Báo Đồng Nai điện tử
En

Nỗ lực đổi mới chiếu phim lưu động

11:02, 03/02/2020

Tháng 1-2020, 5 đội chiếu phim lưu động của Trung tâm văn hóa - điện ảnh tỉnh đã tổ chức hơn 100 buổi chiếu phim, thu hút hơn 20 ngàn lượt người, nhất là công nhân lao động đến xem.

Tháng 1-2020, 5 đội chiếu phim lưu động của Trung tâm văn hóa - điện ảnh tỉnh đã tổ chức hơn 100 buổi chiếu phim, thu hút hơn 20 ngàn lượt người, nhất là công nhân lao động đến xem.

 Một buổi chiếu phim lưu động phục vụ công nhân Công ty TNHH Pouchen Việt Nam. Ảnh:L.Na
Một buổi chiếu phim lưu động phục vụ công nhân Công ty TNHH Pouchen Việt Nam. Ảnh:L.Na

Đó là kết quả đáng phấn khởi, cho thấy sự nỗ lực nâng cao chất lượng chương trình, bổ sung và đổi mới phương thức hoạt động của các đội chiếu phim lưu động. Qua đó, phục vụ nhu cầu giải trí lành mạnh và bổ ích của khán giả, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho các tầng lớp nhân dân.

* Nỗ lực đổi mới

Tháng 3-2019, Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng Đồng Nai và Trung tâm văn hóa tỉnh hợp nhất thành Trung tâm văn hóa - điện ảnh tỉnh. Từ 8 đội chiếu phim lưu động, đơn vị đã sắp xếp vị trí việc làm, tổ chức các phòng, đội theo chức năng nhiệm vụ. Theo đó, trung tâm đã chủ động kết hợp cùng đội tuyên truyền lưu động và 5 đội chiếu phim lưu động xây dựng những chương trình văn hóa, văn nghệ, chiếu phim và phục vụ tuyên truyền đến các xã vùng xa, vùng sâu, xã nông thôn mới và phục vụ công nhân lao động.

Giám đốc Trung tâm văn hóa - điện ảnh tỉnh Tôn Thị Thanh Tình cho biết: “Ðể góp phần đáp ứng nhu cầu của người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và công nhân lao động trong tỉnh, các đội chiếu phim lưu động nỗ lực tổ chức nhiều chuyến đi phục vụ, nhất là vào dịp lễ, tết. Không chỉ chiếu phim, các đội còn lồng ghép thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền chính trị, phổ biến đường lối, chính sách của Ðảng, Nhà nước”.

Phó giám đốc Trung tâm văn hóa - điện ảnh tỉnh Đỗ Văn Dũng cho biết, chính sự kết hợp phong phú, đa dạng của đội tuyên truyền lưu động với thế mạnh là ca nhạc, múa, tiểu phẩm và đội chiếu phim lưu động đã tạo nên món ăn tinh thần hấp dẫn người xem. “Hằng năm, chúng tôi thực hiện hơn 120 buổi tuyên truyền lưu động và hơn 2 ngàn buổi chiếu phim, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa lành mạnh cho trên 630 ngàn khán giả. Đây được xem là những đội xung kích trên mặt trận văn hóa tư tưởng của Đảng và Nhà nước” - ông Dũng nói.

Có thâm niên theo đội chiếu phim lưu động của tỉnh hơn 30 năm, anh Trần Công Tư, Đội trưởng Đội Chiếu phim số 1 của Trung tâm văn hóa - điện ảnh tỉnh kể rằng, vài năm trở lại đây, các đội chiếu phim đã không ngừng cải tiến, đổi mới hình thức để phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân. Trước mỗi buổi chiếu, đội đều mở karaoke để phục vụ bà con, công nhân đến ca hát, lồng ghép tuyên truyền bằng hình ảnh biển đảo, Đảng, Bác Hồ… Từ các bộ phim do Cục Điện ảnh cấp, đội cũng cân nhắc lựa chọn những bộ phim hài hòa giữa yếu tố chính trị và thẩm mỹ, giải trí, đề xuất chiếu các phim mới “độc quyền” chưa từng phát trên thị trường nhằm thu hút khán giả.

