Có thể nói, ít nhà văn nào có số lượng truyện được chuyển thể thành kịch bản sân khấu nhiều như nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Tác phẩm của chị phù hợp với kịch lẫn cải lương, phù hợp với khí chất người Nam bộ, cho nên cứ lên sàn diễn là thành công.
Có thể nói, ít nhà văn nào có số lượng truyện được chuyển thể thành kịch bản sân khấu nhiều như nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Tác phẩm của chị phù hợp với kịch lẫn cải lương, phù hợp với khí chất người Nam bộ, cho nên cứ lên sàn diễn là thành công.
NSƯT Ngọc Trinh và Quang Tuấn trong vở Đời như ý. Ảnh: H.K |
Cánh đồng bất tận và Dòng nhớ là hai trong những vở diễn đầu tiên chuyển thể truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư và tạo tiếng vang rất lớn.
* “Kho tàng” cho sân khấu
Đạo diễn Minh Nguyệt đã viết và dựng Cánh đồng bất tận năm 2009, lịch diễn ở Sân khấu 5B lúc nào cũng “cháy vé”. Sự khốc liệt của câu chuyện gói gọn trong không gian nhỏ của 5B và có lẽ đây là lần đầu tiên xuất hiện màn hình LED để hỗ trợ cho không gian, tạo cảm giác cánh đồng rộng mênh mang, thăm thẳm…
Nguyễn Ngọc Tư rất “gần”, rất “thương”, nên chị “bước” lên sân khấu như một người bạn quen lâu ngày. |
Cũng trong năm 2009, xuất hiện Dòng nhớ do Hạnh Thúy viết và dàn dựng để thi tốt nghiệp khoa đạo diễn Trường đại học sân khấu - điện ảnh TP.Hồ Chí Minh. Ngay sau đó chị tham gia liên hoan sân khấu toàn quốc và đoạt giải đạo diễn xuất sắc. Ấn tượng rất mạnh của Dòng nhớ là một tác phẩm đậm chất thơ, đẹp nao lòng. Và tuy bi kịch nhưng không có kiểu gào thét, lên gân. Màu sắc u buồn, trầm lặng có khi lại làm người ta đau hơn sự kêu gào. Sau này, Sân khấu Hoàng Thái Thanh phục dựng Dòng nhớ với tên mới Bao giờ sông cạn, nhưng thiên về ngôn ngữ tả thực, cũng lấy vô vàn nước mắt của người xem.
Có lẽ Hoàng Thái Thanh là đơn vị chuyển thể truyện Nguyễn Ngọc Tư nhiều nhất: Nửa đời ngơ ngác (từ truyện ngắn Chiều vắng), Rau răm ở lại (từ truyện Ơi cải về đâu?), Mơ trăng bóng nước (từ truyện Tình lỡ), Mút chỉ mút cà tha từ truyện ngắn cùng tên. Chất u buồn trong tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư rất phù hợp với chất bi kịch của Sân khấu Hoàng Thái Thanh. Dù thỉnh thoảng có chen vào những vở vui vui, hoặc triết lý, thì dòng kịch chủ đạo của Hoàng Thái Thanh vẫn là bi kịch, vì vậy tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư đúng là một “kho tàng” cho nơi này khai thác.
NSƯT Lê Tứ và NSƯT Mỹ Hằng trong vở cải lương Hiu hiu gió bấc. Ảnh: H.K |
Khán giả của Hoàng Thái Thanh cũng thích bi kịch, thậm chí ngày Tết mà diễn bi họ vẫn xem, vẫn thích khóc như thường. Cho nên cuối cùng thì “ông bà bầu” Ái Như - Thành Hội cũng đành kiếm vở bi để dựng. Mà sở trường của Hoàng Thái Thanh là diễn đúng cái chất Nam bộ, sử dụng ngôn ngữ “rặt” Nam bộ, lại am hiểu đúng từng chi tiết của dân Nam bộ, xứ Nam bộ, bởi vậy rất “ăn khớp” với Nguyễn Ngọc Tư, bảo đảm không ai “bắt lỗi” được. Vì thế, xem truyện Nguyễn Ngọc Tư được chuyển thể thành kịch bản sân khấu tại sân khấu này thú vị vô cùng.
