Báo Đồng Nai điện tử
En

Lê Phan Hiếu Anh: Chàng sinh viên tâm sự với thơ

10:03, 24/03/2020

Chập chững bước vào con đường sáng tác từ năm tháng học trung học, xuất phát điểm của Lê Phan Hiếu Anh (sinh viên Trường đại học Văn hóa, hội viên Ban Văn học Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai) không có gì nổi bật ngoài những tạp văn, câu vè, cùng đôi ba bài thơ "con cóc".

Chập chững bước vào con đường sáng tác từ năm tháng học trung học, xuất phát điểm của Lê Phan Hiếu Anh (sinh viên Trường đại học Văn hóa, hội viên Ban Văn học Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai) không có gì nổi bật ngoài những tạp văn, câu vè, cùng đôi ba bài thơ “con cóc”.

Chân dung Lê Phan Hiếu Anh
Chân dung Lê Phan Hiếu Anh

Trong suy nghĩ non nớt của cậu trò còn quàng khăn đỏ bấy giờ, mục đích của thi ca là… góp vui với bạn bè trong các dịp hội ngộ, liên hoan. Nói là “góp vui”, song thơ anh trong quãng đời áo trắng lại chủ yếu khoác lên mình một màu buồn rười rượi, như khẳng định phong cách viết từ thuở mới chấp bút:

Nhớ từng tiết học, khi thầy cô vào lớp

Con gái nói chuyện, con trai nghịch ngầm

Lũ trò nhỏ năm nào vô tình lắm

Để thầy cười, giấu não nề trong tim!

                                                                    (Vị xa cách)

Những vần thơ nặng trĩu tâm tư xuyên suốt mạch cảm xúc của Hiếu Anh đến tận hôm nay, khi anh đã có nhiều sáng tác đăng trên các tạp chí, sách báo sau quá trình tích cực nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi về văn học nghệ thuật. Hiếu Anh chia sẻ: “Thời phổ thông, tôi hay suy nghĩ về các mối quan hệ thầy cô, bạn bè, rồi hồn nhiên mà thành những vần thơ chân chất. Còn bây giờ, học đại học, xa gia đình, bắt đầu cọ xát với xã hội, lại có thêm nhiều hiện tượng khiến tôi trăn trở và phản ánh bằng thơ.” Chắc vì vậy, thơ của anh những năm gần đây có bước chuyển mình trưởng thành và sâu sắc hơn:

Sang đường tránh vòng xe lớn

Chân vấp phải tấm lụa là

Môi đắng người đời hờ hững

Cho ta thèm giọt vị tha.

                                                               (Ngổn ngang)

Khi bắt gặp đứa trẻ bán vé số giữa phố thị huyên náo tấp nập, anh mủi lòng xót xa:

Chiều nay bên mái phố

Ta mua giúp đời em

Mà ta giận mình quá!

Vì đã trót dìu em

Thêm một ngày lầm lụi.

                                                                  (Bất lực)

Không gian thơ Hiếu Anh dần mở rộng qua từng chuyến du ngoạn của chàng sinh viên trẻ. Từ đó, những suy tư với cuộc sống cũng được bộc lộ rõ hơn về chiều sâu:

Bây giờ lạc vào cổ xưa

Ai người gọi nắng hô mưa xứ này?

Vẳng trong năm tháng vơi đầy

Vẫn còn vọng tiếng gươm mài lợi danh...

                                                                       (Cố đô)

Thăm Nhà tù Côn Đảo, anh bồi hồi xúc động và tự hào về những trang hùng thiêng quốc sử của dân tộc:

“Tưởng phôi pha những thăng trầm

Ngờ đâu nước mắt chưa cầm trong tim!

Tay giờ chắp khói lặng im

Vẫn nghe tiếng thở hùng thiêng vọng về”.

                                                                     (Lời thiên thu)

Bên cạnh những suy nghiệm về nhân sinh, có một đề tài muôn thuở mà bất cứ thi sĩ nào cũng đều day dứt khôn nguôi, đó là tình yêu đôi lứa. Hiếu Anh chưa bao giờ nhận mình là thi sĩ, nhưng anh có những tứ thơ lạ, già dặn, nức nở, vượt qua hạn định ngưỡng tuổi của mình và như ngọn đuốc âm ỉ cháy trong tim khi viết về tình yêu:

Tôi vẽ quá nhiều mà quên tô vào năm tháng

Những loang lổ bụi trần để biết nhạt nhòa thời gian

Tôi chiếm hữu bóng hình những nàng thơ

Mà quên trả lại nhan sắc:

Trái tim cho người.

                                                                  (Tạ lỗi những nàng thơ)

Và:

Gầy guộc đêm rũ gió chảy qua từng ngón tay

Tôi ôm mình nghe cô phòng hiu hắt

Tấm gương phản chiếu một hình hài lạ hoắc

Mắt môi khô kiệt giữa vụng nhớ chơ vơ...

                                                                              (Ru xưa)

Anh tự nhận, thậm chí tự trách mình chưa đủ chín chắn, trưởng thành để ngỏ lời yêu thương một ai đó:

Hôm nay người lớn buồn

Đặt bút nhào nặn nên một nỗi buồn người lớn

Đứa trẻ con thành hình

Òa khóc.

                                                 (Buồn)

Hay:

Tôi dỗ dành góc phố

Trú duyên bên hiên đời

Khuấy cặn xưa rồi nhấp

Một nỗi buồn… rất tôi!

                                             (Khoác vai nỗi buồn)

Đau đáu và nặng lòng với ngôn từ là thế, nhưng khi tiếp xúc thực tế mới thấy Hiếu Anh luôn nở nụ cười lạc quan và rất thân thiện với mọi người xung quanh. Không có biểu hiện nào cho đối phương nhận ra bên trong anh là một hồn thơ nhạy cảm, tinh tế. Anh quan niệm: “Tuyệt đối không được bấu vịn vào cảm xúc nhất thời trong thơ mà sống. Văn chương hay nghệ thuật giúp mình trải lòng, sau đó mình lại nhiệt huyết, tiếp tục tập trung vào công việc chính để hướng tới ngày mai tươi đẹp”.

Chia sẻ ấy cũng được anh thể hiện qua đôi vần thơ hiếm hoi với gam màu phơi phới, như tự động viên bản thân:

Một buổi sớm một ngày mai rộng mở

Cuốn con người vào bộn bề lo toan

Dạy ta rằng: giữa biển đời thênh thang

Phải nhọc nhằn mới gặt được hạnh phúc.

                                                                      (Một buổi sớm)

Hiếu Anh không cố gắng làm sáng tác của mình trở nên cầu kỳ, hoa mỹ. Anh mang đến người đọc những cảm xúc chân phương và thật thà nhất về các khía cạnh trong cuộc sống qua cái nhìn nghệ thuật hóa của một chàng sinh viên. Thơ anh hòa cùng nhịp đập thế hệ những cây bút trẻ, dần hình thành lối đi riêng, hứa hẹn sẽ ngày càng phát triển và hoàn thiện trong tương lai.

Thanh Tâm

Tin xem nhiều