Ngày lễ tình nhân 14-2 (Valentine) từ lâu đã trở thành ngày lễ đặc biệt trên toàn thế giới.
Ngày lễ tình nhân 14-2 (Valentine) từ lâu đã trở thành ngày lễ đặc biệt trên toàn thế giới.
Vào ngày này, mọi người thường trao nhau thông điệp hãy trao yêu thương với “nửa kia” của mình và bảo vệ tình yêu ấy được bền lâu.
Vợ chồng anh Đỗ Văn Bình, chị Bùi Thị Diệu Hiền (khu Kim Sơn, thị trấn Long Thành, huyện Long Thành) cùng con trai trên chiếc xe ba bánh, ngày ngày đi bán vé số. Ảnh: L.Na |
* Vượt qua định kiến khuyết tật
Có dịp đến dãy nhà trọ ở khu Kim Sơn, thị trấn Long Thành (huyện Long Thành) hỏi gia đình anh Đỗ Văn Bình và chị Bùi Thị Diệu Hiền ai cũng biết. Như là hai mảnh ghép của số phận, hai con người ấy đã tạo nên một tình yêu giản dị nhưng không kém phần vẹn tròn, hạnh phúc.
Sinh ra ở TP.Phan Rang - Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận), khỏe mạnh và có đôi mắt sáng như bao đứa trẻ bình thường khác nhưng lên 4 tuổi, anh Đỗ Văn Bình không may mắc bệnh thủy đậu. Căn bệnh không được chữa trị kịp thời đã dẫn đến biến chứng khiến đôi mắt anh mờ dần và hiện tại hoàn toàn mất thị giác. Anh Bình cho biết, khi mới lọt lòng, cha mẹ ly hôn nên anh được bà ngoại già yếu nuôi nấng. Vì gia đình khó khăn nên anh không được đi học để có cái chữ. Lên 9 tuổi anh đã đi bán vé số phụ bà để kiếm sống.
Bên cạnh công việc hằng ngày, anh Đỗ Văn Bình còn tích cực tham gia hoạt động phong trào của Hội Người mù huyện Long Thành. Nhiều năm liền, anh đoạt các giải nhất thể loại đơn ca của hội thi văn nghệ người khuyết tật tỉnh Đồng Nai. Năm 2019, anh được Sở Lao động - thương binh và xã hội biểu dương là người khuyết tật tiêu biểu đã có thành tích trong lao động, học tập, hoạt động thể thao, văn nghệ, phát triển kinh tế gia đình, vượt khó vươn lên trong cuộc sống. |
Được vài năm, anh đăng ký theo học guitar và học luyện thanh trong 2 tháng rồi xin vào các đoàn nghệ thuật dành cho người khuyết tật ở Hà Nội, Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh biểu diễn. “Tính ra, thời gian tôi đi hát cũng được 6 năm, lăn lộn ở nhiều nơi. Cũng nhờ đó, tôi gặp Diệu Hiều (quê tỉnh Bến Tre) - người cùng tôi kết nghĩa vợ chồng. Hiện tại, tôi vừa bán vé số với vợ vừa học việc tại cơ sở xoa bóp dành cho người khiếm thị ở thị trấn Long Thành” - anh Bình chia sẻ.
Chị Hiền sinh ra kém may mắn hơn khi mang trong mình di chứng chất độc da cam/dioxin. Chị có khuôn mặt xinh xắn nhưng đôi bàn tay, bàn chân bị teo nhỏ, không tự mình đi lại được, phải nhờ chiếc xe lăn làm phương tiện hỗ trợ. Lần đầu tiên chị gặp anh vào năm 2013, đó là lúc nhóm những người bạn trên Facebook (dành cho người khuyết tật) tổ chức gặp gỡ, giao lưu tại huyện Long Thành. Chị lặn lội từ Bến Tre lên tham gia. Gặp anh, chị như tìm được sự đồng cảm, sẻ chia và rồi thường xuyên liên hệ qua điện thoại. Năm 2014, trong một lần đi hát ở tỉnh Vĩnh Long, anh Bình bắt xe về Bến Tre gặp gia đình chị, sau đó vài tháng họ tổ chức đám cưới.
