Chiến tranh và nhiều lý do khác đã tạo nên những đứt gãy về văn hóa, khiến cho việc phát triển và tiếp nhận trở nên khó khăn. Tuy nhiên, với sự chung tay của nhiều người tâm huyết và đam mê, di sản văn hóa dân tộc dần hồi sinh thông qua việc xuất bản những đầu sách có giá trị.
Chiến tranh và nhiều lý do khác đã tạo nên những đứt gãy về văn hóa, khiến cho việc phát triển và tiếp nhận trở nên khó khăn. Tuy nhiên, với sự chung tay của nhiều người tâm huyết và đam mê, di sản văn hóa dân tộc dần hồi sinh thông qua việc xuất bản những đầu sách có giá trị.
Nhiều sách di sản Đồng Nai được giới thiệu, trưng bày tại hệ thống thư viện và di tích trên địa bàn tỉnh |
Tại Đồng Nai, dòng sách di sản văn hóa được nhiều tác giả, nhà nghiên cứu quan tâm. Sự ra đời của các đầu sách này góp phần đưa di sản đến gần hơn với công chúng, đánh thức di sản bị lãng quên…
* Miền di sản trong sách
Hiện nay, trên thị trường, sách di sản văn hóa xuất hiện ngày càng nhiều với đa dạng thể loại, độc giả có thể thoải mái lựa chọn. Các cuốn sách được cộng đồng quan tâm thời gian gần đây như: Sài Gòn gìn vàng giữ ngọc, Chuyện nhỏ ở Chợ Lớn, Câu chuyện cải lương thật và đẹp, Dòng tranh dân gian Đông Hồ, Phác họa Nghê - Gã linh vật bên rìa, Họa sắc Việt từ tranh Hàng Trống, Lịch sử thư pháp Việt Nam, Ngàn năm áo mũ… Di sản văn hóa xưa và nay trong các ấn phẩm này được nhìn từ nhiều góc độ, từ tổng quan đến tiểu tiết, ở chiều rộng lẫn chiều sâu.
Là một trong những tác phẩm có khối lượng tri thức lớn, khá đầy đủ, toàn diện và chân xác về vùng đất Nam bộ, bộ sách Vùng đất Nam bộ được thực hiện bởi đội ngũ các nhà khoa học có uy tín và chuyên gia hàng đầu Việt Nam. Vùng đất Nam bộ được chia làm 2 bộ gồm: bộ tổng quan, rút gọn với nhan đề: Vùng đất Nam bộ - Quá trình hình thành và phát triển (do GS Phan Huy Lê chủ biên); bộ chuyên khảo gồm 10 tập, đi sâu nghiên cứu về nhiều lĩnh vực của vùng đất phương Nam, từ điều kiện tự nhiên, lịch sử, dân cư, dân tộc, tôn giáo và thiết chế quản lý xã hội, quá trình Nam bộ hội nhập. Bộ sách cũng cung cấp cơ sở lịch sử, pháp lý vững chắc phục vụ cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.
Tại Đồng Nai, nhiều bộ sách di sản có giá trị do các tác giả như: PGS-TS Huỳnh Văn Tới, TS Nguyễn Thị Nguyệt, ThS Phan Đình Dũng, Nguyễn Trí Nghị, Trần Minh Trí… nghiên cứu, xuất bản. Có thể kể đến các đầu sách: Di tích - danh thắng Đồng Nai, Sáng ngời chất ngọc Anh hùng, Những ngôi nhà cổ tiêu biểu ở Đồng Nai, Biên Hòa xưa và nay, Đồng Nai di tích lịch sử văn hóa, Hình ảnh Biên Hòa xưa, sách ảnh Các dân tộc thiểu số ở Đồng Nai, Chiến tranh rừng Sác... Những đầu sách này đã đến với bạn đọc qua nhiều hình thức giới thiệu, trưng bày của thư viện, bảo tàng, NXB.
Mới đây nhất, Bảo tàng Đồng Nai đã hoàn thành công tác xuất bản, giới thiệu nhiều đầu sách gồm: Di tích đình Phước Thiền (H.Nhơn Trạch), Di tích đình Long Chiến (H.Vĩnh Cửu), Di tích đình Xuân Lộc - chùa Xuân Hòa (TP.Long Khánh). Các cuốn sách có cái nhìn bao quát, khá toàn diện về di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh. Qua sách, công chúng không chỉ thấy được xuất xứ, chiều dài lịch sử, mà còn cảm nhận được kiến trúc, kỹ thuật tạo nên những nét tinh hoa đặc trưng của các di tích.