“Đội chiếu phim của tôi có 2 tổ (1A và 1B), chuyên chiếu ở các xã Phú Lý, Mã Đà, Hiếu Liêm (huyện Vĩnh Cửu); Thanh Bình, Cây Gáo (huyện Trảng Bom); Bàu Hàm, Gia Kiệm, Hưng Lộc (huyện Thống Nhất)... Những năm 2000-2006, chúng tôi chủ yếu đi chiếu phim bằng xe máy. Các trang thiết bị vì thế được mang theo một cách tối giản nên hiệu quả của hoạt động chiếu phim cũng chưa cao. Vài năm trở lại đây, được sự quan tâm của ngành Văn hóa, chúng tôi đã được trang bị ô tô, máy chiếu phim hiện đại, màn hình tivi màu 300 inch. Bà con đến xem phim ngày một đông hơn” - anh Tư chia sẻ.

Theo thống kê của trung tâm, tại mỗi điểm chiếu phim tại khu vực đông dân cư và đông công nhân lao động, thu hút hơn 400-500 khán giả đến xem/đêm. Với những điểm dân cư thưa thớt hơn, mỗi đêm cũng có khoảng 100-200 người xem. Các suất chiếu được điều chỉnh thời gian để thuận lợi nhất cho bà con. Riêng những địa điểm quá ít người xem, các đội không tiếp tục duy trì suất chiếu mà chủ động liên hệ với chính quyền các xã, Công đoàn công ty để bổ sung thêm địa điểm chiếu mới phù hợp hơn.

* Định hướng thẩm mỹ cho công chúng

Không chỉ ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, ngay ở phường Hóa An (TP.Biên Hòa), đời sống công nhân đã khá phát triển, các phương tiện nghe nhìn không thiếu, nhưng chiếu phim lưu động vẫn thu hút đông đảo người xem. Chị Dương Thị Thu Hường, công nhân Công ty TNHH Pouchen Việt Nam cho biết: “Dù đã có tivi nhưng mọi người rất thích xem phim màn ảnh rộng. Mỗi khi đội chiếu phim lưu động đến phục vụ, chúng tôi đều ra hát karaoke, xem ca múa nhạc và sau đó xem phim. Nhiều thước phim sống động, gần gũi với thực tế đã tác động sâu sắc đến tâm hồn, tình cảm của chúng tôi. Xem xong có thêm hiểu biết, ý thức giữ gìn văn hóa, môi trường sống lành mạnh hơn”.

Theo Phó giám đốc Trung tâm văn hóa - điện ảnh tỉnh Đỗ Văn Dũng, trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay, đời sống càng trở nên sôi động, phong phú, mang lại nhiều lựa chọn cho việc hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân. Chính trong điều kiện này đã nảy sinh nhiều vấn đề cần nghiên cứu, giải quyết, nhất là tình trạng văn hóa ngoại nhập tràn lan. Nhiều sản phẩm có nội dung không lành mạnh, gây nên những tác hại về giáo dục đạo đức, lối sống, tư tưởng thẩm mỹ của nhân dân.

“Những đổi mới trong hoạt động chiếu phim lưu động hiện nay đã mang lại hiệu quả khả quan. Việc nhanh chóng đưa thông tin về cơ sở đã góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Chính những bộ phim, những chương trình nghệ thuật do trung tâm xây dựng được các đội chiếu phim đưa đến phục vụ khán giả, phần nào đẩy lùi các văn hóa phẩm xấu, định hướng thẩm mỹ cho công chúng” - ông Đỗ Văn Dũng nhấn mạnh.  

Ly Na

Tin xem nhiều