Báo Đồng Nai điện tử
En

Khoảng trời thơ ca Đồng Nai

11:02, 06/02/2020

Mặc dù Ngày Thơ Việt Nam và đêm thơ Nguyên tiêu vào rằm tháng Giêng năm nay bị hoãn do dịch bệnh nCoV nhưng các nhà thơ, tác giả thơ ở Đồng Nai vẫn xem sáng tác như là một hoạt động "khai mở" đầu tiên trong năm mới.

Mặc dù Ngày Thơ Việt Nam và đêm thơ Nguyên tiêu vào rằm tháng Giêng năm nay bị hoãn do dịch bệnh nCoV nhưng các nhà thơ, tác giả thơ ở Đồng Nai vẫn xem sáng tác như là một hoạt động “khai mở” đầu tiên trong năm mới.

Một buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ Thơ ca Long Thành. Ảnh: L.Na
Một buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ Thơ ca Long Thành. Ảnh: L.Na

Nhiều tác phẩm thơ mới được giới thiệu rộng rãi trên các phương tiện thông tin, được công chúng đón nhận, góp phần không nhỏ trong việc tôn vinh, quảng bá những thành tựu, nét đẹp của thơ ca Việt Nam.

* Tiếng thơ ngọt ngào, sâu lắng

Nhắc đến thơ ca Đồng Nai, công chúng yêu thơ thường nhớ ngay đến những cái tên quen thuộc như: Đàm Chu Văn, Trần Ngọc Tuấn, Nguyễn Đức Phước, Hoàng Đình Nguyễn… Thơ của những nhà thơ này không chỉ đa dạng về đề tài, phong phú về bút pháp, chặt chẽ về cấu tứ, có tính triết lý, lắng đọng mà còn giữ được giọng riêng khó lẫn.

NSND.Giang Mạnh Hà, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai cho biết: “Ngày Thơ Việt Nam và Ngày Văn nghệ sĩ Đồng Nai năm nay tạm hoãn để chờ một thời gian thích hợp sẽ tổ chức. Chúng tôi dự kiến sẽ kết hợp với chương trình tổng kết, triển khai kế hoạch hoạt động năm 2020 của Hội Văn học - nghệ thuật tỉnh. Hy vọng với sự kết hợp “3 trong 1”, hoạt động của Hội trong thời gian tới sẽ tạo ra sân chơi để văn nghệ sĩ giao lưu, gặp gỡ cũng như tôn vinh những giá trị văn hóa, văn học nghệ thuật”.

Nhà thơ Trần Ngọc Tuấn làm thơ rất “kiệm lời”. Phần lớn thơ anh là thơ 2 câu và 4 câu, ngắn nhưng lại nói được nhiều điều, nhiều ý tứ sâu xa. Bởi vậy, dù ở cung bậc cảm xúc nào, thơ Trần Ngọc Tuấn cũng dễ chạm đến khoảng sâu thẳm trong lòng những người yêu thơ. Với tâm hồn của một thi sĩ, khi đứng trên mảnh đất quê hương Biên Hòa - Đồng Nai giữa mùa Xuân mới, trái tim anh rung lên những cảm xúc: “Nguyện xin/ Ở lại nơi này/ Những mong tận thấy/ Hoa bay cùng người” (Ở lại nơi này); hay “Đất lành/ Rừng lại thêm xanh/Chim muông về tụ/ Trên cành nhân tâm” (Tự tại).

Cũng yêu vẻ đẹp dung dị nhưng thơ của nhà thơ Nguyễn Đức Phước có một “màu” rất riêng, không kén chọn người đọc, người thị thành, kẻ chốn quê đều có thể thấy mình trong đó. Thơ anh gần gũi, chân tình như tiếng lòng của chính bản thân mình. Nhiều câu thơ mộc mạc, chất đầy ký ức như trong bài Thiên đường bình yên được giới thiệu rộng rãi đến công chúng trong mùa thơ Xuân năm nay: “Nụ cười ánh mắt mẹ xưa/ Cành mai vàng nở đượm mùa yêu thương/ Lời kinh quyện với khói hương/ Trái tim mẹ đó/ Thiên đường bình yên”.

Là tác giả duy nhất của Đồng Nai được Hội Nhà văn Việt Nam kết nạp năm 2019, nhà thơ Minh Hạ thời gian gần đây đã có nhiều sáng tác mới chạm vào được cảm xúc của người yêu thơ. Với nhà thơ, việc cho ra đời những bài thơ mới, nhất là vào dịp Nguyên tiêu là một phần không thể thiếu trong hoạt động sáng tác cũng truyền tải tình yêu đến mọi người, giúp cho họ thêm yêu đời, thú vị hơn. Bởi vậy, nhà thơ đã bộc lộ tình yêu giữa mùa Xuân qua những dòng thơ lãng mạn: “Hoa tươi không nở vô tình/ Vô tình hoa nở một mình nơi đây/ Ban mai tôi nhẹ cầm tay/ Mới hay mình đã dâng đầy trước hoa” (Hoa trong vườn).