Dòng sách di sản không chỉ có các công trình, kiến trúc lịch sử, tôn giáo mà còn ẩn trong những giá trị văn hóa phi vật thể (phong tục, lễ hội, dân ca…). Các nhà nghiên cứu cho rằng, việc ngày càng có nhiều tổ chức, cá nhân quan tâm, quảng bá di sản thông qua hoạt động xuất bản sách cho thấy đây là tín hiệu đáng mừng trong bảo tồn, lưu trữ, phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam. Những đầu sách này sẽ góp phần đưa di sản đến gần hơn với công chúng, để họ cảm nhận sâu sắc cái đẹp, cái quý, từ đó khơi dậy tình yêu, trách nhiệm gìn giữ di sản trong đời sống hiện đại.
* Kén độc giả
Nhiều năm làm công tác nghiên cứu văn hóa - lịch sử tại Đồng Nai, TS Nguyễn Thị Nguyệt (giảng viên Trường đại học Văn hóa TP.HCM) cho rằng, nghiên cứu di sản trên địa bàn tỉnh thời gian qua rất được các cấp, các ngành quan tâm, thu hút đội ngũ người làm công tác nghiên cứu tham gia. Một số di sản của Đồng Nai có quy mô và tính đại diện cao nên việc tìm hiểu, nghiên cứu kéo dài trong nhiều năm. Khi xuất bản, dòng sách di sản này lại có yêu cầu cao về chuyên môn, do vậy “kén” bạn đọc hơn so với các dòng sách đại trà khác.
Thực tế, sách về di sản không chỉ của Đồng Nai mà ở nhiều địa phương khác cơ bản vẫn chưa dễ tiếp cận với đông đảo công chúng. Số đầu sách được yêu thích, lựa chọn tìm đọc, tìm mua chưa nhiều. Tuy nhiên, nhu cầu đọc sách chuyên môn để nghiên cứu, phục vụ hoạt động học tập của học sinh, sinh viên không phải là không có, đặc biệt là những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật.
Theo tác giả Lê Ngọc Quốc - người nghiên cứu văn hóa, lịch sử ở Đồng Nai, dòng sách di sản cung cấp lượng kiến thức nền văn hóa, lịch sử phong phú, sâu rộng. Ngoài việc sử dụng làm tài liệu giáo dục và quảng bá di sản của một địa danh, một vùng đất, dòng sách này còn có giá trị làm cơ sở để “hoạch định” các chính sách bảo vệ di sản. Để thu hút được các đối tượng bạn đọc, cần tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tinh thần liên quan đến di sản như: thi đọc sách, kể chuyện di sản, tìm hiểu văn hóa lịch sử… Có như vậy sẽ phát huy tốt hiệu quả của dòng sách di sản này.
Một trong những mong ước của các tác giả khi thực hiện những dự án sách di sản là có thêm sự quan tâm, hỗ trợ trực tiếp của chính quyền địa phương cả về cơ chế, chính sách và nguồn lực để có thể đầu tư dài hơi. Khơi mạch dòng sách di sản sẽ tạo dựng một kho tàng kiến thức vô giá về di sản văn hóa không chỉ với người Việt, mà còn có thể gây tiếng vang trên cộng đồng quốc tế. Bởi bên cạnh những giá trị xưa cũ, dòng sách di sản hôm nay còn chuyên chở những câu chuyện đẹp, tiếp cận những giá trị của đời sống mới nhằm đáp ứng và phục vụ nhu cầu của công chúng.
Giám đốc NXB Đồng Nai Bùi Thị Lâm Ngọc cho biết: “Trong nỗ lực để đưa dòng sách di sản văn hóa Đồng Nai tiếp cận với bạn đọc, NXB đã phát hành các đầu sách này đến 700 địa chỉ trong tỉnh, bao gồm: thư viện, trường học, các ban ngành, đoàn thể, tổ chức và cá nhân. Ngoài ra, NXB Đồng Nai thường xuyên tổ chức giới thiệu, tuyên truyền rộng rãi các đầu sách đến độc giả cả nước thông qua triển lãm sách, hội sách”. |
Ly Na