Lúc 8 giờ 5 ngày 21-2, một trong những đạo diễn kỳ cựu của sân khấu miền Nam, đạo diễn – NSND Huỳnh Nga đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng, chung cư Khánh Hội (TP.Hồ Chí Minh) trong niềm thương tiếc của làng nghệ thuật và khán giả.
Lúc 8 giờ 5 ngày 21-2, một trong những đạo diễn kỳ cựu của sân khấu miền Nam, đạo diễn – NSND Huỳnh Nga đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng, chung cư Khánh Hội (TP.Hồ Chí Minh) trong niềm thương tiếc của làng nghệ thuật và khán giả.
NSND Huỳnh Nga. Ảnh: Lê Bình |
* Từ kịch nói bén duyên cải lương
NSND Huỳnh Nga tên thật là Huỳnh Văn Thạch sinh ngày 15-1-1932 tại huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An. Ông đã đạo diễn khoảng 300 vở diễn sân khấu, trong đó có nhiều vở nổi tiếng như: Đời cô Lựu, Tìm lại cuộc đời, Khách sạn Hào Hoa, Tấm Cám, Tiếng sáo trong trăng, Hoa độc trong vườn, Nàng Hai Bến Nghé…
Ông tham gia cách mạng từ rất sớm, sau đó tập kết ra Bắc, tham gia đoàn cải lương Nam bộ, rồi được cử đi học đạo diễn ở Rumani. Ông từng làm lãnh đạo Đoàn Kịch nói Hà Nội, giảng dạy tại Trường trung cấp nghệ thuật Hà Nội. Sau đó, ông về lại miền Nam. Với kinh nghiệm và sự giỏi nghề của mình, ông từng được tín nhiệm mời vào vị trí Ban Chấp hành Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Hội Sân khấu TP.Hồ Chí Minh, công tác tại Sở Văn hóa - thể thao TP.Hồ Chí Minh, tham gia ban giám khảo của nhiều cuộc thi như: Liên hoan Sân khấu cải lương toàn quốc, Chuông vàng vọng cổ, giải Trần Hữu Trang…
Vốn được đào tạo bài bản về đạo diễn kịch nói nhưng trong một lần được đề nghị chuốt lại vở Gánh cỏ sông Hàn, Huỳnh Nga bén duyên cải lương. Từ đó, cả trăm vở cải lương ấn tượng đã được dàn dựng từ bàn tay của vị đạo diễn tài hoa này. Trong đó, vở Đời cô Lựu của Đoàn 2-84 gây tiếng vang trong nước lẫn quốc tế vì từng được đưa lưu diễn tại Pháp với những nghệ sĩ thuộc thế hệ vàng như: NSND Bạch Tuyết (cô Lựu), NSND Thanh Tòng (Võ Minh Thành), NSND Ngọc Giàu (Bảy cán vá), NSND Minh Vương (Võ Minh Luân), NSND Lệ Thủy (Kim Anh)…
NSND Huỳnh Nga trong cuộc sống đời thường là một ông già gầy gò, râu tóc bạc phơ. Ông hiếm khi xuất hiện ở những nơi sang trọng. Chỗ yêu thích của ông là quán cóc lề đường. Ông ngồi đó, với khói thuốc trên tay lơ đãng ngắm nhìn phố xá, thỉnh thoảng xoay lưng lại nói vài câu bâng quơ với anh nhân viên hậu đài, chị bán hàng nước hay chú xe ôm đang uống trà đá gần đó. Những mẩu chuyện vụn vặt như rơi rớt bên vệ đường vậy mà trở nên sinh động, đắt giá khi ông nhẹ nhàng “đẩy” vào từng vở diễn.
