bảo vệ đất nước.
Ngang dọc núi rừng như thuộc bàn tay mình, ông Năm Nổi biết được những chỗ trú quân tránh càn quét, đặc biệt, biết những khu đồi có cây củ chụp (củ mài) để chỉ dẫn dân làng, chiến sĩ đến khai thác phục vụ nuôi quân trong những năm tháng khó khăn về lương thực. Vì vậy, sau này, khi về thăm Chiến khu Đ, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã gọi Già làng Năm Nổi là “ông Năm củ chụp” hướng dẫn đến đồi Củ Chụp xem lại dấu tích một thời “gian lao mà anh dũng”. Khi truy tìm những dấu tích của thời kỳ kháng chiến, đặc biệt của 2 căn cứ Khu ủy miền Đông, Trung ương Cục miền Nam tại Mã Đà, Già làng Năm Nổi là địa chỉ được tìm đến để có nguồn tư liệu hồi cố trong xác minh địa điểm qua trí nhớ những dấu vết, con suối, bàu nước, hàng cây, ngọn đồi, tảng đá… Lúc còn sống, Già làng Năm Nổi được những lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước thăm hỏi mỗi khi đến Chiến khu Đ. Ông trở thành biểu tượng của tinh thần quả cảm, kiên trung, đoàn kết của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng Chiến khu Đ.
* “Giữ hồn” cho buôn làng
Từ ngày đất nước thống nhất, Già làng Năm Nổi gắn với cộng đồng Chơro xây dựng cuộc sống mới, tạo dựng làng định canh định cư tại Lý Lịch. Ông luôn trăn trở làm thế nào để bảo tồn di sản của người Chơro trước những thay đổi khá nhiều, có thể làm mai một đi nét văn hóa của cộng đồng. Với sức khỏe và trí nhớ của mình, ông mang gùi, vắt ná hướng dẫn các đoàn nghiên cứu, sưu tầm, lội suối, băng đồi, treo võng giữa rừng để tìm cho ra những dấu tích đã từng bắt gặp trong thời kỳ kháng chiến. Nhờ vậy, Bảo tàng Đồng Nai mới biết đến, khai quật di chỉ kiến trúc cổ miễu Ông Chồn nằm trên lưng chừng núi. Một loạt các hiện vật thời kỳ kháng chiến được sưu tầm trong Chiến khu Đ mà cảnh quan đã thay đổi quá nhiều bởi thời gian. Những bộ sưu tập hiện vật về văn hóa tộc người Chơro được ông cung cấp cho đơn vị văn hóa lưu giữ, trưng bày. Khi có chủ trương phục hồi các giá trị văn hóa, làng Lý Lịch được chọn là nơi thực hiện Tuần lễ Văn hóa đầu tiên trong cộng đồng dân tộc thiểu số ở Đồng Nai. Già làng Năm Nổi tập trung dân làng cùng với ngành Văn hóa thực hiện lễ hội làm cơ sở cho một quá trình phát huy giá trị lễ hội của các dân tộc anh em ở Đồng Nai.
Già làng Năm Nổi hướng dẫn đào củ chụp trong một chuyến thăm Chiến khu Đ của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ảnh: tư liệu |
Trong công tác bảo tồn và phát huy văn hóa của người Chơro, Già làng Nguyễn Văn Nổi có vai trò tích cực. Những đoàn nghiên cứu văn hóa trong và ngoài Đồng Nai tìm đến ông, được ông cung cấp tư liệu phong phú. Từ những nét sinh hoạt, tập quán xưa đến kinh nghiệm về khai thác, bảo vệ tài nguyên rừng ở Đông Nam bộ, bí quyết chế biến các loại thức ăn, rượu cần của người Chơro… Đặc biệt, ông là người duy nhất của cộng đồng Chơro tại Lý Lịch thuộc những bài bản cồng chiêng, chỉnh cồng chiêng và nhiệt tình, tâm huyết truyền dạy trong cộng đồng. Nhiều nhà nghiên cứu trân trọng gọi ông là “báu vật sống”, người “giữ hồn” cho buôn làng Chơro. Bất kỳ một ai đến tìm hiểu về người Chơro đều được ông tận tình hướng dẫn, thuyết minh, giải thích cặn kẽ về văn hóa của cộng đồng. Năm 2008, Già làng Nguyễn Văn Nổi được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam trao tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp văn nghệ dân gian Việt Nam, danh hiệu Nghệ nhân dân gian.
Tôi may mắn được cùng ông lội rừng Chiến khu Đ trong những chuyến điền dã, một thời gian sống cùng với làng Chơro để ghi chép, tìm kiếm những nguồn tư liệu của cộng đồng. Nhiều đêm, trên nhà sàn nhỏ nơi bìa rừng, bên dòng Sa Mách, nghe ông gảy đàn tre, kể chuyện về một thời cả làng theo cách mạng trong ánh mắt thăm thẳm của núi rừng… Đó là những nguồn tư liệu quý báu đã tạo cho tôi những động lực khi tìm hiểu về văn hóa các cộng đồng. Giờ đây, ông đã ra đi theo quy luật của đời người, để lại một khoảng trống trong căn nhà như một bảo tàng thu nhỏ của làng Chơro Lý Lịch bởi chính ông cũng là một báu vật, nhân chứng sống động một thời. Nhưng, những gì ông để lại cho làng, cho tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm bảo tồn di sản luôn đáng trân trọng. Và, ông vẫn còn đó, hình ảnh của già làng với ánh mắt đăm chiêu, trong bước đi nhanh nhẹn trên núi rừng, những ngón tay gảy đàn tre, diễn tấu cồng chiêng… được nhiều thước phim tư liệu còn lưu tồn, phổ biến trên phương tiện truyền thông đại chúng như nhắc nhớ.
Tôi muốn gọi ông là “cánh chim” của núi rừng vang bóng một thời hào hùng của Chiến khu Đ trong lòng miền Đông “gian lao mà anh dũng”. Giờ đây, cánh chim đó không bay nữa, đã hòa vào núi rừng này với cây cối, trảng cỏ, những cung đường mòn, dòng suối Sa Mách, Suối Ràng, núi Ông Chồn, đồi Củ Chụp, rẫy lúa… mà ông đã đặt chân đến. Làng Lý Lịch vẫn còn đó những “cánh chim” đã được già làng Năm Nổi truyền dạy, tiếp bước…
Phan Đình Dũng