* “Mỏ vàng”… bất tận
Thế Giới Trẻ cũng là sân khấu có nhiều thành công với truyện Nguyễn Ngọc Tư được chuyển thể thành kịch bản sân khấu. Đời như ý do Bùi Quốc Bảo chuyển thể và đạo diễn từ truyện ngắn cùng tên, là một vở kịch ngọt ngào đến nỗi người ta có thể xem đi xem lại mấy lần không chán. Câu chuyện qua tay Bùi Quốc Bảo đã thêm thắt rất nhiều chi tiết và thêm những nét hài duyên dáng. Khán giả khóc như mưa, lại nhiều lúc cười như nắc nẻ. Chính vì sân khấu này có mang chữ “trẻ” cho nên dàn nghệ sĩ tại đây thừa sức trẻ để đồng hành với khán giả trẻ. Màu sắc của truyện Nguyễn Ngọc Tư được chuyển thể thành kịch bản sân khấu khi ở Thế Giới Trẻ dù buồn cách mấy cũng phải “biến đổi” thành sinh động, tung tẩy hơn. Cái tài của đạo diễn Bùi Quốc Bảo là ở chỗ đó. Làm sao vẫn giữ được chất buồn của Nguyễn Ngọc Tư nhưng vẫn phải trẻ. Bùi Quốc Bảo là một tên tuổi chuyên “trị” bi kịch theo cách sinh động, đã làm phong phú thêm cho tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư.
Hoàng Khánh, Thanh Thủy và Cát Phượng trong vở Cánh đồng bất tận. Ảnh: H.K |
Mới đây vở Đò tình (tác giả Bùi Quốc Bảo, đạo diễn Tiết Duy Hòa) ra mắt tại Trường đại học sân khấu - điện ảnh TP.Hồ Chí Minh cũng chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của Nguyễn Ngọc Tư, lại mang một màu sắc bi kịch êm ái, một kiểu day dứt nhẹ nhàng nhưng lại rất xót xa. Ngôn ngữ của Tiết Duy Hòa cũng không gào thét, anh chầm chậm cho nỗi buồn trôi đi y như những câu vọng cổ của anh Lương chèo đò thả vào mặt sông mỗi chiều, mỗi tối. Chọn câu vọng cổ làm điểm tựa, bi kịch đã có màu sắc khác rồi, êm ái nhưng lâu dài, thấm thía. Câu hát cũng là điểm tựa cho người ta có đủ sức chờ đợi người về, có đủ sức trôi qua thời gian thăm thẳm. Nguyễn Ngọc Tư lại hiện ra trong nét đặc sắc của người miền Tây, vịn vào câu vọng cổ mà sống qua những thăng trầm, ly loạn…
Và cải lương cũng chọn Hiu hiu gió bấc mà xuất hiện trên sân khấu Nhà hát Trần Hữu Trang (tác giả Hoàng Song Việt, đạo diễn Quốc Kiệt). Hoàng Song Việt là cây bút tài hoa của cải lương, anh viết lời ngọt ngào và đằm thắm, từng lời từng câu nhói vào tim người những nỗi buồn muôn thuở của tình yêu và của kiếp nghèo. Hoàng Song Việt tha hồ viết lời cho những nhân vật mà Nguyễn Ngọc Tư ấp ủ.
Nguyễn Ngọc Tư còn rất nhiều truyện ngắn nữa có khả năng trở thành kịch bản sân khấu, đúng là một “mỏ vàng” cho các tác giả khai thác. Không gian Nam bộ chị dựng lên trong truyện hình như rất dễ thiết kế khi lên sàn diễn, và hình như nó cũng rất dễ chinh phục trái tim người Sài Gòn. Và những câu chuyện, những ngôn từ quá gần gũi, cũng khiến người ta xúc động.
Hoàng Kim