Nói về ông, tác giả Lê Duy Hạnh, nguyên Chủ tịch Hội Sân khấu TP.Hồ Chí Minh cho rằng dùng chữ “phong trần” để nói về NSND Huỳnh Nga là rất đúng. Ông chịu thương chịu khó hỗ trợ không chỉ những đơn vị nghệ thuật lớn mà còn lặn lội đến cả những đơn vị khó khăn ở các tỉnh. Ở đâu ông cũng tạo được niềm tin, khi giao lưu với quốc tế (cụ thể là chuyến lưu diễn châu Âu với vở Ðời cô Lựu của Đoàn 2-84), ông cũng làm việc hết sức đàng hoàng và tạo được tiếng vang lớn. Ðạo diễn - NSND Trần Minh Ngọc nhấn mạnh: “Ngoài đời trông ông phong trần, phong sương nhưng tác phẩm của ông trên sân khấu thì khác hẳn, hoàn toàn chỉn chu và có nhiều điều suy ngẫm”.
* Tác phẩm đạt chất lượng nghệ thuật và hút khán giả
NSND Minh Vương cho rằng tác phẩm của đạo diễn Huỳnh Nga không chỉ có sự chỉn chu, chất lượng nghệ thuật mà còn rất “hút” khán giả bởi sự trẻ trung, tươi mới trong các mảng miếng. Còn đạo diễn Hoa Hạ yêu thích nét hài rất duyên trong vở diễn của ông: “Vở của thầy có nhiều mảng miếng hài được đưa vào rất dí dỏm, duyên dáng. Kiểu hài thâm thúy, rất sâu. Vì vậy, vở của thầy rất dễ đi vào lòng khán giả, mọi tầng lớp, từ bình dân đến trí thức đều có thể xem, có thể thấm”.
Vốn được đánh giá cao khi xử lý mảng miếng hài trong cải lương, cụ thể là nhân vật Võ Minh Luân, Kim Anh, các lớp hài giữa anh thợ bạc và Bảy cán vá trong Đời cô Lựu trở nên để đời nhưng nói về sở trường của mình, sinh thời NSND Huỳnh Nga rất khiêm tốn.
Nhớ có lần Câu lạc bộ Sân khấu cải lương hài được thành lập tại rạp Hưng Đạo cũ (nay là Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang), ông được mời đến như một tiền bối để chỉ bảo cho lớp trẻ. Khi phát biểu, ông đã nói những lời rất chân tình và xác đáng: “Làm cải lương hài thật sự rất khó. Khó từ khâu kịch bản đến dàn dựng. Bản thân tôi ngay từ những ngày đầu học đạo diễn đã chọn học dựng theo phong cách hài. Qua mấy chục năm trong nghề tôi chưa dám nhận đã dựng một vở cải lương nào hoàn toàn theo phong cách hài mà chỉ là nhặt nhạnh từng miếng hài nhỏ trong cuộc sống đưa vào vở diễn để tạo ra tiếng cười. Hài không chỉ để cười vui rồi quên, hài cũng phải có quan điểm, có trách nhiệm với cuộc sống, cao hơn nữa hài còn phải có tính chiến đấu, tính nhân dân và tính giai cấp. Sau những tràng cười thoải mái, khán giả phải rút ra được một thông điệp hay một bài học nào đó!”.
Trân trọng nghề, quý nghề như là đạo, có vẻ như “ngọn lửa” nghệ thuật chưa bao giờ tắt đối với đạo diễn Huỳnh Nga. Mấy năm cuối đời, sức khỏe ông yếu hẳn, cứ vài ba bữa lại nhập viện cấp cứu. Nhưng cứ khỏe được phút nào là ông lại nghe ngóng tin tức nghệ thuật, nhắc đến nghệ thuật đôi mắt ông vẫn sáng lên và vẫn say sưa nói về nghệ thuật hệt như giai đoạn ông xông pha dàn dựng các vở cải lương hiện đã trở thành vốn quý cho sân khấu miền Nam.
Ngọn lửa ấy đã tắt trong những ngày đầu năm 2020. Kính tiễn ông, vị đạo diễn đáng kính, một đại thụ mà đồng nghiệp, các thế hệ sau ngưỡng mộ, yêu quý...
Vào lúc 6 giờ sáng nay 24-2, gia đình làm lễ động quan sau đó đưa NSND Huỳnh Nga về an táng tại đất nhà ở Mộc Hóa, Long An. |
Trí Trọng