Cũng đã khoảng 1 tháng, các sàn diễn ở TP.HCM tạm ngưng biểu diễn. Nhạc sĩ, ca sĩ nhớ nghề quá có thể cầm đàn, ôm mic nằm nhà hát giao lưu với khán giả cho đỡ nhớ nghề. Còn những người biểu diễn, đặc biệt sân khấu kịch, dường như khó hơn, nhưng không vì thế mà không thể…
Cũng đã khoảng 1 tháng, các sàn diễn ở TP.HCM tạm ngưng biểu diễn. Nhạc sĩ, ca sĩ nhớ nghề quá có thể cầm đàn, ôm mic nằm nhà hát giao lưu với khán giả cho đỡ nhớ nghề. Còn những người biểu diễn, đặc biệt sân khấu kịch, dường như khó hơn, nhưng không vì thế mà không thể…
Nghệ sĩ Ái Như vai bà Hai trong clip Chuyện cách ly nhà bà Hai. Ảnh: Trí Trọng |
* Xem kịch trên mạng
Thứ bảy tuần qua, fanpage sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh vừa giới thiệu đoạn clip dài 7 phút Nhà ngoại cảm Mộng Hoài làm việc tại nhà. Trong đoạn clip thú vị này, nghệ sĩ Ái Như vào vai nhà ngoại cảm Mộng Hoài trong thời gian cách ly, được tổ trưởng tổ dân phố nhắc nhở ở nhà nên bà quyết không đi đâu, có cơm ăn cơm, có mắm ăn mắm. Ở nhà, vậy mà cũng có chuyện để làm bởi Mộng Hoài có khả năng... trò chuyện với người cõi âm. Được người cõi âm nhắn người cõi dương, bảo mua khẩu trang đầy đủ, rửa tay sạch sẽ, đo thân nhiệt mỗi ngày, vệ sinh nhà cửa, cha con nói chuyện cách nhau... 2m!
Có lẽ không khó để fan của Hoàng Thái Thanh nhận ra đây là Mộng Hoài “biến tấu” từ nhân vật Mộng Hoài trong vở kịch quen thuộc của sân khấu Ngôi nhà thiếu đàn bà. Đây là lần thứ 3 liên tiếp, khán giả mộ điệu sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh vừa bất ngờ, vừa thú vị sau khi fanpage của sân khấu đã giới thiệu trước đó 2 clip Chuyện cách ly nhà bà Hai và Phòng dịch mùa Covid cùng cô Uyên.
Trong clip Chuyện cách ly nhà bà Hai dài hơn 4 phút, nghệ sĩ Ái Như trong hình ảnh bà Hai (vở Nửa đời ngơ ngác). Bữa trưa, bà Hai ngủ dậy giật mình thấy trong nhà chứa đầy mì gói, bánh mì, bánh tráng, dầu ăn, su hào, giấy vệ sinh… Bà Hai bực mình rầy Út Lý đâu có việc gì phải quýnh quáng, mua chi đầy nhà ăn không hết thì phí.
Trong clip Phòng dịch mùa Covid cùng cô Uyên khoảng 3 phút, Ái Như là cô Ngọc Uyên khùng (vở Người điên trong ngôi nhà cổ), cô vừa tự làm khẩu trang bằng miếng vải và sợi ny-lông, vừa mắng Tư Thẹo bảo mình đeo khẩu trang là không lây bệnh. Rồi cô bảo, rửa tay bằng xà bông sạch sẽ là chắc chắn bệnh của Tư Thẹo không dính gì tới cô.
* Để khán giả không quên sàn kịch
Với 3 clip tung ra, Hoàng Thái Thanh khiến khán giả của mình hết sức bất ngờ, bởi đâu ai nghĩ có một ngày Hoàng Thái Thanh có thể làm “kịch cổ động”, mà “cổ động” theo kiểu đặc sệt Hoàng Thái Thanh, chứ không hô hào khẩu hiệu mới thật là... chất!
Chia sẻ về ý tưởng lạ này, nghệ sĩ Ái Như cho biết khi sân khấu dừng hoạt động, nhìn fanpage của Hoàng Thái Thanh - cầu nối duy nhất với khán giả trong đợt dịch vắng lặng chị cũng thấy chạnh lòng. Vậy là chị bàn cùng con trai, đạo diễn Công Hiển. Hai mẹ con nghĩ nên làm gì đó đưa lên fanpage của sân khấu để kết nối với khán giả thân thương. Vậy là nghĩ đến những nhân vật quen thuộc trong các vở diễn, rồi mẹ con tự sửa soạn góc nhà nào đó, tự quay.
Theo thói quen, phục trang, tóc tai cho các nhân vật chị thường để trên sân khấu hết nên trong đợt dịch, mẹ con chị tìm kiếm những gì còn lại trong nhà để tận dụng. “Cứ mỗi thứ bảy, Hiển đưa một clip trên fanpage để khán giả gặp gỡ nhân vật quen thuộc, trong câu chuyện của họ có lồng ghép vài thông điệp nhẹ nhàng để mọi người cùng động viên nhau bảo vệ sức khỏe cho bản thân, cho cộng đồng” - Ái Như chia sẻ.
Sử dụng nhân vật kịch quen thuộc để tuyên truyền, kêu gọi người dân ý thức trước đại dịch, Hoàng Thái Thanh một lần nữa chứng tỏ luôn tinh tế trong mọi hoạt động. Với sự kỹ tính của mình, nghệ sĩ Ái Như biết chọn nhân vật phù hợp, lớp kịch phù hợp để biến tấu nhân vật, khiến những thông điệp đi vào lòng người xem thật nhẹ nhàng, tự nhiên, không khiên cưỡng. Chính vì thế, khi những clip trên tung ra đã được khán giả đón nhận và phản hồi tốt.
Nghệ sĩ Ái Như tâm sự: “Chỉ là chút đóng góp nhỏ nhoi để chúng ta cùng nâng cao ý thức. Mong dịch qua mau để nghệ sĩ và khán giả có dịp gặp gỡ nhau trên sàn diễn”.
Trí Trọng