Tiếng thơ ngọt ngào, sâu lắng của Đồng Nai còn có sự góp mặt của một số tác giả trẻ như: Hạnh Vân, Lê Phan Hiếu Anh, Huỳnh Ngọc Tuyết Cương… Mỗi dịp Nguyên tiêu về, dù ít dù nhiều các tác giả đều sáng tác vài bài, xem đó như là niềm vui và hạnh phúc, là khởi đầu cho nguồn cảm hứng trong năm mới. Đó là cảm xúc trước Mưa xuân của Tuyết Cương: “Bây giờ xuân cũng mưa rồi/ Tàn bên bếp lửa ai ngồi xe mưa?/ Luồn vào sợi rách sợi thưa/ Chỉ mong vá lại thuở chưa biết gì”; là sự bồi hồi trước Nụ xuân của Hiếu Anh: “Sớm sang Giêng trổ lộc non/ Bé con hớn hở chờ mơn mởn vàng/ Nụ tròn, nụ biếc rộn ràng/ Vui vầy mắt lá cùng quàng vai nhau”

Sự đồng điệu của những tâm hồn nghệ sĩ đã làm thăng hoa các tác phẩm thơ ca. Hầu hết những bài thơ được sáng tác trong dịp đầu Xuân và Tết Nguyên tiêu đều là tiếng thơ, tiếng lòng yêu quê hương, đất nước thiết tha, là tình yêu cuộc sống và những cảm thức trước vẻ đẹp của thiên nhiên, vẻ đẹp của mảnh đất Biên Hòa - Đồng Nai.

* Lan tỏa những mùa Xuân…

Hiện nay, ngoài các nhà thơ, tác giả thơ thuộc Ban Văn học Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai, trên địa bàn tỉnh còn có rất nhiều diễn đàn thơ ca là những câu lạc bộ (CLB), đội, nhóm thơ trực thuộc các xã, phường, trung tâm văn hóa - thông tin và thể thao 11 huyện, thành phố. Thơ ca mỗi dịp Nguyên tiêu vì thế trở thành một tiếng nói chung, thể hiện những hướng sáng tạo mới, nuôi dưỡng ước mơ và khát vọng chân - thiện - mỹ của những người yêu thơ.

CLB Thơ ca Long Thành là một trong những CLB có sinh hoạt đều đặn và hiệu quả. Mỗi năm, CLB tập hợp hàng trăm bài thơ mộc mạc, bình bị gắn liền với cuộc sống đời thường, với quê hương được người yêu thơ trên địa bàn huyện sáng tác. Mùa Xuân này, CLB tròn 5 năm tuổi. Với số lượng hơn 80 thành viên, đa số là người cao tuổi, có tình yêu và đam mê với thơ, các hội viên đã và đang có nhiều sáng tác mới, lan tỏa những mùa Xuân của đất nước.

“Năm nay, chúng tôi đã dự kiến tổ chức đêm thơ Nguyên tiêu vào tối 15 tháng Giêng tại Trung tâm văn hóa - thông tin và thể thao huyện Long Thành. Nhưng vì lý do khách quan, chúng tôi đã hoãn đêm thơ và sẽ tổ chức giao buổi lưu thơ ca vào thời gian thích hợp. Chúng tôi sẽ tiếp tục sáng tác để đưa nét đẹp của thơ ca đến với mọi người, lan tỏa giá trị nhân văn trong cộng đồng” - ông Đỗ Văn Mai, Chủ nhiệm CLB Thơ ca Long Thành chia sẻ.

Chủ nhiệm CLB Thơ ca Nhơn Trạch Nguyễn Thị Mỹ Lệ cho biết, lợi thế của thơ ca địa phương là chính bản thân tác giả gắn bó với vùng quê. Sự thay đổi của địa phương được người yêu thơ trên địa bàn huyện “nhập cuộc” một cách nhanh chóng. Đặc biệt vào dịp Nguyên tiêu, CLB thường in và phát hành các đặc san thơ, cùng đọc thơ của nhau để có thêm cảm hứng mới từ cách nhìn, cách thể hiện khác nhau, cùng lan tỏa tình yêu thơ.

Nhiều người cho rằng, việc sáng tác, ngâm thơ và nghe thơ trọng dịp Tết Nguyên tiêu trên hết là tấm lòng, tình yêu và niềm đam mê thơ ca. Đó cũng là cách duy trì nét sinh hoạt văn hóa đáng khích lệ trong các tầng lớp nhân dân.

Ly Na

Tin xem nhiều