Báo Đồng Nai điện tử
En

Quân dân Nam kỳ kháng Pháp trên mặt trận quân sự và văn chương

11:03, 26/03/2020

Quân dân Nam kỳ kháng Pháp trên mặt trận quân sự và văn chương của tác giả Nguyễn Duy Oanh "là một công trình nghiên cứu khá công phu, giúp cho người đọc hiểu biết cụ thể hơn, sâu sắc hơn gần 3 thập kỷ mà quân và dân Nam kỳ đã đi đầu trong sự nghiệp chống thực dân Pháp của cả nước" (GS  Hồ Sĩ Khoách).

Quân dân Nam kỳ kháng Pháp trên mặt trận quân sự và văn chương của tác giả Nguyễn Duy Oanh “là một công trình nghiên cứu khá công phu, giúp cho người đọc hiểu biết cụ thể hơn, sâu sắc hơn gần 3 thập kỷ mà quân và dân Nam kỳ đã đi đầu trong sự nghiệp chống thực dân Pháp của cả nước” (GS  Hồ Sĩ Khoách).

Kể từ khi tiếng súng của thực dân Pháp và Iphanho (Tây Ban Nha) bắn vào cửa biển Đà Nẵng chiều 31-8-1858 đã báo hiệu một trang sử đau thương đầy máu và nước mắt của dân tộc Việt Nam suốt mấy mươi năm. Tại sao lại là 1859 mà không phải là 1858 kể từ ngày tiếng súng chát chúa kia nổ trên bầu trời Việt Nam? Tác giả lấy sự kiện Việt Nam chính thức thúc thủ trước đại bác, tàu đồng của quân xâm lược khi ngày 11-2-1859, quân Pháp và Tây Ban Nha vào cửa biển Cần Giờ, Việt Nam mất Gia Định. Kể từ thời khắc ấy, cùng với công cuộc kháng xâm lăng bằng vũ khí, cho dù thô sơ, cũng xuất hiện một cuộc kháng chiến khác không kém phần ác liệt, kháng giặc bằng vũ khí văn chương: “Giặc Tây đến cửa Cần Giờ/ Biểu đừng thương nhớ đợi chờ uổng công” (ca dao). Những thanh niên trai tráng của miền Nam, của nước Việt năm ấy đã xung phong vào quân ngũ để chiến đấu với kẻ thù, xem nhẹ tình nhà, đặt cao nợ nước.

Cuốn sách được phân làm 3 phần. Phần 1 từ năm 1859 khi giặc Pháp vào cửa biển Cần Giờ đến cuối tháng 12-1861 khi quan quân rút lui về Biên Hòa và sau đó kết thúc bằng Hòa ước 5-6-1862. Theo hòa ước này, Việt Nam mất 3 tỉnh miền Đông: “Bến Nghé cửa tiền tan bọt nước/ Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây” (Chạy giặc - Nguyễn Đình Chiểu). Phần thứ 2 từ sau Hòa ước 1862 đến khi mất nốt 3 tỉnh miền Tây năm 1867, lục tỉnh Nam kỳ rơi vào tay quân Pháp. Phần thứ 3 là giai đoạn từ sau 1867 đến khi vua Hàm Nghi bỏ ngai vàng và lên chiến khu ban dụ Cần Vương kêu gọi sĩ phu và nhân dân cả nước phò vua chống giặc.

Nhân dân Nam kỳ kháng Pháp trên mặt trận quân sự đó là những bậc anh hùng, nghĩa sĩ như: Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Hữu Huân, Võ Duy Dương, Phan Liêm, Phan Tôn… Văn chương là thứ vũ khí sắc bén vừa để đánh thẳng vào địch và bọn hợp tác với chúng vừa để thúc đẩy lòng yêu nước của nhân dân. Nhân dân Nam kỳ kháng Pháp trên mặt trận văn chương, đó là những Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Thông, Bùi Hữu Nghĩa, Phan Văn Trị, Huỳnh Mẫn Đạt… Ngoài ra, còn bằng những câu ca dao, bài vè, bài hịch chan chứa nỗi căm hờn và uất ức của nhân dân: “Hỡi trang dẹp loạn rày đâu vắng/ Nỡ để dân đen mắc nạn này” (Chạy giặc - Nguyễn Đình Chiểu)…

“Trong 26 năm (1859-1885) lật qua trang sử vẻ vang trong sự đấu tranh bền bỉ, ngoan cường và tuyệt vời của quân dân Nam kỳ, hình như không có năm nào là không có cuộc nổi lên chống Pháp hoặc bằng gươm giáo hoặc bằng văn thơ… Với bất cứ giá nào, nhân dân Nam kỳ đã lao mình vào cuộc chiến đấu cứu nước, chấp nhận hy sinh trong trận địa mà lực lượng quân sự về vũ khí tối tân hai bên không tương xứng. Người anh hùng này vừa ngã xuống, liền có những anh hùng khác giành giật nhảy vào thay thế như thách đố cái chết. Họ rất can đảm, biết chỗ nguy hiểm mà vẫn cứ lao mình vào như hăng say, như điên cuồng với một quyết tâm phi thường đến nỗi kẻ địch cũng phải sửng sốt và kính phục…” (Nguyễn Duy Oanh).

Sách do NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành.

  Trung Kiên

Tin xem nhiều