Dịch hạch là tên một tiểu thuyết của nhà văn, triết gia người Pháp Albert Camus ra đời năm 1947. Năm 1957, Albert Camus được trao giải thưởng Nobel Văn học vì các sáng tác văn học của ông đã đưa ra ánh sáng những vấn đề đặt ra cho lương tâm loài người ở thời đại chúng ta.
Dịch hạch là tên một tiểu thuyết của nhà văn, triết gia người Pháp Albert Camus ra đời năm 1947. Năm 1957, Albert Camus được trao giải thưởng Nobel Văn học vì các sáng tác văn học của ông đã đưa ra ánh sáng những vấn đề đặt ra cho lương tâm loài người ở thời đại chúng ta.
Bìa tiểu thuyết Dịch hạch |
Tiểu thuyết Dịch hạch ra đời ngay sau đại chiến thế giới thứ 2, nên những gì mà tác phẩm miêu tả khiến người ta liên tưởng tới một đại dịch khủng khiếp mà nhân loại vừa thoát khỏi trước đó 2 năm: chủ nghĩa phát xít. Thế nhưng, với mỗi tác phẩm ra đời, nhiều khi nó thoát khỏi sự lệ thuộc về tư tưởng của người đã sinh ra nó và sống một đời sống độc lập trong con mắt và suy nghĩ của độc giả. Nếu như nhà văn là những người dự báo thiên tài thì Albert Camus đúng là một nhà dự báo thiên tài khi tác phẩm Dịch hạch ra đời 73 năm qua lại đang diễn ra trong đời sống nhân loại những ngày này khi mà cả nhân loại đang phải đối mặt với đại dịch Covid-19.
Câu chuyện xảy ra năm 194… ở Oran, một thành phố bên bờ Địa Trung Hải ở Algérie khi còn thuộc Pháp. Oran là một thành phố yên tĩnh bỗng một ngày xuất hiện và xảy ra những sự kiện “không đúng chỗ, có phần không bình thường”. Đầu tiên là những con chuột chết lẻ tẻ nơi cầu thang, rồi người ta bắt gặp xác chuột chết ở ngoài đường không đúng chỗ… Dịch hạch xuất hiện. Các bệnh nhân đã bắt đầu được đưa vào bệnh viện và đã có những người tử vong đầu tiên. Chỉ mấy ngày sau những hiện tượng bất bình thường này, dịch bệnh bùng phát. Sau nhiều cuộc tranh cãi, chính quyền buộc phải công nhận đó là đại dịch, thành phố bị đóng cửa, mọi liên lạc với bên ngoài đều bị cắt đứt. Bắt đầu từ đây, một cuộc chiến cam go chống chọi giữa con người với dịch bệnh đã diễn ra âm thầm, quyết liệt bên trong thành phố bị phong tỏa ấy.
Trong bối cảnh cả thành phố bị cách ly thì cuộc sống của con người vẫn phải tiếp diễn. Những công dân của thành phố mỗi người mang một tâm trạng khác nhau, người sống trong sợ hãi, người tuyệt vọng tìm những thú vui để quên đi sự lo âu, cũng có những kẻ cơ hội đã tìm cách kiếm lợi từ đại dịch. Bác sĩ Rieux, người đầu tiên nhìn thấy những xác chuột chết vào buổi sáng 16-4 năm ấy đã cùng những con người can đảm, với những phương tiện ít ỏi cố gắng nỗ lực cứu người, đẩy lùi đại dịch. Bác sĩ Rieux có suy nghĩ đơn giản, rõ ràng nhưng quyết liệt: “Nếu không điên thì cũng mù, không mù thì cũng hèn nhát mới cam chịu buông tay trước dịch hạch”, “sức lực tôi đến đâu thì tôi bảo vệ họ đến đó...”.
Những lời nói và hành động của Rieux đã thuyết phục được nhiều người, trong đó có linh mục Paneloux, Jean Tarrou, một trí thức xuất thân danh giá, là người đáng lẽ đứng ngoài cuộc, nhưng anh đã tình nguyện cùng Rieux chống lại bệnh dịch
Khi viết Dịch hạch, Albert Camus hiểu rằng, mọi người đều mang nó trong mình, bệnh dịch, bởi vì không ai trên thế giới thoát khỏi nó… Bệnh dịch có mầm mống tự nhiên. Vì vậy, “Những tháng vừa qua nung nấu thêm nguyện vọng thoát khỏi tai họa. Nhưng lại cũng là một bài học chung: ai nấy trở nên thận trọng hơn và không nghĩ là dịch bệnh chấm dứt ngày một ngày hai… Đồng bào chúng tôi đã sẵn sàng nói tới việc tổ chức lại cuộc sống sau khi dịch bệnh chấm dứt: rõ ràng mọi người đều ấp ủ hy vọng được sống bình yên, không bệnh tật”.
Khi kết thúc tác phẩm Dịch hạch, Albert Camus đã nhận ra rằng: “Bài học rút ra được giữa lúc gặp tai họa là trong con người, có nhiều điều đáng khâm phục hơn là cái đáng khinh ghét… Dịch bệnh được đẩy lùi thì mầm bệnh vẫn lẩn khuất đâu đó và chỉ chờ dịp để bùng phát lại nên con người vừa luôn phải cảnh giác, vừa luôn phải đoàn kết giữ vững niềm tin. Chỉ có như vậy, con người mới có thể chiến thắng đại dịch”.
Vũ Trung Kiên