Sau kết hôn, anh Bình đưa vợ ra làm cùng ở Đoàn nghệ thuật tình thương Hà Nội. Được 2 năm, anh chị chuyển vào huyện Long Thành, thuê nhà trọ sinh sống. Hạnh phúc dường như được nhân lên khi chị Hiền có thai, đến nay con trai đã gần 4 tuổi. Dẫu biết cuộc sống vất vả bởi anh là đôi chân của chị và chị là đôi mắt của anh, nhưng không vì thế mà anh chị nản chí, cứ thế vừa chăm con, họ vừa kiếm tiền trang trải cuộc sống gia đình. Dù đi làm, đi chơi hay tham gia hoạt động phong trào của người khuyết tật, anh đều bế chị và con trai lên xe lăn hoặc xe ba bánh để chị có thể cầm lái…
Valentine năm nay vừa tròn 7 năm anh chị quen nhau. Chị Hiền kể, hồi mới quen nhau, để cùng chị đi chơi hay đi ăn, anh đã nhiều lần cõng chị trên lưng, mò mẫm từng bước đi. Thậm chí, có những lúc anh còn cõng chị vào toilet nữ. Vài lần chị hỏi: “Anh ngại không?”, anh chỉ cười hiền: “Không. Anh hạnh phúc mà”.
Valentine này, hỏi anh đã chuẩn bị gì chưa, anh chỉ nhìn vợ âu yếm cười: “Bí mật!”.
* Tình yêu như một món quà
Anh Nguyễn Đỗ Anh Minh (ngụ tại phường Bửu Long, TP.Biên Hòa), cho biết, lễ tình nhân năm nay anh và vợ là chị Mai Hải Yến tuy không có buổi hẹn như trong phim, nhưng sẽ vẫn vô cùng ngọt ngào theo một cách riêng. “Tôi đã lên kế hoạch chiều 14-2 sẽ chở vợ đi dạo quanh TP.Biên Hòa đến những nơi vợ thích, ăn một vài món ăn đơn giản. Buổi tối, chúng tôi sẽ đến quán cà phê cùng nhâm nhi tách trà ấm và thưởng thức những bản nhạc yêu thích. Dĩ nhiên, tôi sẽ không quên tặng vợ những đóa hồng đỏ thắm tượng trưng cho tình yêu” - anh Minh tiết lộ.
Gia đình anh Nguyễn Đỗ Anh Minh và chị Mai Hải Yến (phường Bửu Long, TP.Biên Hòa) cùng nhau tập thể dục vào buổi sáng mỗi ngày. Ảnh: L.Na |
Vợ chồng anh Minh, chị Yến vốn là công nhân Công ty TNHH Pousung Việt Nam (huyện Trảng Bom). Hiện tại, anh chị đã nghỉ việc, mở các lớp đào tạo và hướng dẫn yoga cười (bộ môn thể dục rèn luyện sức khỏe). Hơn 20 năm quen nhau và kết hôn, có chung với nhau 3 mặt con nhưng sự yêu thương, trân quý của chị Hải Yến dành cho chồng mình vẫn vẹn nguyên như thuở nào. Chị Hải Yến cho biết, chị may mắn khi gặp người bạn đời luôn hết mực yêu thương vợ trong những khúc quanh khó nhọc nhất của cuộc đời. Chính nhờ tình yêu, thông cảm, sẻ chia của người chồng mà mái ấm gia đình chị luôn rộn vang tiếng cười hạnh phúc.
“Sau chừng ấy thời gian về chung một nhà, cảm xúc trong tôi vẫn hệt như ngày nào. Mỗi khi vợ chồng giận nhau thì các con - món quà của tình yêu lại trở thành “sứ giả” hòa bình. Tới tận bây giờ mỗi khi nhìn chồng và các con đang ngủ, trong tôi đều dâng lên niềm hạnh phúc khó tả” - chị Hải Yến khẳng định
Hào hứng khi nói về ngày lễ tình nhân 14-2, chị Hải Yến cho rằng, phụ nữ ai cũng mong được nhận quà tặng từ bạn trai hay chồng mình vào mỗi dịp đặc biệt. Thế nhưng, không phải quà có giá trị lớn mới thể hiện được tình cảm, có những quà tặng tuy nhỏ bé đơn giản, nhưng lại “chạm” đến trái tim người phụ nữ. Và để cho ngày nào cũng là lễ tình nhân thì tự bản thân mỗi người nên nỗ lực từng ngày. Phải hiểu, cảm thông và chia sẻ cho nhau, làm cho tình yêu của mình là một phiên bản thật “đặc biệt”. Có như vậy, hạnh phúc mới bền lâu.
Ly Na