Cứ đến gần dịp 30-4 hằng năm, Cục Điện ảnh (Bộ VH-TTDL) lại tổ chức đợt chiếu phim chào mừng các ngày lễ lớn. Năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thay vì xem phim lưu động, nhiều bộ phim về đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng… được công chiếu rộng rãi trên Đài Truyền hình Việt Nam và mạng xã hội.
Cứ đến gần dịp 30-4 hằng năm, Cục Điện ảnh (Bộ VH-TTDL) lại tổ chức đợt chiếu phim chào mừng các ngày lễ lớn. Năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thay vì xem phim lưu động, nhiều bộ phim về đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng… được công chiếu rộng rãi trên Đài Truyền hình Việt Nam và mạng xã hội.
Poster một số bộ phim đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng |
Những thước phim ấy vừa mang giá trị lịch sử, nghệ thuật, vừa giáo dục truyền thống, khơi gợi niềm tự hào dân tộc cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
* Nhiều phim lịch sử, cách mạng
Rất nhiều bộ phim có đề tài lịch sử, cách mạng đang được khán giả tìm xem trong tháng 4 như: Phép màu tình yêu, Những ngày đêm không thể nào quên, Những người viết nên huyền thoại, Biệt động Sài Gòn, Mùi cỏ cháy, Đừng đốt, Giấc mơ thổ cẩm, Đường xuyên rừng, Những đứa con của làng, Sống cùng lịch sử, Mẹ ơi con đã về...
Biệt động Sài Gòn của đạo diễn Long Vân tái hiện những chiến công của đội biệt động Sài Gòn trước năm 1975. Ở đó, ngoài những cảnh chiến đấu, phim còn đan xen câu chuyện tình yêu đầy cảm xúc. Sau hơn 3 thập niên trôi qua, bộ phim vẫn thu hút khán giả và luôn được yêu thích.
Thực tế, các mùa phim trong năm, bản thân nhà sản xuất cũng phải đối diện với việc tìm hướng đi thích hợp để đáp ứng thị hiếu ngày càng cao của khán giả. Phim đề tài lịch sử, cách mạng để có được sự ủng hộ của khán giả ngoài mang đến câu chuyện về lịch sử hay, câu chuyện chiến tranh xúc động thì các tác phẩm cần lựa chọn những chủ đề mới, đưa người xem đến các vấn đề được dư luận quan tâm và mang nhiều hơi thở của thời đại. |
Khai thác góc cạnh tình yêu trong thời chiến, bộ phim Mắt biển của đạo diễn Đặng Thái Huyền lại tạo ấn tượng mạnh với khán giả truyền hình. Câu chuyện tình yêu thời chiến éo le giữa ba nhân vật Ngân, Thành và Vỹ được đạo diễn Đặng Thái Huyền xử lý khéo léo và đầy xúc động.
Là bộ phim nhựa về đề tài chiến tranh Việt Nam, phim Cánh đồng hoang của đạo diễn Nguyễn Hồng Sến lấy bối cảnh là cánh đồng hoang ở vùng Đồng Tháp Mười trong những ngày diễn ra cuộc kháng chiến chống Mỹ. Vợ chồng Ba Đô và đứa con nhỏ sống trong một căn chòi giữa dòng nước. Họ được lực lượng cách mạng Việt Nam giao nhiệm vụ giữ đường dây liên lạc cho bộ đội. Phim khai thác cuộc sống thường ngày của đôi vợ chồng, xen kẽ vào đó là những cảnh trực thăng của quân đội Mỹ quần thảo khu vực này nhằm phát hiện đội du kích hoạt động…
Những người viết huyền thoại của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng tái hiện câu chuyện đầy bi tráng quanh việc lắp đặt đường ống dẫn dầu dài 5 ngàn km xuyên dãy Trường Sơn trong những năm tháng khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ (1968-1969). Bên cạnh đường ống huyền thoại ấy là rất nhiều những con người anh dũng khác đã ngã xuống, máu của họ hòa vào đại ngàn Trường Sơn để đưa những đoàn quân ra trận. Phim gây ấn tượng bằng những cảnh quay thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ. Những cảnh quay lãng mạn về tình yêu của người lính cũng giúp cảm xúc của người xem trọn vẹn hơn.
* Khơi niềm tự hào dân tộc
Nhiều năm làm công tác chiếu phim lưu động, Đội trưởng Đội chiếu phim số 1 của Trung tâm Văn hóa - điện ảnh tỉnh Trần Công Tư cho biết, dòng phim lịch sử, cách mạng được lựa chọn chiếu vào các dịp lễ 30-4, 1-5, 19-5… Dòng phim này rất kén người xem, chủ yếu là đối tượng trung niên và người già. Đa số người trẻ thích các phim tình cảm, phim hành động chiếu ở rạp lớn. Tuy nhiên, trong đợt dịch Covid-19 này, nhu cầu xem phim của công chúng là rất lớn.
“Việc chiếu các phim lịch sử, cách mạng trên một số kênh của Đài Truyền hình Việt Nam hay mạng xã hội không chỉ góp phần khơi gợi những ký ức lịch sử hào hùng của một thời mà còn có ý nghĩa giáo dục to lớn. Người xem sẽ cảm nhận được nhiều cung bậc cảm xúc, đó có thể là rưng rưng, bồi hồi, xúc động hay hạnh phúc, vui mừng. Tôi tin, mỗi người sẽ chọn dòng phim này và xem theo cách rất riêng” - anh Tư nói.
Cựu chiến binh Hoàng Sinh Tản (ngụ tại P.Bửu Long, TP.Biên Hòa) cho biết, theo dõi các bộ phim đề tài lịch sử, chiến tranh được chiếu trên Đài Truyền hình Việt Nam với ông là thói quen. Mỗi câu chuyện là một thước phim quay chậm, ông có cảm giác như trở về những năm tháng hào hùng của tuổi trẻ.
Ông Tản bày tỏ: “Những bộ phim cách mạng rất hay và ý nghĩa. Bên cạnh khắc họa hình ảnh khốc liệt của chiến tranh, nhiều phim còn thể hiện tinh thần dũng cảm chiến đấu, hy sinh của thế hệ cha anh, cuộc sống, tình yêu thời chiến. Qua đó, nâng cao nhận thức về truyền thống của dân tộc, giáo dục lòng yêu nước và lý tưởng cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau”.
Ly Na